*Cục Điều tra Dân số Mỹ vừa phát hành một báo cáo về gia đình vào tháng 5/2024, cho thấy một số dữ liệu rất đáng lo ngại. Tại "xứ sở cờ hoa", hôn nhân ngày càng bị trì hoãn, tỷ lệ sống chung ngày càng tăng, tỷ lệ sinh con ngày càng giảm. Theo điều tra, năm 1970, có 40,3% tổng số gia đình ở Mỹ là các cặp vợ chồng và con cái.
Năm 2000, con số đó giảm xuống còn 24%. Đến năm 2022, năm gần đây nhất mà Cục điều tra dân số có dữ liệu, tỷ lệ này đã giảm xuống mức đáng kinh ngạc là 17,8%.
Tình trạng không có con cũng gia tăng nhanh chóng ở phụ nữ Mỹ trong độ tuổi cuối 30 cùng với tỷ lệ sinh con đầu lòng thấp, dẫn đến tình trạng không có con cao hơn ở phụ nữ ở độ tuổi 40.
Sự thay đổi lớn nhất là xu hướng ngày càng nhiều nam giới và phụ nữ lựa chọn sống một mình. Số lượng nam giới chọn sống một mình đã tăng 136% so với năm 1970. Đối với phụ nữ, con số này tăng ít hơn, 37%.
*Tại Hàn Quốc, theo báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc công bố ngày 17/6/2024 cho thấy, tỷ lệ đàn ông Hàn Quốc chưa kết hôn nhiều hơn phụ nữ chưa kết hôn là 19,6%. Các yếu tố góp phần gây ra hiện tượng này là tâm lý ưa thích con trai, tỷ lệ sinh thấp và tiến bộ công nghệ cho phép cha mẹ biết được giới tính của thai nhi. Kết quả là, nam giới độc thân bắt đầu đông hơn nữ giới vào giữa những năm 2000.
*Ngày càng nhiều người Indonesia lựa chọn lập gia đình muộn. Theo số liệu của Chính phủ Indonesia, trong năm 2023, chỉ có 1,58 triệu cặp đôi tổ chức hôn lễ, giảm 128.000 cặp so với năm 2022. Số liệu này liên tục giảm kể từ năm 2018, khi Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, ghi nhận 2,01 triệu cặp đôi tổ chức hôn lễ.
Năm 1979, Trung Quốc áp dụng chính sách 1 con để kiểm soát vấn đề gia tăng dân số. Vào năm 2016, Chính phủ nước này đã cho phép các cặp vợ chồng sinh 2 con. Con số này trở thành 3 vào năm 2021.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngày càng nhiều người Trung Quốc lựa chọn một con số khác - 0 con. Nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Lạc Dương ước tính, lối sống hai thu nhập, không con cái (còn gọi là DINK) chiếm khoảng 38% số hộ gia đình Trung Quốc vào năm 2020, tăng so với một thập kỷ trước đó (28%).
DINK cũng phổ biến ở nhiều nước châu Á trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở một số quốc gia chạm đáy. Số lượng cặp đôi DINK ở Ấn Độ tăng 30% mỗi năm. Tại Hàn Quốc, thống kê mới nhất cho thấy, gần 30% cặp vợ chồng kết hôn chưa được 5 năm đều đi làm và không có con. Tỷ lệ này tăng đáng kể so với mức 19% trong cuộc khảo sát tương tự hồi năm 2015.
Ở Nhật Bản, ngày càng nhiều người trẻ chấp nhận mối quan hệ "hôn nhân tình bạn". Khoảng 1% trong tổng số 124 triệu dân "xứ sở hoa anh đào" theo đuổi lối sống này. Họ bao gồm người vô tính, đồng tính và cả những người dị tính.
"Hôn nhân tình bạn" là mối quan hệ chung sống mà các bên là vợ chồng hợp pháp nhưng không có tình dục. Vợ chồng có thể sống chung hoặc riêng. Nếu quyết định có con, họ có thể sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Cả hai đều có quyền theo đuổi mối quan hệ lãng mạn với người khác ngoài hôn nhân, miễn là có sự đồng ý của nhau.
Trước khi kết hôn, các cặp đôi thường thỏa thuận các chi tiết trong cuộc sống, như nên ăn cơm chung hay không, chia chi phí sinh hoạt như thế nào, ai là người giặt quần áo...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn