Những cảnh phim làm nên tên tuổi của cố nghệ sỹ Ánh Hoa

14:35 | 02/11/2020;
Nghệ sỹ Ánh Hoa qua đời để lại nhiều thương nhớ cho người hâm mộ và giới nghệ sỹ. Từng cảnh phim, vai diễn đã diễn tả đúng bản chất hiền lành, giàu đức hy sinh của người nghệ sỹ đáng mến.

Ngày 1/11, nghệ sỹ Ánh Hoa qua đời sau 1 tháng bị tai biến, hưởng thọ 79 tuổi. Sự ra đi của bà để lại nhiều thương tiếc bởi sinh thời bà đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật, chủ yếu qua những vai diễn người mẹ, người vợ hay người nông dân nghèo có nhiều suy tư, trăn trở trong cuộc sống.

Tên tuổi của bà còn mãi trong lòng nhiều lớp khán giả truyền hình qua các phim như "Đồng tiền xương máu," "Đất phương Nam" hay bộ phim đình đám "Mùa len trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

Nói về nghệ sỹ Ánh Hoa, đạo diễn Nghiêm Minh chia sẻ rằng ông nhớ tới nét mặt từ tốn, cung cách giản dị và dáng dấp nhỏ bé của bà. Đây cũng là điều khiến ông cảm mến và mời bà vào tham gia phim.

Bên cạnh đó, với những diễn xuất chân thật và mộc mạc nhất, sự chịu khó, không quản điều kiện quay phim sông nước đặc thù, không ngại ngần dầm mưa dãi nắng, nghệ sỹ Ánh Hoa đã dạy cho thế hệ sau một bài học về việc đạt đến chiều sâu của những cảm xúc của nhân vật.

Những cảnh phim làm nên tên tuổi của cố nghệ sỹ Ánh Hoa - Ảnh 1.

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh (trái) thay ảnh nghệ sỹ Ánh Hoa trên Facebook cá nhân. (Ảnh: NVCC)

Trên trang cá nhân của mình, đạo diễn Nghiêm Minh đã thay hình đại diện theo hình của nghệ sỹ Ánh Hoa và cảnh chụp ngôi nhà của ông bà Hai Tích, nhân vật của bà như để thay lời tri ân. Các diễn viên Kiều Trinh, Trương Ngọc Ánh, Nguyễn Hùng Thuận, Quyền Linh... cũng bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của một người nghệ sỹ tận tụy với nghề.

Bà Hai do nghệ sỹ Ánh Hoa thủ vai trong “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh là một vai phụ, chỉ xuất hiện trong một đoạn ở giữa phim khi Kìm (nhân vật chính, Nguyễn Thế Lữ thủ vai) tìm cái mai táng bố (ông Định). Hai vợ chồng bà Hải không hề quen biết Kìm trước đó nhưng cùng số phận người dân vùng nước lên, họ không hề do dự khi giúp Kìm phun rượu và bó xác ông Định để neo dưới nước. Bà còn dùng chiếc cối đáng giá cả gia tài của nhà mình Hai để giữ cho cái xác không bị cuốn đi.

Thế nhưng, dù là vai phụ những nghệ sỹ Ánh Hoa đã để lại trong lòng độc giả những ấn tượng khó phai về một người phụ nữ thôn quê giản dị, chất phác.

Những cảnh phim làm nên tên tuổi của cố nghệ sỹ Ánh Hoa - Ảnh 2.

Từ trái sang: Diễn viên Trương Ngọc Ánh, bà Ánh Hoa và diễn viên Chi Bảo trong phim 'Đồng tiền xương máu.' (Ảnh chụp màn hình)

Ở “Đồng tiền xương máu” (1999) nghệ sỹ Ánh Hoa vào vai bà Khải. Trong bối cảnh những năm thay đổi cơ chế thị trường, ông Khải và Toàn, người con trai cả (Chi Bảo vào vai) cả nhiều gặp xung đột về tư tưởng và sự nghiệp, cả cô con gái Lan Anh (Trương Ngọc Ánh) cũng từ bỏ gia đình, chạy theo tình yêu cùng chàng kỹ sư nghèo.

