Những bóng hồng góp phần đưa cây trái Sơn La vươn xa

16:03 | 31/07/2019;
Không còn là thủ phủ của ngô, của sắn, Sơn La đang thay đổi từng ngày, với nhiều loại cây trái đặc sản chiếm ưu thế tại thị trường trong nước và quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình chuyển đổi đó, không thể thiếu công sức của những người phụ nữ góp phần đưa cây trái Sơn La vươn xa.
Với trên 360.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, cùng với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nhân lực dồi dào là điều kiện thuận lợi để Sơn La phát triển vùng cây ăn quả tập trung, chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Tận dụng những lợi thế đó, cùng với quy trình sản xuất bài bản đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Sơn La đã đạt chứng nhận VietGAP, GobalGAP của tỉnh Sơn La đã dành được chỗ đứng trên thị trường như: nhãn, na, bơ sáp, chuối tây, bí xanh, thanh long ruột đỏ, xoài, dưa leo, cà chua, sơn tra, ổi, mận, cà phê, chanh leo, chè Tà Xùa…
 
son-la-7.jpg
Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Sơn La đã dành được chỗ đứng trên thị trường 

 

Theo kế hoạch, năm nay, tỉnh Sơn La sẽ xuất khẩu sản phẩm trái cây tươi sang thị trường các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE... Tại thị trường trong nước, tỉnh Sơn La liên kết với các tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Bắc Giang, Lạng Sơn… tiêu thụ theo các kênh phân phối trong nước, như các chợ đầu mối, chợ truyền thống bán lẻ...
 
son-la-5.jpg
Sơn La nổi tiếng với những trái na "khủng" lên tới hơn 1kg/trái

 

Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn.
 
son-la-1-4.jpg
Nhãn Sông Mã đang vào vụ thu hoạch

 

Không còn là thủ phủ của ngô, của sắn, Sơn La đang thay đổi từng ngày, với nhiều loại cây trái đặc sản chiếm ưu thế tại thị trường trong nước và quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình chuyển đổi đó, không thể thiếu công sức của những người phụ nữ một sương hai nắng góp phần đưa cây trái Sơn La vươn xa.
 
 
Nâng niu từng trái thanh long ruột đỏ được các hội viên trong hợp tác xã sản xuất ra, chị Nguyễn Thị Dung, Phó giám đốc HTX Ngọc Hoàng ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La không giấu được niềm tự hào khi sản lượng, chất lượng của thanh long ruột đỏ ngày càng được nâng cao. Những trái cây chín đỏ, được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap đã trở thành cây chủ lực, mang đến nguồn lợi kinh tế cao cho hơn 50 hộ thành viên, một nửa trong đó là hội viên nữ.
 
son-la-1-2.jpg
Chị Nguyễn Thị Dung, Phó giám đốc HTX Ngọc Hoàng ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La 

 

Chị Nguyễn Thị Dung cho biết: Cây thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao gấp 9-10 lần các cây trồng truyền thống như ngô, mía… ở địa phương. Trước đây, cuộc sống của bà con khá khó khăn, nhưng từ khi trồng cây thanh long đỏ, thu nhập bình quân của các gia đình đã đạt từ 200 triệu đồng trở lên mỗi vụ. Ngoài trồng thanh long đỏ, bà con trong HTX còn kết hợp trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái khác như xoài, bưởi da xanh, nhãn, dứa, chanh, táo… và tìm được đầu ra ổn định trên thị trường.
 
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã nông sản an toàn Sơn La, chị Phạm Diệu Vân chia sẻ: Các thành viên trong HTX luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo tiêu chí “5 không”: không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không dùng các chất kích thích tăng trưởng, không dùng phân bón hóa học và không dùng các giống đột biến gen. Năm 2018, thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện, với mức lương từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
 
son-la-1-3.jpg
Chị Phạm Diệu Vân, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã nông sản an toàn Sơn La. 

 

Vừa chăm sóc những cây cà phê đang đơm quả, chị Nguyễn Thị Phiêu, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La vừa kể: gia đình chị trồng cà phê từ năm 1995, trên diện tích khoảng 3ha, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm, thu về được hơn 100 triệu đồng, kinh tế ổn định, đủ để trang trải cuộc sống và chăm lo cho gia đình.
 
son-la-1-1.jpg
Chị Nguyễn Thị Phiêu, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La

 

Với có 4 hecta đất canh tác, trước đây khi chưa vào HTX, gia đình chị Lý Thị Minh (bản Nà Khang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn) cũng như nhiều hộ gia đình ở đây đều phải tự xoay sở, tự lo đầu ra cho sản phẩm, vì thế luôn bị tư thương ép giá. Được mùa cũng lo vì được mùa lại không được giá. Nhưng hiện tại, gia đình chị Lý có thu nhập bình quân từ 300 – 400 triệu đồng/năm. Tất cả đều nhờ vào cây nhãn, cây xoài và mới đây là cây bưởi.
 
Đây chỉ là một vài gương mặt tiêu biểu cho những nữ nông dân Sơn La đang từng ngày miệt mài phủ xanh cho đất, để cây hoa kết trái tốt tươi, góp phần tự chủ kinh tế và làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Với hơn 200.000 hội viên, những năm qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Sơn La đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế tập thể, tham gia lao động sản xuất, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng gia đình hạnh phúc, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn