Thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) bình yên trong sương mù bảng lảng đầu đông. Khung cảnh êm đềm đã khiến nhiều khách phương xa phải dừng lại chụp hình… Nhưng trái ngược với vẻ yên bình đó là câu chuyện đầy ám ảnh của những phận người từng dính đến ma túy.
Cuộc đời của Lữ Thị Loan (sinh năm 1995, bản Liên Phương, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) như một bộ phim. Trong cái lạnh thấu xương của tối mùa đông ở huyện miền núi, Loan chầm chậm nhớ lại những ký ức kinh hoàng cô đã trải qua trong quá khứ.
Loan nói, mình không có bố, dù biết ông sống ở ngay bản bên cạnh nhưng mẹ cô kể, hồi bố gặp mẹ, ông đang sống ly thân với vợ. Những lời hứa hẹn của người đàn ông đó đã khiến mẹ Loan mềm lòng và mang thai cô. Khi biết mẹ Loan có thai, người đàn ông đặt vấn đề để mẹ cô về làm vợ hai nhưng mẹ cô không đồng ý. Hiện tại ông vẫn sống cùng vợ, có ba đứa con và chưa bao giờ quan tâm đến sự có mặt của Loan trên đời.
Những năm 2006-2007, bản Tạng, xã Tiền Phong- nơi Loan sinh ra và lớn lên khi chưa lập gia đình- là điểm nóng nhất về ma túy ở Quế Phong. Trong gia đình Loan có người nghiện và bạn bè đến rủ "chơi thử" nên cô "bập vào" ma túy từ lúc nào không hay.
13 tuổi, Loan đã nghỉ học đi làm quét dọn ở Quảng Ninh. Một thời gian ngắn sau, trước lời dụ ngọt, đi bán cà phê, không phải vất vả làm việc nặng mà vẫn có quần áo đẹp mặc đã khiến Loan bị đối tượng xấu bán đến Hà Tĩnh. Trong suốt 3 tháng ở đây, ban ngày Loan bán cơm, tối đêm "làm thêm" đến 4-5 giờ sáng, mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 2-3 tiếng.
May mắn khi mẹ Loan xuôi ngược tìm con và đưa được con về lại Quế Phong. Cuộc đời cô những tưởng được bình yên bên mẹ thì vòng xoáy của ma túy lại một lần nữa khiến cô phải… vất vả. Có những hôm phải tiếp 14-15 khách/ngày, bị bạo hành, "tiền lương" tính ra được hơn 1 triệu đồng/ngày nhưng chủ không trả cho đồng nào.
Đến khi mẹ ốm, Loan cần tiền đưa mẹ đi khám và bị chủ từ chối, cô quyết định bỏ lại quần áo, chạy lấy người. Năm cô 19 tuổi, mẹ bị ung thư và qua đời, bỏ lại Loan và chị gái. Người chị gái cũng có số phận bi đát không kém gì em gái khi thường xuyên bị gã chồng không chung thủy bạo hành. "Đến tận bây giờ thi thoảng chị vẫn phải đi ‘sex work’ kiếm tiền"- Loan kể.
Thời gian này, Loan sống cùng với bạn trai, được ‘lấy thuốc’ cho đều đặn đến tận cuối năm 2015. "Ngày 7/4/2016, em test khẳng định và biết mình ‘có H’"- Loan ngậm ngùi.
Trong suốt thời gian trò chuyện, Loan nhớ như in các mốc thời gian mà cô từng trải qua, cứ như thể một thước phim quay chậm mà cô từng phải xem đi xem lại rất nhiều lần trong đời. Đôi mắt ngấn nước, giọng buồn bã khi nói đến việc mình nghiện nặng… đã thay đổi khi kể về việc năm 2017 bắt đầu được uống thuốc Methadone và kết hôn.
"Chồng em cũng ‘có H’ do sử dụng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện. Hiện tại cả hai vợ chồng em cùng đang điều trị, uống Methadone hàng ngày"- Loan chia sẻ và hào hứng nói, cuộc sống của cô đã thay đổi rất nhiều khi từ ngày 4/10/2022 bắt đầu được tham gia vào nhóm Sao Va- được thành lập vào tháng 9/2021 dưới sự hỗ trợ của SCDI (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng)- với mục đích chăm sóc để người nghiện, bệnh lao, HIV… uống thuốc đều đặn mỗi ngày.
Anh Nguyễn Trung H. (sinh năm 1982, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong), người được Lữ Thị Loan chăm sóc có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Vợ H. vừa bị bắt vì vận chuyển cả nghìn viên ma túy, một mình H. gà trống nuôi ba con (lần lượt 13, 12 và nhỏ nhất 3 tuổi).
Nhà của 4 bố con Hiếu tuềnh toàng, bốn bề gió thổi, trong nhà không có gì giá trị. Mùa đông, không có chăn hay quần áo ấm để mặc. Loan kể, năm 2022 hồi mới gặp vợ chồng H., cô vận động cả hai vợ chồng đi uống Methadone nhưng không được vì giấy tờ tùy thân của họ đều đã mang đi cầm. Sau đó, vợ H. bị bắt, Loan trao đổi với cán bộ vùng của SCDI tại Nghệ An để có thể hỗ trợ chuộc lại giấy tờ tùy thân cho H.
Cảnh tiêu điều nơi anh Nguyễn Trung H. sống cùng ba con, lần lượt là bé gái 13 tuổi, bé trai 12 tuổi và con gái út 3 tuổi.
Hiện tại, thu nhập chính của 4 bố con H. trông vào số tiền nhặt ve chai, ngày có ngày không, hôm nào "xôm" thì cũng kiếm được khoảng 100 nghìn đồng/ngày. Ai cho gì họ cũng nhận. Nhiều hôm, nhà hết gạo, 4 bố con ăn sắn cho qua bữa. Loan có nhiều khách hàng nhưng những người khó khăn như H. cô sẽ quan tâm nhiều hơn. Sáng ra, H. chở con đi học rồi đi uống Methadone, cũng có hôm Loan chở cả H. và con gái nhỏ 3 tuổi của anh đi uống thuốc rồi chở về.
Quế Phong cũng là một "điểm nóng" về số lượng người nghiện ma túy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một số nguyên nhân dẫn đến việc người dân sa vào con đường nghiện: Thứ nhất, họ là những người gặp phải sang chấn về tinh thần; Thứ hai, nhận thức của người dân chưa đồng đều, đồng bào DTTS đông. Nhiều thanh niên bỏ học sớm, thiếu công ăn việc làm, "đua đòi" và dần sa vào con đường nghiện ngập.
Thực tế, những năm gần đây, số lượng người nghiện heroin tại huyện đang có xu hướng giảm. Tổng số hồ sơ người nghiện heroin được quản lý là hơn 1.000 hồ sơ. Tuy nhiên, những năm qua, lại phát sinh ma túy tổng hợp, cám dỗ rất nhiều người trẻ. Chúng tôi lập đoàn khảo sát, phát hiện ra nhiều cháu trong độ tuổi học sinh đã sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá, hồng phiến,…). Độ tuổi trung bình người dân trong huyện nghiện là 18 tuổi, thậm chí có trường hợp người dùng heroin ở tuổi 11. Được biết, nguyên nhân do bố mẹ đều đã đi tù, không ai quản lý, dạy bảo.
BS Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong
Thời gian này, nhờ uống thuốc đều đặn nên thần thái cũng tỉnh táo hơn để có thể lo cho bầy con nhỏ. Tuy nhiên, vì H. là khách hàng mới uống Methadone nên Loan lo H. sẽ chưa thể dứt được cơn, lo bạn bè xấu rủ rê, nếu không vững vàng H. sẽ dễ dàng quay lại con đường cũ. "Tôi thấy thương ba đứa nhỏ nên rất hay động viên để anh H. hiểu chuyện, thương con mà cố gắng. Vì từng trải qua cảnh tương tự nên tôi mong anh có động lực để vượt qua"- Loan chia sẻ.
Loan tâm sự, những người cô chăm sóc, mỗi người một hoàn cảnh, có chị cả hai vợ chồng cùng nghiện, có 5 người con. Con gái đi lập gia đình, cũng có chồng nghiện, chích sốc thuốc và qua và qua đời. Chồng mất, con gái lại ôm con về ở với mẹ… Những cảnh đời khiến cô thấy buồn và càng muốn giúp được nhiều người hơn cho… nhẹ lòng. Loan bảo ở Sao Va, các thành viên đều chung mục tiêu "giúp người cũng chính là giúp mình" này.
Quế Phong, Nghệ An là một huyện miền núi giáp biên giới Việt - Lào. Đây là địa bàn có 72.000 người dân của 6 dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Tày, Kinh sinh sống. Huyện có đặc thù địa hình xa xôi khiến cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế nói chung và HIV, lao nói riêng của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Từ cuối năm 2020, SCDI cùng nhóm cộng đồng Sao Va triển khai mô hình CHEER (Đánh giá và đáp ứng dịch tễ học HIV dựa vào cộng đồng) nhằm kiểm soát dịch HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy trên địa bàn huyện. Hoạt động đã có những đóng góp ý nghĩa cho công tác phòng chống HIV của địa bàn như: phát hiện nhiều ca dương mới, hợp tác tích cực với cơ quan y tế địa phương để rút ngắn thời gian khởi liều Methadone...
(Còn tiếp)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn