3 mùa xuân nơi đất khách
Năm 1985, bà Trần Kim Anh, khi ấy đang là cán bộ nghiên cứu Viện Vật lý, dứt áo sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh, khi con trai chưa đầy 3 tuổi. Đón ba mùa xuân ở đất khách quê người, giữa tuyết trắng và giá lạnh, nỗi nhớ trong bà cồn cào gan ruột là nồi bánh chưng reo cùng tiếng cười giòn tan của hai con bé nhỏ…
Tôi gặp PGS.TS Trần Kim Anh vào một ngày đông khá ấm giữa Thủ đô, trong căn nhà khép mình gần Hồ Tây. Bà quàng một chiếc khăn lụa màu hồng rất đẹp, khoe với tôi là “học sinh cũ vừa tặng mình dịp 20/11 rồi”. Ở tuổi U70, nữ tri thức vẫn có nét đẹp đầy nội lực, vẫn đọc sách, gõ bàn phím và lướt web trong mớ công việc nghiên cứu bề bộn. Sợ tôi lạnh, bà pha một tách trà cam thảo ấm sực và thơm nồng, rồi mới bắt đầu câu chuyện của mình. Thực ra, phải khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được bà kể chuyện ăn Tết, và chuyện một người con gái gốc Hà thành đã nỗ lực để trở thành PGS, nghiên cứu viên cao cấp ngành Vật lý trong thời điểm đất nước đầy khó khăn. “Cuộc đời mình không có gì nhiều để nói, thay vào đó, nếu nói về Vật lý, mình sẵn sàng dành cả ngày để tiếp chuyện” – nữ PGS dí dỏm.
Tết – trong ký ức của nữ trí thức gốc Hà Nội, là những năm tháng đầy kỉ niệm ở căn nhà nhỏ trên phố Mã Mây. Đó là những ngày mà cô gái bé nhỏ thức đến khuya chỉ để canh từng giọt nước sạch, hì hụi xách từng thùng nước, xuyên bậc cầu thang bé nhỏ để trữ cho bố mẹ có nước sạch ăn Tết. “Vất vả nhưng vui lắm, kể cả lúc đã lấy chồng và về ở nhà chồng rồi, Tết nào tôi cũng tranh thủ vòng về giúp mẹ tôi xách nước, rửa lá dong để gói bánh chưng” – bà hoài niệm.
Có lẽ, nhiều cái Tết sẽ trôi qua thật bình lặng giữa con phố Cổ năm xưa, nếu không có quãng thời gian PGS Kim Anh rời Hà Nội, sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh. Đó là năm 1985, khi con trai chưa đầy 3 tuổi. “Nhớ mãi lúc lên đường, con cứ níu lấy vạt áo của tôi và khóc ngằn ngặt khi mẹ quay đi, không sao mà quên được! Sẽ thế nào đây khi phải xa chồng, xa con đến 3 năm trời, giữa đất khách quê người?” – bà day dứt nhớ lại. Học ngành Vật lý những tưởng đầy khô cứng, vậy mà khi nghe bà đọc bài thơ do chính mình viết vào mùa xuân năm 1987 giữa Ba Lan đầy tuyết trắng, tôi vỡ òa xúc động. Với giọng run run, nghẹn ngào, bà đọc từng câu, từng chữ, như nói với chính mình…
“Đó là mùa xuân năm 1987, cũng là cái Tết buồn bởi mẹ tôi bất ngờ bị tai biến khi đang đi rửa lá gói bánh chưng. Cả nhà lúc ấy giấu không cho tôi biết chuyện vì sợ tôi lo lắng. Cũng thời điểm ấy, ở Ba Lan, tôi lên cơn đau tim, tim quặn lên từng cơn đau nhói, như một điềm không lành, như thần giao cách cảm. Tháng 5 năm ấy, tôi kiên quyết xin mua vé máy bay về thăm nhà và lấy tài liệu ở Việt Nam vì nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con gần như đã đỉnh điểm” – PGS Trần Kim Anh nhớ lại.
Tình yêu đong đầy trong ngôi nhà luôn gập tiếng cười
Để trở thành nữ PGS. TS. Nghiên cứu viên cao cấp có nhiều thành quả và đóng góp cho ngành Vật lý ngày hôm nay, bà Trần Kim Anh đã trải qua một chặng đường đầy thăng trầm mà nếu không yêu chính con đường mình chọn, có lẽ bà đã bỏ cuộc. Được tuyển vào khoa Vật lý, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ngay sau đó bà phải sống trong cảnh sơ tán giữa núi rừng ở Đại Từ (Thái Nguyên). Sống gần rừng, vừa học vừa đi lao động, lấy gỗ,vác nứa về dựng lán, trời rét căm căm không đủ quần áo ấm để mặc, cực chẳng đã bà phải mượn quần áo của anh trai học khoa Vật Lý trên bà 3 khóa để mặc cho qua mùa rét.
Rồi cũng nhờ Vật lý mà bà gặp được người đàn ông của đời mình. GS Lê Quốc Minh học trước bà Kim Anh hai khóa và đã làm ở Viện Vật lý khi bà vừa được nhận vào. “Anh Minh cũng là người Hà Nội, trai Hà Nội thời ấy hiếm lắm, 300 người may ra mới có được khoảng 10 người là gốc Thủ đô, còn lại ở khắp đất nước tụ về. Ai cũng bảo chúng tôi gặp duyên!” – PGS Kim Anh dí dỏm kể lại.
GS Lê Quốc Minh cũng là một nhà khoa học tài năng, có nhiều cống hiến cho ngành, đồng hành cùng vợ mình trên nhiều chiến tuyến của mặt trận trí thức. Ấy vậy mà nhắc đến chồng, bà Kim Anh chỉ nói về những ngày chồng mình ở nhà chăm con trai nhỏ khi vợ đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan. “Anh không nề hà việc gì, giã bột, gánh nước, một mình chăm cả hai con tròn vai lắm! Căn nhà lá vách đất 9m2, cứ mưa là dột khắp nhà, chúng tôi hì hụi lấy hết xô chậu để hứng nước mưa, dùng báo, nilon để vá víu khắp vách. Thế mà trong ngôi nhà lúc nào cũng đầy tiếng cười!”.
Nụ cười lại nở trên môi người phụ nữ đáng kính ấy. Bà bộc bạch, không phải lúc nào cuộc sống cũng dễ dàng đối với gia đình mình. Rất nhiều thăng trầm, biến cố... trôi qua. Thế nhưng, với Vật lý, và với gia đình nhỏ, luôn là một tình yêu vẹn nguyện, tuyệt đối. Nhìn nụ cười của PGS Trần Kim Anh, tôi nghĩ niềm đam mê với Vật lý và tình yêu lớn lao dành cho gia đình mình, là hai yếu tố đầy nội lực, để bà có thể tiếp tục cống hiến, và yêu thương cho những năm tháng tới.
Ngoài kia, Tết đang đến rất gần…
PGS.TS Trần Kim Anh là một trong 5 nhà khoa học nữ - đều là phó giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với cụm công trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng khoa học và công nghệ nano, nhóm đã đạt được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Kovalevskaia năm 2016 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng vào dịp 8 tháng 3/2017. |
"Warszawa suốt đem ngày tuyết rơi lạnh lẽo
Lặng nhớ quê mình Hà Nội đã vào xuân
Mẹ ước cắm cành đào Nhật Tân thắm đỏ
Ngắm trái quất chín vàng
Vui nghe tràng pháo nổ
Nồi bánh chưng reo hòa tiếng các con cười
Mẹ hát câu ca thân thương quá nụ cười người Hà Nội
Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi Hà Nội ơi…”
Ngày lên đường con nhỏ níu bước chân
Bàn tay mẹ nắm tay con rất chặt
Gắng lên con dù khó khăn xa cách
Mùa đông nhớ thương, hẹn mùa xuân đoàn tụ
Mẹ bế con, con của mẹ hôn bà
Hình ảnh đẹp ấm mãi trong lòng mẹ
Nỗi nhớ thương ngày đêm lặng lẽ
Nước mắt mẹ rơi cùng bánh tàu lăn…”
(Trích đoạn bài thơ Mẹ yêu con, yêu mùa xuân đất nước của PGS Trần Kim Anh)