Công an tỉnh Trà Vinh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam T. 43 tuổi, ngụ phường 4, thành phố Trà Vinh để điều tra hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Đó là vào khoảng 9h30 ngày 19/5/2020, T. đến nhà em L. 13 tuổi chơi. Do cha mẹ L. không có nhà và L. đang chơi cùng một người bạn tên H., T. bảo L, đi xuống nhà sau với ý định thực hiện hành vi hiếp dâm, thì bị H. phát hiện, nên T. bỏ đi.
Một lát sau, T. quay lại mang theo 2 bịch chè cho T. và H., dặn không được kể sự việc vừa xảy ra cho người khác biết. Sau đó người thân của L. phát hiện và trình báo công an.
Tại cơ quan công an, T. khai nhận trước đó đã nhiều lần thực hiện hiếp dâm em L. ngay tại nhà của bị hại và ở nơi nuôi gà của đối tượng. Sau mỗi lần thực hiện hành vi, T. doạ L. không được kể lại sự việc với bất kỳ ai, nếu không T. sẽ thông báo cho bạn bè và nhà trường nơi em L. đang học biết.
Một trường hợp khác, đó là một cựu nhân viên Trung tâm hỗ trợ xã hội TP HCM đã dâm ô nhiều bé gái. Theo lời khai của các em, ông này đã sờ và bóp bộ phận riêng tư của các em. Sau đó yêu cầu các em cởi bỏ quần áo, sờ vào bộ phận sinh dục của ông. Sự việc chỉ bị phát hiện khi các em có biểu hiện tâm lý bất ổn, được hỗ trợ tâm lý nên đã kể ra sự việc.
Hay tại huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh, công an huyện tại đây đã tạm giữ hình sự ông N. 38 tuổi, giáo viên dạy môn sinh học của trường THCS Phước Minh để làm rõ hành vi "dâm ô với người dưới 16 tuổi". Ông này đã gọi một nam sinh lên phòng thí nghiệm rồi nhờ "chỉnh lại khoá quần", thậm chí sau đó ông N. còn quan hệ tình dục với học sinh này. Sau đó, ông N. còn tiếp tục lần lượt gọi 3 nam học sinh khác nhờ "chỉnh lại khoá quần" và cho coi phim khiêu dâm.
Đây là những tình huống được các đại biểu đưa ra thảo luận tại hội thảo "Đánh giá việc quản lý thực hiện nhận tài trợ và chia sẻ kinh nghiệm, trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ, tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội" do Liên minh Châu Âu phối hợp với Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện, vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Từ các tình huống và sự việc được đưa ra tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng: Trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE), có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em, ở bất kỳ thời điểm nào. Mọi trẻ em, không phân biệt giới tính, độ tuổi đều có thể bị XHTD. Đặc biệt, trẻ khuyết tật có nguy cơ bị XHTD cao gấp 4 lần so với trẻ bình thường (theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới). Tuy nhiên, trẻ dưới 13 tuổi là nhóm có nguy cơ bị XHTD cao, gần 45%.
Theo báo cáo số 51 của Chính phủ ngày 18/2/2020 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, trong các vụ XHTDTE, thủ phạm là người quen, hàng xóm chiếm đến 59,4%. Người thân trong gia đình chiếm 21,3%; trong đó, bố đẻ là 5,73%, bố dượng là 5,07%, người thân khác là 10,5%; giáo viên nhà trường là 6,15%...
Thủ phạm XHTDTE thường có một số dấu hiệu chung như: Tỏ ra yêu quý, bế ẵm, thân mật với trẻ một cách khác thường. Tạo mọi lý do để ở một mình với trẻ em. Dụ dỗ, rủ rê hoặc làm thân với trẻ bằng cách tặng quà riêng. Bất ngờ vào phòng trẻ, ngắm trẻ ngủ mà không có lý do chính đáng nào. Hay vào mạng xem những trang tình dục đen, tình dục trẻ em, tình dục đồng giới, xem tranh khoả thân, phim tình dục… Thậm chí, đó là kẻ đã từng thực hiện các hành vi XHTDTE.
Theo các đại biểu đưa ra và thống nhất tại Hội thảo, cha mẹ hãy chủ động nói với trẻ những vấn đề liên quan đến bộ phận sinh dục hay tình dục. Dạy trẻ về bộ phận riêng tư gồm miệng, ngực, bộ phận sinh dục, đùi, mông, hậu môn. Cha mẹ cũng nên dạy con thay quần áo ở nơi kín đáo, không để người khác nhìn thấy các bộ phận riêng tư trên cơ thể mình. Không ép trẻ bày tỏ tình cảm như ôm, hôn, ngồi vào lòng ai đó, không ép trẻ ở nhà một mình hoặc sang nhà ai đó mà trẻ không muốn.
Cha mẹ cũng nên cùng trẻ xác định địa điểm có nguy cơ như: Những nơi ít người qua lại, đường trong ngõ hẻm, trong thang máy. Dặn trẻ tuyệt đối không đi một mình ở những nơi đó nếu không có người lớn đi cùng.
Đặc biệt, cho dù cuộc sống bận rộn thế nào, cha mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm tới con, thường xuyên lắng nghe, trò chuyện để nhận biết những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Từ đó có biện pháp giúp trẻ một cách kịp thời.
Cha mẹ nên dạy trẻ quy tắc 3 bước an toàn:
1. Nói KHÔNG: Khi con cảm thấy không thoải mái với ai, hay với hành vi nào thì con hãy nói thật to "KHÔNG".
2. BỎ ĐI HOẶC BỎ CHẠY: Sau khi nói "KHÔNG", con lập tức bỏ đi ngay hoặc chạy thật nhanh ra khỏi nơi làm con thấy lo lắng, sợ hãi. Nếu gần nhà thì chạy về nhà, chạy đến nơi có người mà con tin tưởng. Nếu ở trường học hoặc nơi công cộng, con hãy chạy về nơi có đông người. Có thể vừa chạy vừa kêu cứu để thu hút sự chú ý. Không chạy về chỗ vắng người.
3. KỂ LẠI: Nếu con cảm thấy sợ hãi, không thoải mái hay khó chịu về một tình huống nào đó, con hãy kể lại với bố mẹ hoặc người lớn mà con tin tưởng cho tới khi được giúp đỡ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn