Những bóng hồng sáng giá cho Giải Nobel Hòa bình 2016

14:17 | 16/03/2016;
Các gương mặt nữ sáng giá được đánh giá cao có Thủ tướng Đức Angela Merkel, người dân đảo Hy Lạp cứu giúp người tị nạn, nữ diễn viên người Mỹ Susan Sarandon, cô Nadia Murad và Câu lạc bộ Xe đạp “Những công chúa nhỏ ở Kabul”...

Dẫu đến tháng 10 hằng năm Giải Nobel Hòa bình mới được xướng tên nhưng tháng 3 là thời gian "nóng nhất" để Ủy ban Nobel Na Uy chốt danh sách hồ sơ ứng cử viên cho giải thưởng danh giá Nobel Hòa bình. Danh sách ứng cử viên năm nay xác lập kỷ lục mới với 376 cá nhân, tập thể được đề cử, vượt qua danh sách 278 (năm 2014) và 273 (năm 2015). Trong cuộc đua này đã xuất hiện nhiều bóng hồng nổi bật dưới đây:
CLB xe đạp “Những công chúa nhỏ ở Kabul” trong một buổi tập luyện
Câu lạc bộ (CLB) xe đạp “Những công chúa nhỏ ở Kabul” đã được Quốc hội Italia đề cử nhận giải Nobel Hòa bình năm 2016 nhờ nỗ lực nhằm thay đổi quan niệm bất bình đẳng giới ở Afghanistan. CLB này thành lập từ năm 2003, chỉ 2 năm sau sự sụp đổ của chế độ Taliban ở Afghanistan năm 2001. Nhóm tập hợp được 8-10 em từ 17 đến 19 tuổi, trong đó hai chị em Massuma và Zahra là trụ cột của nhóm và luyện tập dưới sự hướng dẫn của một huấn luyện viên. Nếu như ở quốc gia khác, việc ra đời của một CLB thể thao là chuyện rất bình thường thì ở đất nước này lại là “điều không tưởng”:  Người dân không chấp nhận phụ nữ chơi môn thể thao đường phố vì đây là điều cấm kị. Bất chấp tất cả, “Những công chúa nhỏ ở Kabul” vẫn quyết định đạp xe vòng quanh thủ đô với mong muốn thay đổi nhận thức của người dân. Từ không chấp nhận đến thu hút được sự quan tâm của người đi đường là cả một quãng thời gian dài đối với CLB này Sau 10 năm thành lập, năm 2013, lần đầu tiên nhóm tham gia Giải đua xe đạp châu Á và hiện đang hướng tới Đại hội Olympic 2020.
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có khả năng thắng giải Nobel Hòa bình năm nay khi cả thế giới đều tán dương sự dũng cảm của bà vì đã mở cửa đất nước cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và khủng bố. Mở cửa biên giới tiếp nhận làn sóng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi đồng thời cố gắng tạo cho họ cuộc sống ổn định, bà Merkel được ví như “Đức Mẹ” trong lòng những người tị nạn. Bất chấp những chỉ trích công khai từ các nghị sĩ trong quốc hội và sự phản đối từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU), bà Merkel đã đưa ra chính sách rộng mở với dòng người di cư. Bà Merkel đã cho cả thế giới thấy hình ảnh một nước Đức gần gũi, thân thiện, bác ái.
Cô Nadia Murad
Còn cô Nadia Murad (21 tuổi), một phụ nữ người Yazidi bị IS bắt và bán làm nô lệ tình dục, đã được đề cử giải Nobel hòa bình vì đã dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi bạo lực của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trang tin Breitbart dẫn lời các nhà chức trách Iraq: “Nadia là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của nữ giới chống lại những thế lực đen tối muốn làm nhục phụ nữ. Nadia đã nói về cảnh ngộ của những phụ nữ Yazidi bị IS bắt cóc và cô ấy đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu thoát cho một số lượng kỷ lục gồm 3.400 phụ nữ và bé gái Yazidi trong tay IS".
Emilia Kamvysis, Stratis Valiamos và nữ diễn viên Mỹ Susan Sarandon
Ủy ban Nobel cũng đã nhận được thư đề cử hai công dân Hy Lạp là Emilia Kamvysis ( 85 tuổi) và Stratis Valiamos (40 tuổi) cùng nữ diễn viên Mỹ Susan Sarandon. Hai công dân Hy Lạp trở thành những người nổi tiếng ở đảo Lesbos vì dẫn đầu chiến dịch tình nguyện hỗ trợ người tị nạn. Nữ diễn viên đoạt giải Oscar đồng thời cũng là nhà hoạt động chính trị, xã hội vì sự nghiệp tự do hiện đại Mỹ Sarandon cũng đã đến thăm đảo Lesbos, tham gia các hoạt động hỗ trợ người tị nạn và quảng bá nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn