Những cái giá mà người chuyển giới phải trả thường rất đắt

16:19 | 03/10/2018;
Gặp rắc rối liên quan đến giấy tờ tùy thân, bị gia đình, cộng đồng xa lánh, phản đối; việc sử dụng hormone đầy đau đớn, rủi ro; việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính tốn kém và nguy hiểm; khó khăn trong tìm việc làm, tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc … nhưng người chuyển giới vẫn đang nỗ lực trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc để được là chính mình.

“Hiểm họa sau những cuộc phẫu thuật chuyển giới thì ít ai lường trước được”

Đó là chia sẻ của bạn Vũ Hoàng Mai Châu, một người chuyển giới nữ ở Hà Nội. Mai Châu cho biết: “Trước đó, gia đình tôi rất bất ngờ khi tôi nhận mình là người chuyển giới. Mọi người khá buồn khi biết tôi không thế lấy vợ sinh con. Nhưng đây thực sự là điều không ai mong muốn. Khi chuyển giới là phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, từ việc sinh hoạt, thay vì chỉ mua quần áo con trai, thì phải dành thêm tiền mua cho mình quần áo con gái, đồ trang điểm, giày dép… để được làm chính mình. Công việc cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Đôi khi đi xin việc họ không thích người chuyển giới nên phải tìm công việc khác để phù hợp với bản thân hơn... Khi đi máy bay, khám bệnh… mỗi khi phải trình giấy tờ tùy thân, thấy hình ảnh và giới tính trong chứng minh thư không khớp với vẻ bề ngoài cũng gặp khó khăn không ít…

Khi nói về hành trình chuyển giới với mong muốn được phẫu thuật, Mai Châu chia sẻ: “Thái Lan vốn được coi là thiên đường của người chuyển giới, khi các dịch vụ phẫu thuật chuyển giới khá công khai và được nhiều người có mong muốn chuyển giới tìm đến. Thế nhưng, hiểm họa sau những cuộc phẫu thuật chuyển giới thì ít ai lường trước được. Không ít người ngất xỉu trên đường về khách sạn sau khi phẫu thuật. Đó là còn chưa kể rất nhiều biến chứng có thể xảy đến...”.

Theo Mai Châu, giá phải trả cho một cuộc phẫu thuật chuyển giới nam sang nữ ở Thái Lan từ 150 triệu đến 400 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí ăn ở, đi lại, thuốc men). Tuy nhiên, phần lớn người chuyển giới Việt sang đó lựa chọn dịch vụ với chi phí tối thiểu nhất, ước khoảng 150 triệu đồng. Với dịch vụ này, người chuyển giới chấp nhận các ca phẫu thuật như làm ngực hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục trong điều kiện thô sơ và người bệnh buộc phải tự mình di chuyển từ phòng khám về nơi ăn nghỉ sau khi thực hiện phẫu thuật chỉ vài giờ. “Mới đây, một người bạn chuyển giới vừa trở về sau cuộc phẫu thuật bộ phận sinh dục ở Thái Lan tâm sự rằng, nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai khi nhớ đến việc bị trói chân, tay trước khi phẫu thuật và nỗi đau đớn khủng khiếp nhất là chịu nhát dao phẫu thuật đầu tiên khi thuốc mê còn chưa kịp ngấm. Hay cách chừng 1 tháng, một bạn trong nhóm chuyển giới đã tử vong vì sốc khi tiêm hormone giới tính...

Chị Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý chương trình hỗ trợ người chuyển giới (SCDI) cho biết: "Không thể nói là một triệu, chục triệu, năm trăm triệu hay một tỷ vì cái giá mà các bạn chuyển giới đang phải trả cho việc chuyển giới là vô giá, bởi các bạn đang đánh cược tính mạng của mình khi phải sử dụng thuốc chợ đen và các dịch vụ chui, kém chất lượng. Nếu luật được ban hành không chỉ tháo gỡ các rào cản về mặt giấy tờ tùy thân mà còn tạo ra một hệ thống dịch vụ y tế cho người chuyển giới đáp ứng các quy định về chuyên môn và quản lý với chi phí hợp lý, từ đó sẽ không có người chuyển giới nào phải "đánh cược mạng sống" của mình nữa."

Với anh Chu Thanh Hà là người chuyển giới nam cũng cho biết trong xã hội vẫn còn tồn tại nhiều hiểu lầm về người chuyển giới như: người chuyển giới lựa chọn việc chuyển giới để trốn tránh pháp luật hoặc đua đòi theo trào lưu mới; người chuyển giới là mắc các bệnh liên quan đến tâm thần; việc cho phép người chuyển giới sử dụng nhà vệ sinh theo mong muốn của họ sẽ cổ súy cho việc gia tăng tỷ lệ các vụ quấy rối tình dục/tấn công tình dục nơi công cộng…”.

42654699_1189496294532266_9119942464088571904_n.jpg
Chu Thanh Hà chia sẻ về hành trình chuyển giới...

Chia sẻ về những gian nan trong “hành trình 21 ngày” của mình. Theo Hà, “hành trình 21 ngày” chính là chu kỳ 21 ngày 1 lần tiêm hormone nam. Ấp ủ giấc mơ “trở thành người đàn ông trong hình hài người phụ nữ”, anh Hà bắt đầu sử dụng hormone nam từ đầu năm 2016, đều chằn chặn “đến cữ” anh Hà tự mình tiêm hormone. Dù tự tiêm suốt hơn 2 năm, nhưng anh Hà cho hay, “cứ mỗi lần tự tiêm cho mình là 1 lần run tay. “Tiêm vùng nào là an toàn, tiêm sao không vào mạch máu, không apxe hay không sốc. Tất cả những điều đó đều do những người chuyển giới chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Vì thực tế, không có y bác sĩ nào nhận tiêm cho chúng tôi. Thậm chí, đến thuốc hormone cũng do chúng tôi tự lần mò mua, dù không rõ nguồn gốc”, anh Hà giãi bày.

Tuy nhiên, sau tất cả những khó khăn đó, “Tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được là chính mình và chia sẻ được cho bố mẹ mình hiểu rằng chúng tôi là những người bình thường, cũng có đam mê và mong muốn, khao khát được sống hạnh phúc giống như bao người khác", Mai Châu chia sẻ.

1.jpg
"Dù cái giá phải trả quá đắt nhưng những người chuyển giới vẫn khao khát được là “chính mình”, Mai Châu cho hay.

Hiện tại, Bộ Y tế đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và dự kiến sẽ  trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019 hoặc 2020. Dự thảo của Luật gồm 5 chương, 25 điều, đưa ra các điều kiện để được công nhận đã chuyển đổi giới tính, nếu được thông qua, luật này sẽ tạo được hành lang pháp lý quan trọng để những người chuyển giới ở nước ta được bảo vệ về quyền, được xã hội công nhận...

Theo dự thảo, người chuyển giới được công nhận là chuyển đổi giới sau khi kiểm tra tâm lý, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng 2 năm trở lên). Một phương án khác là họ cần được kiểm tra tâm lý, sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng 1 năm) hoặc đã phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục). Phương án còn lại chỉ cần được kiểm tra tâm lý, không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hay phẫu thuật).

Dự án luật cũng quy định điều kiện để người chuyển giới được can thiệp y học là trên 18 tuổi, độc thân, có đủ sức khỏe và không chống chỉ định điều trị nội tiết tố sinh dục…

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn