Những "làn gió" của sự thay đổi
Giờ đây, cư dân mạng có thể theo dõi những chiến dịch bình chọn của nghệ sĩ trang điểm James Charles, nam đại sứ đầu tiên của thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng Covergirl hay tìm đến "influencer" người Mỹ Hyram Yarbro để được tư vấn về thương hiệu chăm sóc da phù hợp cho mình.
"Khi một chàng trai bước vào một cửa hàng làm đẹp, người đó gần như có thể cảm nhận được sức nặng của những ánh mắt kỳ thị dành cho mình bởi vì nam giới lâu nay được cho rằng, họ không nên bận tâm đến việc làm đẹp, càng không nên chải chuốt", Yashwant Singh, một nhà sáng tạo nội dung làm đẹp tại New Delhi (Ấn Độ), chia sẻ.
Là một người đam mê chăm sóc da, Singh cho rằng, sự ủng hộ nam giới làm đẹp của anh ấy chỉ là một ngoại lệ chứ không phải điều phổ biến ở Ấn Độ. Chàng trai 22 tuổi này tin rằng, lý do khiến có ít nam giới tham gia viết blog chia sẻ về làm đẹp là vì họ ít được đại diện trong ngành công nghiệp này. "Nếu bước vào một cửa hàng làm đẹp, bạn sẽ khó có thể tìm được một đại sứ thương hiệu là nam giới".
Matt Woodcox, một "influencer" người Mỹ trong lĩnh vực làm đẹp, nhận xét: "Nhiều người đàn ông không muốn thừa nhận việc họ sử dụng sản phẩm làm đẹp, chăm sóc da hay công khai điều đó lên mạng xã hội. Một người đàn ông không cần phải thấy xấu hổ với việc trang điểm nhưng thật không may, chúng tôi đang phải chịu định kiến không đáng có. Nếu ngành công nghiệp làm đẹp muốn tiến lên phía trước, chúng ta cần phải thay đổi cách hiểu không đúng về nam tính".
Thay đổi quan niệm về "nam tính"
Cả hai "beauty blogger" nêu trên đều có chung một nhận định rằng, nếu ngành công nghiệp làm đẹp đa dạng hơn về giới thì con đường phía trước sẽ ngày càng rộng mở. "Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các chàng trai có thể nói về việc chăm sóc da, làm móng, những điều trước đây không được đề cập khi nhắc đến sự nam tính.
Với việc ngày càng có nhiều nam beauty blogger, quan niệm về nam tính sẽ thay đổi. Cần có nhiều hơn những chàng trai biết chăm sóc, làm đẹp bản thân, không bị chi phối bởi định kiến giới trong lĩnh vực làm đẹp", Singh nói.
Mặc dù đã có những bước tiến nhưng sự thay đổi sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Woodcox thừa nhận, những nam "beauty blogger" như anh hằng ngày vẫn phải nhận những bình luận tiêu cực, mang nặng tính định kiến như: "Đàn ông trang điểm ư? Thật kỳ dị". "Nhưng tôi vẫn tự hào về mình, một beauty blogger thích màu hồng, thích trang điểm và muốn phá bỏ định kiến giới mà xã hội đang áp đặt lên chúng tôi", Woodcox tâm sự.
Sự xuất hiện của những nam "beauty blogger" không chỉ thách thức những chuẩn mực giới mà còn có thể tạo hiệu ứng làm thay đổi tương lai của ngành làm đẹp, tạo ra một không gian phi giới tính. Bằng chứng là một số thương hiệu mới trong lĩnh vực làm đẹp đã hướng đến sự đa dạng giới trong sản phẩm của mình. Chẳng hạn khi xây dựng bản sắc của thương hiệu FAE Beauty (có trụ sở tại Ấn Độ), người sáng lập Karishma Kewalramani đã chọn cách mở rộng đối tượng khách hàng mà họ hướng đến, không chỉ có phụ nữ mà cả đàn ông.
Triết lý đa dạng giới của thương hiệu này được thể hiện từ việc chọn màu cho bao bì của sản phẩm, không phải là màu hồng như thường thấy. "Bạn sẽ quan sát thấy các yếu tố 3 chiều trong bao bì sản phẩm của chúng tôi, ám chỉ sự đa sắc, thay vì đặt chúng trong một cái hộp có màu sắc mang tính phân biệt giới tính rõ ràng", Kewalramani nói.
Đích đến cuối cùng là bình thường hóa quan niệm rằng, làm đẹp và chăm sóc da là dành cho bất kỳ ai. "Quan niệm cho rằng, màu hồng dành cho bé gái, màu xanh dành cho bé trai, búp bê dành cho bé gái, xe tải đồ chơi dành cho bé trai, đã tồn tại quá lâu rồi. Trang điểm và chăm sóc da là dành cho tất cả mọi người, không phân biệt họ thuộc giới tính nào", Woodcox nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn