Những bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ: Ung thư nội mạc tử cung
21:20 | 09/08/2017;
Ung thư nội mạc tử cung phổ biến nhất ở độ tuổi 45-74. Đây là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh (60 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, đã mãn kinh được gần 2 năm. Thế nhưng, khoảng 2 tháng trước, bà thấy chảy máu âm đạo giống như chu kỳ kinh nguyệt. Bà quan sát thì thấy máu chảy ra nhiều và có lẫn máu cục.
Ngoài ra, bà còn bị tiểu buốt, tiểu rắt, đau mạnh vùng thắt lưng. Lo lắng cho sức khỏe của mình, bà đến một bệnh viện chuyên khoa để thăm khám. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, sinh thiết, bà được xác định bị ung thư nội mạc tử cung. Lúc này, bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2.
TS Nguyễn Duy Hiển, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, thông thường các tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia một cách có trật tự để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Nhưng đôi khi các tế bào trở nên bất thường (đột biến) và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Các tế bào tiếp tục phân chia tế bào mới ngay cả khi không cần thiết.
Những tế bào bất thường có thể xâm nhập và phá hủy các mô lân cận, thậm chí có khả năng di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể và bắt đầu phát triển ở đó. Hầu hết trường hợp ung thư nội mạc tử cung phát triển ở phụ nữ sau mãn kinh.
Các triệu chứng nhận biết
Khi bị ung thư nội mạc tử cung, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng ban đầu như chảy máu âm đạo bất thường; đau vùng chậu; đau khi giao hợp; giảm cân.
Theo TS Hiển, ung thư nội mạc tử cung có 4 giai đoạn. Ở giai đoạn I, tế bào ung thư chỉ được tìm thấy trong tử cung và không lây lan. Giai đoạn II, tế bào ung thư có cả trong tử cung và cổ tử cung. Trong giai đoạn này, tế bào ung thư không còn giới hạn trong tử cung nhưng chưa lan rộng ra khỏi khu vực xương chậu.
Giai đoạn III, tế bào ung thư có thể lan sang trực tràng và bàng quang. Còn giai đoạn IV, tế bào ung thư đã lan ra vùng xương chậu và có thể ảnh hưởng đến bàng quang, trực tràng và nhiều phần xa của cơ thể.
Cũng theo TS Hiển, phát hiện và điều trị sớm là một trong những yếu tố quyết định đối với hiệu quả của việc chữa ung thư nội mạc tử cung. Theo đó, nếu phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung ngay từ giai đoạn tiền ung thư thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 92%.
Nếu bệnh được phát hiện ở những giai đoạn 1, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của các bệnh nhân chiếm khoảng 80% đến 90%. Ở giai đoạn 2, tỷ lệ này giảm xuống, chỉ còn từ 50% đến 65%. Trong giai đoạn 3, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ đạt khoảng 25%-35%. Nếu bệnh ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn 4, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ chiếm dưới 15%.
Đặc biệt, nếu các tế bào ung thư đã di căn sang những bộ phận khác thì việc chữa khỏi bệnh là hết sức khó khăn và gần như không thể thực hiện được. Để hạn chế bị ung thư nội mạc tử cung, chị em cần duy trì cơ thể khỏe mạnh, cân nặng hợp lý. Bởi béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất cho sự phát triển của bệnh ung thư nội mạc tử cung.
Ngoài ra, chị em cần khám bệnh định kỳ; khi có những bất thường ở phần phụ, cần đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị sớm, nếu mắc bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, ung thư nội mạc tử cung (còn gọi là ung thư tử cung) là khối u ác tính phát sinh tại tuyến nội mạc tử cung. Đây là một trong những u ác tính ở cơ quan sinh dục nữ, chiếm 7% tổng số ung thư ở nữ giới, chiếm 20%-30% u sinh dục ác tính.