Dù chỉ diễn vai phụ nhưng nghệ sỹ Ánh Hoa đã thể hiện tốt vai trò của một người mẹ, người vợ khi luôn canh cánh lo âu cho chồng và ba người con. Khi mọi chuyện bị đẩy lên cao trào, bà Khải luôn là người đứng giữa, cố gắng dung hòa để giữ hạnh phúc cho gia đình.

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, Trương Ngọc Ánh bày tỏ nỗi tiếc thương trước sự ra đi của người "má" trong "Đồng tiền xương máu," người bà trong "Giã từ dĩ vãng."

“Cô là nghệ sỹ gạo cội với nhiều vai diễn ấn tượng, luôn hết lòng với nghệ thuật. Ngọc Ánh luôn ấn tượng với nụ cười hiền hậu, ánh mắt đượm buồn của cô và mong cô an nghỉ bình yên nơi chín suối,” chị viết.

Những cảnh phim làm nên tên tuổi của cố nghệ sỹ Ánh Hoa - Ảnh 3.

Dáng vẻ thất thần của bà Hai sau khi con cái bà đụng độ với những tên lính người Pháp trong 'Đất phương Nam.' (Ảnh chụp màn hình)

Trong sê-ri “Đất phương Nam,” nghệ sỹ Ánh Hoa vào vai bà Tám Luông, một người mẹ Nam Bộ hiền lành, người nông dân thấp cổ bé họng trong thời kỳ Pháp thuộc. Trong tập 2, bà chấp nhận chia tay chồng để dẫn người con nuôi là An (nhân vật chính) và con gái Út Trong đi trốn khỏi sự hãm hại của gia đình hội đồng. Ở tập 9, bà lại đau khổ chứng kiến gia đình tan tác khi những người con của bà quyết chiến để bảo vệ đất, có người phải bỏ mạng, Út Trong bị bắt đi.

Dù chịu sự bất công, chứng kiến sự mất mát, nhưng bà dường như không khóc bao giờ, chỉ bằng ánh mắt khắc khổ, khán giả đã không khỏi xót xa với số phận của bà và những người dân chịu nhiều áp bức thời đó.

Ở những vai diễn cuối của sự nghiệp, bà vẫn tiếp tục khắc họa tốt hình ảnh người mẹ thôn quê nghèo khó trong hai phim ngắn tên "Bất hiếu""Ngược đãi mẹ chồng" của nhà sản xuất Yeah1TV. Tuy mô-típ phim không có gì mới mẻ nhưng thông điệp và bài học cuối phim gửi đến vẫn luôn được khán giả theo dõi...

Những cảnh phim làm nên tên tuổi của cố nghệ sỹ Ánh Hoa - Ảnh 4.

Nghệ sỹ Ánh Hoa tham gia 'Ký ức vui vẻ' mùa 1, năm 2019.

Tên thật của nghệ sỹ Ánh Hoa là Nguyễn Thị Hoa. Bà sinh năm 1941 tại Mỏ Cày, Bến Tre trong một gia đình có truyền thống cải lương. Năm 7 tuổi, bà giả thành con trai để vào vai Na Tra trong vở "Na Tra lóc thịt" của gánh hát Tỷ Phượng và nhận được nhiều lời khen. Không may mắn, khi vừa bén duyên với điện ảnh và truyền hình năm 1992 thì chỉ 3 năm sau, chồng bà qua đời.

Những năm sau đó, 4 người con của bà cũng lần lượt mất vì bệnh tim. Nghệ sỹ Ánh Hoa sống một mình suốt 20 năm cuối đời. Tuy đã ra đi, nhưng những vai diễn và giá trị của một người nghệ sỹ tần tảo với nghề sẽ mãi là những điều tốt đẹp của nền điện ảnh, truyền hình Việt Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn