Những bệnh ung thư hàng đầu ở phụ nữ: Ung thư cổ tử cung

18:20 | 06/08/2017;
Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng hơn 5.000 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung mới và trên 2.000 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất đối với nữ giới nhưng có thể phòng tránh.
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) xảy ra khi những tế bào ác tính hình thành trong các mô cổ tử cung (các cơ quan kết nối tử cung và âm đạo).

Theo các chuyên gia, virus gây bệnh u nhú ở người (HPV) là thủ phạm gây ra UTCTC. Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc UTCTC là phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, hút thuốc lá, có hệ miễn dịch yếu, thường xuyên bị căng thẳng thần kinh, lạm dụng thuốc tránh thai, có tiền sử mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục…
ung-thu-co-tu-cung.jpg
Tiêm vaccine có thể giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung

TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết, khi bị UTCTC, bệnh nhân có dấu hiệu như đau vùng chậu; dịch âm đạo có màu bất thường, có thể đó là màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn màu hồng của máu, có mùi khó chịu; chảy máu bất thường ở âm đạo; chu kỳ kinh nguyệt bất thường; bất thường trong tiểu tiện; thiếu máu…

Cũng theo TS Thuấn, những người có nguy cơ mắc UTCTC gồm người hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc quá nhiều; người có nhiều bạn tình; quan hệ tình dục không an toàn; có hệ miễn dịch yếu. “Nếu phát hiện một trong số các dấu hiệu trên, chị em nên tới gặp bác sĩ để được thăm khám và có những chuẩn đoán chính xác”, TS Thuấn khuyến cáo.
 
Có thể phòng bệnh bằng tiêm vaccine

UTCTC nguy hiểm nhưng có thể phòng được bằng tiêm vaccine ngừa HPV. Vaccine có thể giúp ngăn ngừa UTCTC, ung thư âm đạo, âm hộ ở phụ nữ, phòng ngừa mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn ở cả nam và nữ. Độ tuổi tốt nhất để tiêm vaccine HPV thường là các bé gái từ 10 đến 12 tuổi, chưa quan hệ tình dục; phụ nữ ở độ tuổi 20-25 chưa quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm nhưng hiệu quả phòng bệnh giảm 1,5 lần.
quy-trinh-tam-soat-ung-thu-co-tu-cung.jpg
Để phòng ung thư cổ tử cung, chị em cần thực hiện xét nghiệm PAP thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ

Ngoài ra, chị em cần thực hiện xét nghiệm PAP thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Xét nghiệm PAP là điều cần thiết, giúp phát hiện những thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung trước khi dẫn đến UTCTC.

Chị em cũng có thể phòng bệnh bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học. Theo đó, thực đơn đảm bảo cung cấp đủ các vitamine E, A, C và canxi. Đây là những chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào không bị hư hại bởi các gốc tự do.
 
Trong chế độ dinh dưỡng, nên ưu tiên sữa chua, các loại quả như chuối, dâu tây; các lại rau cải lá xanh, uống trà xanh, gừng, nghệ, ăn chocolate… Không nên hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia rượu, café, ma túy.
tu-van-utctc.jpg
Định kỳ từ 3 đến 6 tháng, chị em nên đi khám phụ khoa và làm thêm các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư

Phụ nữ cần giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ; hạn chế stress bởi nó là yếu tố khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn.

Định kỳ từ 3 đến 6 tháng, chị em nên đi khám phụ khoa và làm thêm các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư. Nếu đang có vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa như khí hư bất thường, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung… thì cần đi khám và chữa trị dứt điểm để bệnh không tiến triển nặng hơn.
 
Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường ngày, chị em nên giữ gìn và vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.


Theo thống kê, trên thế giới, hằng năm có khoảng 530.200 trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung, chiếm 8,8% các trường hợp ung thư ở phụ nữ và khoảng 275.00 trường hợp tử vong vì bệnh này.

                                                                                         (Kỳ tới: Ung thư buồng trứng)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn