Người con Lào tìm lại được bố mẹ nuôi Việt sau 10 năm xa cách
Đó là bức ảnh cùng gia đình bố mẹ nuôi năm 1969 của tác giả Khamkeo Vôngphila - nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Thủ đô Viêng Chăn, Lào. Với kỷ vật dự thi là bức ảnh chụp cùng gia đình bố mẹ nuôi năm 1969.
Chiến tranh khiến gia đình ly tán, cậu bé Khămkeo Vongphila phải rời quê Xiêng Khoảng (Lào) sang Việt Nam lúc 13 tuổi. Tại đây Keo đã có một mái ấm gia đình ở Phú Thọ cùng 6 anh em Việt Nam và Lào chung sống. Những ngày tháng thơ ấu hạnh phúc êm ấm đã giúp Keo vượt qua mọi gian nan và để lại những kỷ niệm ngọt ngào, chan chứa yêu thương.
Do điều kiện học tập và công tác, đường sá cách trở, xa xôi ông Khamkeo không có nhiều dịp về Phú Thọ thăm bố mẹ Việt, đến năm 2013 thì mất liên lạc với ông bà.
Qua các kỷ vật gửi tham gia cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện", sự hỗ trợ kết nối của tạp chí Thời Đại, ông Khamkeo đã tìm lại được gia đình bố mẹ nuôi sau 10 năm mất liên lạc.
Chàng trai Lào nên duyên vợ chồng với người con gái Việt
Tác phẩm "Báu vật tình yêu Việt - Lào" của tác giả là tiến sĩ Bountheng Souksavatd (Nguyên Viện trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào. Trong thời gian học tập tại Việt Nam, tiến sĩ Bountheng Souksavatd nên duyên vợ chồng với một người con gái Việt Nam và đã được hai nước cấp giấy chứng nhận kết hôn.
Lễ cưới giản dị, nhưng có đại diện Đại sứ quán Lào tại Việt Nam tới dự. Một đám cưới nhỏ, đơn giản với bánh kẹo, nước chè. Không có tiệc đặt nhà hàng, không có rước dâu. Tất cả đều diễn ra ở nhà, mặc áo cưới ở nhà, bữa cơm ở nhà, và không có nhẫn cưới như nhiều cặp đôi.
Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Đại học, ông đưa vợ và 2 con về Lào sinh sống. 40 năm qua, tấm giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng tiến sĩ Bountheng Souksavatd được đặt trang trọng trong tủ phòng khách, được ép plastic bảo vệ như minh chứng tình yêu của mối tình duyên vợ chồng Việt - Lào mãi bền vững, ấm áp.
Chiếc xe đạp của bố nuôi biên phòng
Tác phẩm "Chiếc xe đạp của bố nuôi bộ đội biên phòng" của tác giả Hồ Thị Nghin, ở bản La Lay A Sói (Lào). Với nội dung: Chiếc xe đạp, "người bạn" thân thiết đưa cháu Hồ Thị Nghin (sinh năm 2007) đi học hàng ngày chính là món quà người bố nuôi là bộ đội biên phòng tặng.
Nhà Hồ Thị Nghin rất nghèo, có 6 chị em, bố lại hay đau ốm. Bản La Lay A Sói nơi Nghin sinh sống kết nghĩa với bản La Lay (Quảng Trị, Việt Nam). Năm 2017, sắn mất mùa, Nghin có nguy cơ phải nghỉ học. Rất may Nghin đã được các chú bộ đội biên phòng Việt Nam nhận làm con nuôi và hỗ trợ để em không phải bỏ học. Đó cũng là lần đầu tiên bé gái Nghin được nhận nhiều quà, quần áo, sách vở…
Năm 2019, Nghin học lên cấp 2 xa nhà, các bố nuôi bộ đội biên phòng lại mang đến cho em chiếc xe đạp mới tinh để động viên em đến trường. Mỗi lần xe bị xịt lốp, đứt xích, các bố nuôi biên phòng lại sang tận nhà em mang xe đạp về Việt Nam sửa chữa.
Đường đồi nhiều sỏi đá và bùn đất, chiếc xe cũ đi trông thấy. Sau vài lần bị hỏng, năm 2021, bố nuôi bộ đội Biên phòng Việt Nam lại mua cho Nghin một chiếc xe đạp mới có hiệu là Asama. Từ đấy Ngin lại có chiếc xe đạp mới để "làm bạn" đến trường mỗi ngày.
Ca khúc trữ tình về "Cô gái Viêng Chăn"
Tác phẩm "Chuyến đi tuổi trẻ và bài hát Cô gái Viêng Chăn" của ca sĩ, nhạc sĩ Bùi Tuấn Ngọc ở Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Bài hát bằng tiếng Lào được ca sĩ, nhạc sĩ Tuấn Ngọc sáng tác trong chuyến đi biểu diễn tại nước bạn Lào vào tháng 9/2019. Ở trên đất Lào, ăn cơm Lào, cảm mến bạn Lào... tất cả đã tạo nên chất liệu âm nhạc cho Tuấn Ngọc sáng tác bài hát "Cô gái Viêng Chăn".
Ca khúc nhận được sự phản hồi yêu thích từ bạn bè quốc tế, có thể thấy rõ sự ảnh hưởng qua các Video Reaction (video phản ứng) của các bạn trẻ Lào, Thái Lan. Ngoài ra, trên các trang báo của Lào, Việt Nam cũng đã đưa tin về giai điệu mượt mà, lắng đọng của ca khúc trữ tình cùng vẻ đẹp trong sáng, dễ thương của "cô gái Viêng Chăn".
Trong một buổi biểu diễn trong tiệc chiêu đãi Đoàn Đại biểu cấp cao Đảng nhân dân Cách mạng Lào sang thăm và làm việc tại Việt Nam, ca khúc này luôn nhận được lời khen của ban lãnh đạo cấp cao hai nước.
Những tấm huân, huy chương và bụi màu thời gian
Tác phẩm "Những huân huy chương sờn màu của người lính lái xe Đoàn 959" của tác giả Đỗ Trường Hùng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trong hơn 10 năm lái xe hỗ trợ cách mạng Lào (từ năm 1965), ông Phạm Văn Chuyên (SN 1937, trú tại xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, lính lái xe Đoàn 959) làm nhiệm vụ đưa đón chuyên gia Việt Nam sang Lào giúp đỡ Quân ủy Trung ương và Bộ chỉ huy tối cao Lào củng cố cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng một số đơn vị chủ lực mạnh, tổ chức huấn luyện bộ đội địa phương, dân quân du kích. Ngoài ra, ông Chuyên còn làm nhiệm vụ lái xe tải vận chuyển nhu yếu phẩm từ Việt Nam sang Lào.
Với những đóng góp cho cách mạng Lào, ông Chuyên đã được Đảng, Nhà nước Lào trao tặng những Huân, Huy chương cao quý như: Huân chương Chiến thắng hạng Nhất (Xalalot); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ; Huy chương Anh dũng chống Mỹ. Trong đó, cao quý nhất là Huân chương Issara hạng Nhất (Huân chương Tự do). Về phía Nhà nước Việt Nam, ông được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất "Vì đã có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".
Những kỷ vật được ông Chuyên lưu giữ cẩn thận như vật báu trong một chiếc hòm gỗ vốn là hòm đựng đạn pháo, cũng là một kỷ vật ông mang từ chiến trường Lào về đã gây xúc động cho nhân dân 2 nước Việt - Lào.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn