“Xóm bánh bao” tất bật
Câu chuyện của những người phụ nữ ở “Xóm bánh bao”, tên gọi khác của kiệt 112 Nguyễn Chí Thanh (phường Phú Hiệp, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), khiến nhiều người khâm phục. Tại đây, chúng tôi đã gặp bà Hồ Thị Quyên (63 tuổi). Miệng nói tay làm, bà Quyên luôn tất bật. Theo bà Quyên, lúc mới vào nghề cách đây 30 năm, bà lấy bánh bao ở chỗ khác để bán lại.
Sau đó 3 năm, thấy vừa làm bánh vừa bán sẽ có lời hơn, bà quyết định cùng chồng dọn dẹp lại căn bếp để làm bánh bao. Lúc đó, do đun nấu bằng củi nên phải ngồi canh lửa rất “khổ”. Năm vừa rồi, vì giá củi tăng cao nên bà đã chuyển sang dùng bếp gas. Mỗi ngày, bà Quyên làm được 200 cái bánh bao. Nếu bán hết sẽ lời được 200.000 đồng. Đẩy xe từ nhà, bà Quyên vừa đi vừa bán khắp các con đường ở thành phố Huế.
Làm và bán bánh bao mà gặp hôm nắng nóng thì coi như xác định ế, thế nhưng gặp mưa to gió lớn, bão lụt thì cũng phải ở nhà. Nếu làm lỡ bánh, không bán được thì phải đem đi cho hàng xóm láng giềng. Hiện tại, bà Quyên tuổi đã cao nhưng vẫn “gồng mình” làm việc. Nhiều lúc đẩy xe lên con dốc cao, bà phải nghỉ giữa chừng rồi mới đẩy lên nổi.
Khó khăn nhưng hạnh phúc
Quan điểm chung của nhiều hộ dân ở “Xóm bánh bao”, bước chân vào nghề làm và bán bánh bao là phải siêng năng, có sức chịu đựng tốt, chứ “nhác nhác” sẽ rất dễ bỏ nghề. Tuy nhiên, nhờ có nghề làm và bán bánh bao, bà Quyên và nhiều bà mẹ nơi đây như bà Chế Thị Hòa (58 tuổi), bà Nguyễn Thị Hoa (47 tuổi), bà Dương Thị Hòa (46 tuổi)... đã chắt chiu và nuôi con cái ăn học. Nếu con cái không thành tài, họ cũng để lại cho con cái một cái nghề. Chị Như, con gái của bà Chế Thị Hòa, hằng ngày cùng mẹ làm bánh bao và đã mua thêm 1 chiếc xe để đẩy đi bán hàng. Qua tìm hiểu, đa số những người con của họ khi đến tuổi lao động thường chọn những việc làm nhiều tiền hơn, ít vất vả hơn như phụ xe, làm thợ mã, bán hàng ở các chợ... Nhờ đó, đời sống gia đình của các hộ ở kiệt 112 Nguyễn Chí Thanh cũng ngày một khá hơn.
Ở đường Đặng Huy Trứ (TP Huế), nhiều người đã quen với cái dáng tất bật của bà Trương Thị Ngọc Hồng (60 tuổi) với nghề bán sách cũ. Vào lúc sáng sớm hàng ngày, từ nhà ở phường An Đông, bà “chạy ngược chạy xuôi” khắp thành phố Huế để tìm nguồn sách cũ ở các chủ cơ sở thu mua ve chai. Trưa chiều, bà chở sách cũ đến đường Đặng Huy Trứ bán để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Nghề bán sách cũ ở vỉa hè vốn không phải là nghề nhàn hạ. Ngày nào mưa gió phải nghỉ. Đang bán gặp mưa phải cuống cuồng che tạm. Nếu mưa kéo dài phải ngậm ngùi thu dọn để về. Hè đến, khi sinh viên ngoại tỉnh về quê thì sách bán được cũng ít hơn rất nhiều. “Cả gia đình mệ có 4 người đều mưu sinh bằng việc bán sách cũ. Trước đây, gia đình mệ bán dưới đường Nguyễn Trường Tộ nên thuận lợi hơn cho học sinh, sinh viên và khách đến mua, chứ giờ khách bắt đầu thưa dần vì trái đường”, bà Hồng tâm sự.
2 cô con gái của bà Hồng nay cũng tiếp nối nghề của mẹ: bán sách cũ để mưu sinh. Mặc dù thu nhập không cao nhưng ổn định, đủ nuôi sống bản thân.
Bà Hồng nhẩm tính, từ năm 1998, tức cách đây 20 năm, bà đã bán sách cũ. Biết bao thế hệ học sinh, sinh viên ở Huế đã nhờ những cuốn sách giáo khoa, những cuốn giáo trình, những cuốn sách tham khảo mua ở vỉa hè của bà Hồng với giá rẻ mà “công thành danh toại”. Nhờ thế, bà Hồng cũng được “vui lây”.
Những người phụ nữ tôi có dịp gặp đều lam lũ, tảo tần mưu sinh, chỉ mong có một cuộc sống đầm ấm bên gia đình và nuôi con cái nên người, có một tương lai tươi sáng. Dù nghèo nhưng không khí đầm ấm của gia đình họ luôn là một đóa hoa hồng tươi thắm.