Tại Hội thảo "Hỗ trợ, tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội" do Quỹ thúc đẩy, sáng kiến tư pháp (Eu Jule Jiff) tài trợ, vừa được tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu đã dành thời gian phân tích rõ về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em từ 6 – 11 tuổi khi bị xâm hại tình dục (XHTD). Lúc này, trẻ đã hình thành những nếp sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày tuỳ theo môi trường gia đình, trường học, khu dân cư nơi trẻ em sinh sống và học tập.
Trẻ em đã có ý thức cơ bản về cách ứng xử với những người thân trong gia đình, thầy cô và bạn bè, đã được học khái niệm cơ bản về giới tính hoặc đã có nhận thức cơ bản về vấn đề tình dục. Do vậy, khi bị người khác sàm sỡ hay xâm hại thì trẻ em đã ý thức được sự việc, trẻ hay xấu hổ không dám kể với cha mẹ hay người thân. Hoặc cũng có trẻ em bị kẻ sàm sỡ, kẻ xâm hại dụ dỗ, mua chuộc, đã gây áp lực để trẻ em không dám nói cho gia đình, người thân biết.
Trẻ em từ 6 – 11 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi, là những thiếu niên, thanh niên đang phát triển dần thành người trưởng thành, nên rất muốn kết giao nhiều bạn bè, muốn làm nhiều việc như người lớn và mong người lớn hiểu mình hơn là được chiều chuộng như em bé.
Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, do chưa nhận thức được sự phức tạp của các mối quan hệ trong gia đình, xã hội và bạn bè; chưa có kỹ năng phòng vệ, bảo vệ bản thân trước hành vi xâm hại, nên dễ bị dụ dỗ, ép buộc quan hệ tình dục. Khi hậu quả đã xảy ra, các em thường bất an, chểnh mảng trong học tập, luôn có cảm giác mình có lỗi, sợ gặp người lạ. Ngại không muốn tham gia các hoạt động như thường ngày. Có em đã bỏ học, vì sợ gặp bạn bè, người thân, không dám chia sẻ mình bị xâm hại, giấu kín cho đến khi không thể được mới nói cho người thân biết.
Trẻ cũng bị sao nhãng học hành, thậm chí bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, nên nhiều khi gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ việc.
Nhiều đại biểu cho rằng, trẻ em ở độ tuổi từ 14 -16 tuổi là độ tuổi đang thay đổi tâm sinh lý thành người có năng lực hành vi dân sự gần đầy đủ, luôn muốn tự mình quyết định hành động mà không muốn cha mẹ hay người thân chỉ dẫn. Trẻ dễ dẫn đến những hành động không chín chắn, bất lợi cho bản thân.
Nhiều trẻ em ở độ tuổi này, do có hoàn cảnh khó khăn hay hoàn cảnh đặc biệt đã phải tự đi làm kiếm sống, phải tham gia lao động nuôi gia đình, nên rất dễ là mục tiêu bị xâm hại tình dục. Cha mẹ, người thân cần thường xuyên bên cạnh trẻ em, chia sẻ, an ủi, động viên để trẻ em không bị cô đơn, lạc lõng và làm những điều dại dột như bỏ đi hay tự tử. Gia đình cũng cần tố giác ngay với cơ quan công an, nhằm sớm đưa vụ việc ra ánh sáng, bảo vệ chứng cứ.
Nạn nhân, đặc biệt là trẻ em khi bị xâm hại tình dục thường để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Mức độ tâm lý bị ảnh hưởng nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: sự nhận thức của người bị hại, cách nhìn nhận của xã hội, cộng đồng dân cư xung quanh nơi cư trú của người bị hại.
Quan trọng nhất là thái độ của người thân và sự tham gia của người tham gia tố tụng khi giải quyết các vụ xâm hại tình dục này.
Trẻ em dưới 18 tuổi đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý, khi bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài cho trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ em bị xâm hại và cộng đồng xã hội. Nhiều trẻ em dưới 18 tuổi bị xâm hại có nguy cơ cao dẫn đến việc sử dụng chất gây nghiện như ma tuý, nghiện rượu, thuốc lá hoặc dẫn đến hành vi phạm tội. Khi bị xâm hại tình dục, trẻ em thường lo lắng, xấu hổ, tự trọng thấp, hoảng loạn trong hành vi ứng xử, suy nghĩ và hành động. Lâu dài có thể trẻ buông xuôi, chấp nhận việc bị lạm dụng hoặc cho việc bị lạm dụng là đương nhiên (đối với trường hợp bị cha đẻ, chú dượng, bị người mình lệ thuộc lạm dụng). Có trẻ nhận thức lệch lạc về giới tính, có khi trở thành tội phạm tình dục khi trưởng thành, có hành vi khiêu dâm và tò mò quá mức về tình dục.
Nếu thấy trẻ em có một trong số những biểu hiện bất thường như ở trên đã nói, thì cần phải động viên để trẻ em bình tĩnh kể lại sự việc, khai báo hoặc đưa ngay các em đến các cơ sở y tế, bác sỹ tâm lý để được can thiệp, giúp trẻ nhanh chóng ổn định tinh thần.
Tuyệt đối không đổ lỗi cho trẻ, mà hãy an ủi, nói với trẻ rằng các em đã được an toàn. Hãy nhẹ nhàng với trẻ em, để trẻ cảm nhận được trẻ được tin tưởng, được yêu thương.
Cha mẹ, các tổ chức xã hội cũng phải khéo léo đối diện với phản ứng của trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục. Lắng nghe trẻ em nói, để trẻ được bộc lộ cảm xúc, thay vì hỏi quá nhiều chi tiết và buộc chúng phải "khai báo".
Bên cạnh đó, cha mẹ cần cố gắng giữ nguyên các thói quen sinh hoạt trong gia đình như giờ đi ngủ, ăn tối và các thông lệ khác, để trẻ em dễ dàng tái hoà nhập, không nhận thấy vì mình mà mọi thứ trong gia đình bị thay đổi, xáo trộn.
Cha mẹ cũng cũng thể đề nghị nhà trường, thầy cô, các bạn không chế diễu, không xa lánh, bàn tán về việc trẻ bị xâm hại. Để trẻ được cảm thông, tạo điều kiện hỗ trợ cho trẻ em được sớm hoà nhập lại cuộc sống bình thường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn