Mùa hè năm ấy tôi mới có 5 tuổi. Cả gia đình 4 người ở trong cái nhà bé như "chòi vịt". Có bố mẹ, tôi và chú Dương.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chú tôi khi đó 32 tuổi vẫn không lấy được vợ. Lũ trẻ con trong xóm cứ thấy chú là trêu, thằng Cò bạn nối khố với tôi còn dám gọi chú là Dương "ngố". Vì chú tôi là một người thiểu năng.
Không phải vừa sinh ra chú đã bị bệnh. Bà nội kể rằng ngày bé chú gặp trận sốt cao, co giật đùng đùng tưởng chết. Rồi phép màu kỳ lạ xảy ra, chú hồi sinh nhưng mất đi trí tuệ của mình. Chú lớn lên vô cùng khỏe mạnh, nhưng lúc nào cũng cười nói ngây ngô. Chú thích ăn quả xoài, thích tắm mưa, thích xem vô tuyến. Và chú thương tôi hơn tất thảy mọi thứ trên đời.
Hồi tôi mới đẻ ra nghe bố kể là chú sợ tôi lắm. "Cái thứ gì bé tí nhăn nheo, lại còn đỏ hỏn!". Chú mon men xin thử bế tôi, nhưng chưa kịp chạm vào tôi đã ngoạc mồm ra khóc ầm ĩ! Chú hoảng quá chạy tít ra đồi sim, bà nội gọi mãi mới tìm được chú.
Mẹ bảo xưa tôi khó nuôi lắm, còi dí như que tăm vì tội lười ăn. Lương tháng bố làm công nhân được có 200 đồng, mẹ cầm hết đi mua cua về nấu cháo cho tôi. Thế mà tôi chê không ăn, cuối cùng chú Dương ăn hết. Lần đầu tiên trong đời được ăn ngon nên chú vui lắm. Suốt mấy năm trời chỉ đòi ăn cháo cua.
Đến khi tôi lớn hơn chút thì hoàn cảnh gia đình cũng đỡ hơn. Mẹ mở một tiệm tạp hóa nhỏ để tiện ở nhà trông tôi với chú Dương. Chú hay "mót" kẹo bánh đem chia cả cho tôi nữa. Rồi chú cứ thắc mắc sao tôi đẻ ra xấu xí lại biến thành một đứa trắng như cục bột.
Trưa hôm ấy nắng gắt vô cùng. Tiếng ve kêu rầm rĩ nên mẹ không phát hiện ra tôi lẻn đi chơi. Chú Dương ngủ trên võng ngoài sân, tôi nhặt mấy con kiến dưới gốc cây me thả trên đầu chú rồi chạy biến. Bố mới mua cho quả bóng nhựa, tôi ôm theo chơi một mình ở bãi đất trống. Đang chơi thì bóng rơi xuống ao nên tôi loay hoay kiếm que khều vào. Mép ao toàn bùn trơn trượt, thế là uỵch một cái tôi trượt ngã.
Nước tràn vào mũi, tanh đắng cả miệng. Càng kêu cứu thì bèo càng chui xuống họng, tôi chới với đập tay chân trong tuyệt vọng. Khi ý thức dần trở nên mơ hồ thì một cánh tay túm lấy kéo tôi ra khỏi đống ngập ngụa.
Mở mắt ra tôi thấy mẹ gục đầu khóc, mắt đỏ hoe, tóc rối bù. Hàng xóm bu quanh bờ ao đông nghịt, giục nhau đưa tôi lên trạm xá. Ọc ra cả vốc nước xong tôi vẫn thấy khó thở, sau đó một bàn tay run run ôm chặt lấy đầu tôi.
- Sún ơi đừng chết. Sún ơi về ăn xôi đỗ với chú, chú bẻ lá chuối cho mẹ Cúc rồi này.
Ngó lên thấy chú Dương nước mắt nhòe nhoẹt, cả người ướt sũng. Trên đầu chú là tàu lá chuối xanh luồn một sợi dây gai buộc lại như cái mũ, rách tươm xơ mướp, dính cả một con ốc dưới ao. Thế là tôi phì cười, rồi ngất xỉu.
Chuyến chết đuối hụt ấy khiến tôi mắc chứng sợ nước cho đến tận bây giờ. 30 tuổi tôi vẫn không dám đi bơi, không bao giờ đi qua ao hồ. Ra biển cũng chỉ ngồi trên bờ vì ngửi mùi tanh thôi đã gợn lên ký ức cũ đáng sợ.
