Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra ở tất cả mọi người, đặc biệt đối với trẻ em lại thì ngộ độc thức ăn lại càng xảy ra dễ dàng hơn. Khi ngộ độc thức ăn ở trẻ xảy ra, nó có thể để lại nhưng biến chứng hết sức nguy hiểm. Vậy vì sao trẻ em thường gặp ngộ độc thức ăn hơn?
- Hệ miễn dịch còn yếu: Hệ miễn dịch của trẻ em còn yếu là điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Đồng thời chính điều này cũng khiến cho cơ thể trẻ khó tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh hơn. Do đó ngộ độc thức ăn ở trẻ có thể kéo dài và dễ tiến triển nặng gây ra biến chứng.
- Chức năng các cơ quan chưa hoàn thiện: Các cơ quan ở trẻ em chưa hoàn thiện về mặt chức năng so với người lớn (gan, thận, hệ vi sinh đường ruột,...). Vì thế chúng dễ bị tổn thương hơn bởi các độc chất hoặc các loại độc tố vi sinh vật khi bị ngộ độc thức ăn ở trẻ.
- Không thể mô tả các sự bất thường của cơ thể: Đây là vấn đề thường gặp phải đối với trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ hoặc chưa biết nói. Trẻ chưa có khả năng diễn đạt được các bất thường, sự khó chịu của cơ thể nên đôi khi các triệu chứng, biểu hiện của ngộ độc thức ăn ở trẻ không được phát hiện, điều trị sớm. Do đó dễ dẫn đến biến chứng xảy ra hơn.
- Rối loạn nước và điện giải: Tình trạng rối loạn nước và điện giải là biến chứng hay gặp nhất trong ngộ độc thức ăn ở trẻ, thường gây nên bởi nôn ói, tiêu chảy, sốt,... Tuy nhiên, do hàm lượng nước ở trong cơ thể trẻ em cao hơn so với người lớn nên tình trạng rối loạn nước và điện giải thường xảy ra hơn và trầm trọng hơn so với người lớn.
- Hội chứng tăng ure tán huyết: Sự tấn công của các yếu tố miễn dịch xuất hiện sau khi ngộ độc thức ăn ở trẻ có thể khiến cho các mạch máu bị tổn thương (trong đó bao gồm cả các mạch máu thận) gây nên hội chứng tăng ure tán huyết. Hội chứng này cũng thường xảy ra ở trẻ em hơn là ở người lớn, và đây được cho là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng suy thận cấp ở trẻ em.
- Co giật do sốt cao: Ngộ độc thức ăn có thể khiến cho trẻ bị sốt cao. Nếu không được kiểm soát tốt nhiệt độ cơ thể thì sốt cao có thể dẫn đến tình trạng co giật. Tuy nhiên co giật do sốt cao thường lành tính và có thể bình phục hoàn toàn sau đó.
- Tiêu chảy kéo dài: Sự tổn thương hệ vi sinh non nớt trong đường ruột, các tổn thương thành ruột,... xảy ra do ngộ độc thức ăn ở trẻ có thể sẽ cần một thời gian dài để phục. Do đó, tình trạng tiêu chảy kéo dài cũng là biến chứng rất thường gặp ở trẻ em sau ngộ độc thức ăn.
- Nhiễm khuẩn huyết: Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện khiến khả năng chống lại và tiêu diệt các vi khuẩn còn kém. Do đó, tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do ngộ độc thức ăn dễ tiến triển và lan vào máu gây nên nhiễm khuẩn huyết, có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Phụ huynh cần Nhận biết thực phẩm nhiễm vi khuẩn để phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho mọi thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, một số các biến chứng khác do ngộ độc thức ăn ở trẻ cũng có thể kể đến bao gồm hội chứng Guillain-Barré, viêm não, viêm màng não do biến chứng ngộ độc thức ăn,...
Qua đây có thể thấy rằng, ngộ độc thức ăn ở trẻ có thể gây nên các biến chứng hết sức nguy hiểm. Do đó, cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh ngộ độc thức ăn cũng như phát hiện sớm các biểu hiện của ngộ độc thức ăn để xử trí và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo: https://www.webmd.com/food-recipes/food-poisoning/food-poisoning-in-children-what-to-know#1
https://www.foodpoisoning.com/about-food-poisoning/symptoms-complications/
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn