“Đầu trần chân đất” đội cá lên bờ
Khoảng chưa đến 3 giờ sáng, chúng tôi theo chân những “nữ phu” cá ra cảng Cửa Sót để cùng hòa mình vào cuộc sống mưu sinh của những người phụ nữ chuyên làm "nghề vận chuyển" cá, hải sản… thuê từ dưới tàu lên bờ.
Những ngày này, trời đã lạnh lại càng lạnh hơn khi đứng ở cửa biển, những cơn gió mang sự mặn mòi của biển cả cứ rít liên hồi khiến cái lạnh càng thêm thấu xương thịt. Tại đây, khi chưa có tàu cập bến, nhiều tốp chị em phụ nữ cứ ngồi co ro, chụm đầu vào nhau đợi tàu, có lẽ đó là cách mà họ vẫn thường làm để chắn bớt những làn gió lạnh của những ngày đông.
Có một điều kỳ lạ là mà chúng tôi thấy ở đây là những “người vận chuyển” chủ yếu là chị em phụ nữ, trong đó có những phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, trong thân hình gầy gò, đôi vai bé nhỏ… chứ không phải là những người đàn ông to khỏe.
Khi trời vừa tờ mờ sáng, những con tàu từ biển khơi lù lù cập cảng Cửa Sót, đầy ắp những khoang cá, tôm... Trong những bộ quần áo lao động cũ kỹ đã sờn màu, ướt sũng vì nước biển với đôi mắt đỏ hoe có lẽ vì thiếu ngủ, nhưng đó là nghề - cái nghề đã nuôi sống gia đình họ bao đời nay, nên dẫu biết rằng nó nặng nhọc, vất vả thì những “thân cò” ấy vẫn miệt mài với công việc của mình.
Hơn 40 năm làm “phu cá”, bà Trần Thị An (60 tuổi, thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) không thể tính được mình đã đội lên đầu bao nhiêu tấn cá, tôm và điều vô cùng lạ, đó là những bóng hồng chuyên làm nghề “phu cá” ở đây thuộc lòng tính cách từng chủ tàu hơn những người thân trong gia đình họ.
Bà An tâm sự: “Công việc này rất vất vả, thu nhập cũng bấp bênh, bởi đôi khi các chủ tàu không trả công bằng tiền mà trả công bằng cá. Mỗi thuyền, tuỳ sản lượng đánh bắt được mà trả công cho chúng tôi ít hay nhiều. Số cá được trả đó, chúng tôi mới bắt đầu bán lại cho các tiểu thương hoặc người dân ngay trên bến cảng. Có khi ít thì được dăm bảy chục ngàn, khi nhiều thì cũng được một vài trăm ngàn, ngày may mắn thì cũng được nhiều hơn một chút… nói chung cũng có đồng ra đồng vào để lo cho gia đình”.
Quần áo ướt sũng còn tanh nồng mùi cá, vừa đưa tay sửa lại cái mũ đang che ngang mặt, bà Nguyễn Thị Lý (50 tuổi), tâm sự: “Ngày trước chồng tôi cũng là dân vạn đò, là lao động chính nhưng không may ông mất khi đi biển. Để kiếm tiền nuôi con ăn học, tôi buộc phải chọn nghề đội cá thuê này để mưu sinh. Công việc tuy nặng nhọc, vất vả thật nhưng làm miết, có ngày phải đội cả tấn cá trên đầu đi lên đi xuống hàng chục bậc tam cấp, bây giờ đầu cũng chai sạn không còn cảm giác đau nữa rồi”.
Được vất vả là... còn may, vì có thu nhập
Dù là nghề cực nhọc và thu nhập có phần bèo bọt, nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm. Công việc chính của những “nữ phu” này còn phụ thuộc vào những con tàu vươn khơi. Có những chuyến tàu thất thu khiến đội khuân vác này còn buồn hơn cả chủ tàu cá. Bởi nếu không có cá để vận chuyển, đồng nghĩa với việc họ cũng không có thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Phương (76 tuổi) – người tự nhận mình là người có “thâm niên” gắn bó với nghề này lâu năm nhất ở cảng cá Cửa Sót, tâm sự: “Mình ít học thì phải ráng dùng sức mà làm chứ cũng có sung sướng gì đâu. Ngày thuyền về nhiều, một mình tôi phải bao trọn cả 5 - 6 thuyền. Dù mệt nhưng vẫn gắng làm vì không làm thì chủ thuyền lại thuê người khác, coi như mất nguồn thu. Ấy vậy mới nói, làm cái nghề này được vất vả là còn… may và còn có thu nhập”.
Ở cảng cá Thạch Kim hiện có hơn 20 phụ nữ làm nghề “phu cá”, chủ yếu ở độ tuổi U50, U60, thông thường mỗi người sẽ đội cá thuê cho khoảng 2 tàu nhưng cũng có ngày phải “ôm” việc cho 3 - 4 tàu khi số lượng tàu cập cảng nhiều.
Dù thu nhập có phần bấp bênh so với những nghề khác, nhưng những người phụ nữ với nhiều độ tuổi, đến từ nhiều thôn, xã khác nhau ngày ngày vẫn gặp nhau trên bến cảng, đồng cảm, chia sẻ với nhau, động viên nhau cùng cố gắng để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có lẽ, với những người phụ nữ mưu sinh bằng cái nghiệp "phu cá" này thì dường như khái niệm ngày và đêm không tồn tại, giấc ngủ no cũng là một điều để mà mơ.
Chúng tôi rời cảng cá Cửa Sót khi mặt trời đã ló rạng trong cái lạnh cuối đông như vẫn còn cắt da, cắt thịt. Thế nhưng, những người phụ nữ ấy vẫn đang cần mẫn với công việc quen thuộc của mình để kiếm kế sinh nhai khi đã ở cái tuổi xế chiều.
Hơn thế nữa, nghề này dường như bất kể mùa mưa hay mùa nắng, họ vẫn phải ra đây từ sớm, ngược xuôi để kiếm kế sinh nhai. Có người bám víu ở đây cả đời, cho đến lúc không còn đủ sức để theo, nó như một nghề “cha truyền con nối”, sau khi họ “nghỉ hưu”, con cái họ lại tiếp bước theo nghề.