Chú Dương "ngố" nhà tôi đã hơn 50 tuổi. Bọn trẻ trong xóm vẫn bò lăn ra cười khi thấy chú đi qua, nói ngọng nghịu và toàn bị lừa bắt nạt. Chú chẳng cáu gắt với ai bao giờ, ai nói gì cũng cười hết. Tôi đi học đi làm xa 1 năm chỉ về có vài lần, chú Dương toàn lấy điện thoại bố tôi để gọi lén cho cô cháu. Nhiều lần tôi giấu chuyện về chơi không báo trước, nhưng chẳng hiểu bằng cách nào chú luôn biết và đứng đợi tôi ở cổng nhà.
Chú đón tôi bằng nụ cười ngờ nghệch và một cành hoa giấy buộc nơ. Lý do ra đời của hành động ấy khá hài hước. Đó là một lần tôi xem phim ngôn tình, thấy cảnh nam chính tặng hoa cho bạn gái nên xúc động sụt sịt. Ông chú liền chạy ào tới hỏi ai làm cháu gái khóc. Tôi xua tay bảo vì không có người yêu, không ai tặng hoa nên mếu thôi. Mặt ông chú nhăn nhó hồi lâu, gãi muốn sứt cả da đầu xong đứng dậy chạy mất. 5 phút sau chú thập thò ở cửa phòng, trên tay là một cành hoa giấy ngũ sắc nham nhở, thắt chiếc nơ bằng dây thừng nom khá vụng về. Chắc chú mới bẻ trộm nhà hàng xóm, bắt chước bó hoa trong phim tôi thích.
Tôi cầm cành hoa mà tủm tỉm cười. Ông chú ngốc nghếch của tôi thật đáng yêu, lúc nào cũng thương cháu gái nhất. Lát sau tiếng mẹ chợt gào lên: "Đứa mất nết nào bẻ trộm hoa giấy nhà tau, vít kiểu gì nát bét cả hàng rào rồi!". 2 chú cháu giấu vội cành hoa, nhìn nhau cười khúc khích.
Hôm qua nhà có giỗ nên tôi xin nghỉ làm 2 hôm, bắt xe từ thành phố về quê hơi muộn. Trời mưa to không có ô, tôi đành đội mưa chạy từ ngoài đường về ngõ. Thế là sáng nay lăn đùng ra cảm sốt, ông chú quýnh quáng ngồi cạnh giường vì lo. Trong cơn mê man tôi nghe tiếng chú thút thít: "Sún lại ốm à, dậy chơi với chú đi! Chú kiếm người yêu cho Sún này".
Mẹ hầm gà với ngải cứu cho tôi ăn, chú Dương giành phần bưng bón. Mặc dù chú vụng về hết sức, đụng đâu hỏng đó, nhưng từ bé đến nay chú chăm tôi cực khéo. Tôi không ăn hết bát gà, nhìn ông chú chẹp miệng vẻ thèm nên tôi nhường chú luôn. Ngủ dậy thì thấy bố cạnh bên, đưa cho tôi cốc nước cam thơm nức.
- Sắp sinh nhật chú Dương rồi đấy con ạ. Xong 1 tuần sau là sinh nhật con. Con thích quà gì để bố mua.
- Con chỉ thích ăn cơm bố mẹ nấu thôi, chả cần gì đâu ạ.
- Nhanh quá, thế mà con lớn bằng ngần này rồi. Không mau lấy chồng đi, cứ mải chơi suốt. Định không cho ông bà già này bế cháu à?
- Ui thôi mà bố, con đã có bạn trai đâu. Bố không nhớ cứ ai đứng cổng xin tán con là chú Dương vác gậy ra đuổi sao.
- Ừ chú thương con nhất mà. Cả đời chú như thế không có ai bầu bạn. Con nhớ ngày xưa cái lần con ngã xuống ao không. Chú Dương có biết bơi đâu, nhưng vẫn liều nhảy xuống vớt con đấy. Mẹ kể cho bố là chú nghe tiếng quẫy nước nên ngó ra xem, phát hiện con kêu cứu nên chú sợ lắm. May mà cái ao đấy nông không thì chả biết chuyện gì xảy ra nữa. Rồi mấy lần chú đứng đợi con về ấy, nắng to cũng chẳng chịu vào nhà. Bố hỏi sao dặn gì cũng hay quên mà ngày con về thì lại nhớ. Thì chú bảo chẳng nhớ gì cả, lúc nào cũng chỉ nhớ mỗi Sún thôi.
Tự dưng nước mắt trào ra. Suốt bao năm qua tôi không hề biết chú đã dũng cảm như thế. Cành hoa giấy đã được cắm xộc xệch trong lọ có nước. Chỉ mong sau này tôi cũng gặp được một chàng trai thật lòng đối tốt với mình như vậy, ngờ nghệch chút cũng không sao, chẳng giàu có cũng được, chỉ cần cả cuộc đời quan tâm chăm sóc lẫn nhau...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn