Sinh con trong tình yêu đồng đội
Đêm ấy, chị Lê Thị Thảo (phòng Hậu cần, Lữ đoàn 126) bỗng thấy cơn đau bụng chuyển dạ. Đây lần thứ 2 chị sinh con mà không có chồng bên cạnh.
Cố nén cơn đau, chị dặn dò con gái lớn 6 tuổi ở nhà, rồi lo sắp đồ đi bệnh viện, vừa gọi cho mấy chị em ở đơn vị thông báo tình hình. Không đầy 10 phút sau, gần chục chị em trong đơn vị đã có mặt ở nhà chị Thảo.
Người giúp mẹ con chị đi bệnh viện, người ở lại lo cho con lớn của Thảo ngủ tiếp. Cuộc vượt cạn của mẹ con Thảo đã “mẹ tròn con vuông” bằng phương pháp sinh mổ.
Nhìn mặt con như thiên thần bên mình, chị Thảo rạng ngời hạnh phúc báo tin cho chồng đang công tác ở đảo Trường Sa. Chị không quên nhắc anh giữ sức khoẻ, yên tâm công tác.
Thượng úy Trần Thị Thanh Thủy luyện võ cùng đồng đội
Không có anh bên cạnh nhưng bên mẹ con Thảo luôn có tình cảm của đồng đội. Mấy ngày mẹ con chị Thảo ở bệnh viện là chừng đó thời gian chị em trong đơn vị cắt cử nhau giúp đỡ mẹ con họ, chị nào có con nhỏ thì đến bệnh viện ban ngày, chị nào con lớn hơn thì đến buổi tối.
Ở nhà, chị em cũng thay nhau đưa đón con lớn của Thảo đi học và cơm nước ổn thoả. Hồi Thảo sinh con đầu lòng cũng vậy, không có anh lúc vượt cạn, Thảo vẫn rưng rưng hạnh phúc trong tình đồng đội luôn đầy ắp mỗi ngày.
Là vợ cảnh sát biển, Thượng úy Trịnh Thị Nga, Phòng Chính trị, Lữ đoàn 126, cũng kiên cường vượt mọi khó khăn. Trong hoàn cảnh chồng đi công tác xa nhà, chị vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị vừa chăm sóc mẹ chồng già yếu và 2 con nên người để anh yên tâm công tác.
Vừa tiễn con trai lớn lên đường nhập ngũ, thì tai hoạ liên tiếp ập xuống gia đình, chị bị phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, đứa con thứ hai của chị học lớp 6 không may bị tai nạn giao thông không qua khỏi. Trong khoảng thời gian đầy khó khăn đó, các chị em trong đơn vị thay nhau ở bên chị Nga chia sẻ, giúp đỡ.
Được huấn luyện như nam
Thượng tá Trần Văn Nghĩa, Phó Chính uỷ Lữ đoàn đặc công 126, trìu mến giới thiệu 1 lượt các chị em trong đơn vị với niềm tự hào, trân quý: “Là lãnh đạo, tôi không muốn khen chị em trong đơn vị mình trước khách lạ nhưng quả thực, 35 thành viên nữ của chúng tôi rất tuyệt vời. Có 32/35 thành viên có chồng là bộ đội, có người thì 3 đến 6 tháng, có người thì cả năm mới được gặp chồng. Ngoài đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ ở đơn vị, các chị phải gánh vác việc gia đình, thay chồng chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái”.
Các chiến sỹ đặc công Lữ đoàn 126 trong giờ luyện bắn súng
Chị Trương Thị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ Lữ đoàn 126, cho biết: Đặc thù là đơn vị chiến đấu, nên bắt buộc chị em chúng tôi phải tham gia các hoạt động huấn luyện toàn diện ở đơn vị như quân nhân nam. Ai cũng phải đạt 5 tiêu chí rất ngặt nghèo do đơn vị đề ra là: Bơi giỏi, võ giỏi, bắn giỏi, tác chiến giỏi và giỏi chịu đựng khó khăn gian khổ.
Thoạt nhìn cô gái nhỏ nhắn, có khuôn mặt trái xoan trong bộ quân phục rằn di Trần Thị Thanh Thuỷ (SN 1986), ít ai nghĩ cô Thượng úy làm văn thư này cũng mạnh mẽ không kém các quân nhân nam. Vào đơn vị theo nghề của bố mẹ, sau 10 năm huấn luyện ở đơn vị, Thuỷ vẫn nhớ: “Hồi đầu đơn vị bắt tập bơi, bắn súng, học võ… môn gì em cũng sợ, nhất là môn võ. Luyện xong ngày nào về nhà là người em đau ê ẩm ngày đó. Nhiều khi cảm giác như mình không đủ sức để theo nhưng rồi các anh chỉ huy huấn luyện kiên trì, em quen dần và thể lực cũng tăng lên rõ rệt”.
Ngoài việc luyện các môn kỹ năng, vào tối thứ 2 hằng tuần, toàn đơn vị phải lên đường hành quân từ 6 đến 12km tuỳ thời tiết, từ 19h đến 20h30. Chị em đều phải thu xếp việc gia đình, có chị kịp về nhà nấu cơm cho con ăn, có chị không kịp về nhà, ở lại đơn vị đi hành quân luôn. Ai không có ông bà thì gửi tạm con sang nhà hàng xóm. Khi đi hành quân, quân nhân nam mang ba lô, có đầy đủ tư trang cá nhân nặng 15kg, còn nữ thì ba lô phải đủ 10kg.
Nhìn những “bóng hồng” đặc công nước đời thường duyên dáng là thế nhưng khi vào huấn luyện, chị em không kém phần nhanh nhẹn, chính xác. Những thành tích bắn súng, bơi lội, lướt ván trong Hội thao toàn quân tổ chức lần nào cũng có sự góp mặt của những nữ đặc công Lữ đoàn 126.
“Thành lập năm 1966, đến năm 1969, Lữ đoàn 126 đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND) lần I. Sau đó 2 năm (năm 1971), đơn vị tiếp tục đón nhận danh hiệu cao quý này lần thứ II. Riêng đội đặc công 1 của Lữ đoàn đã 3 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, đây cũng là tập thể đầu tiên trong cả nước vinh dự đón nhận danh hiệu này. Ngoài ra, Đội đặc công I còn có 10 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 2 đồng chí là Anh hùng liệt sỹ”.
Thượng tá Trần Văn Nghĩa, Phó Chính uỷ Lữ đoàn đặc công 126
|