Những câu chuyện truyền cảm hứng trên hành trình trao quyền cho phụ nữ ở Sóc Trăng

13:00 | 09/12/2024;
Tham gia chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ”, được tham gia nhiều hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng, được khởi sự kinh doanh với mô hình quầy hàng “Chị Nest” hay “Cùng Maggi Nấu nên cơ nghiệp”, nhiều phụ nữ ở Sóc Trăng đã tự tin hơn trong cuộc sống, nâng cao vị thế, vai trò của bản thân trong gia đình và xã hội. Những phụ nữ này đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em khác nơi đây vươn lên khẳng định mình.

Cuộc sống đổi thay khi là "Chị Nest"

Vượt qua những con đường quanh co một bên là kênh rạch, bên là những vườn vú sữa trĩu quả, vườn dừa xanh mát… chúng tôi đến với xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Nhìn dáng người nhỏ bé, ít ai nghĩ rằng, chị Phạm Anh Thư, sinh năm 1999, ở ấp 1, xã Trinh Phú, lại là bà chủ của 2 mô hình phát triển kinh tế - Chị Nest và Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp.

Những câu chuyện truyền cảm hứng trên hành trình trao quyền cho phụ nữ ở Sóc Trăng- Ảnh 1.

Tham gia chương trình Nestlé đồng hành cùng phụ nữ, chị Phạm Anh Thư (trái), được nâng cao kiến thức, kỹ năng cũng như tạo lập sinh kế bền vững

Thoạt đầu có vẻ e dè khi thấy khách từ phương xa đến nhưng có lẽ đã được rèn luyện khi kinh doanh tạp hóa, cửa hàng ăn uống, chỉ vài chục giây sau đó, chị Thư đã mạnh dạn chia sẻ với chúng tôi về cái duyên mình được mang thêm tên mới - Chị Nest: "Trước đây, gia đình mình có hàng tạp hóa nhỏ. Được cán bộ Hội LHPN động viên và tư vấn tham gia mô hình Chị Nest, mình đã tìm hiểu và về bàn với mẹ. Sau khi gia đình ủng hộ, mình đã tham gia mô hình. Từ khi là "Chị Nest", nhờ bán thêm các sản phẩm của Nestlé cùng các mặt hàng khác, mỗi tháng mình cũng kiếm thêm được trên 2 triệu đồng, cuộc sống của gia đình ổn định hơn".

Tham gia mô hình Chị Nest, sẵn có các sản phẩm dầu hào, hạt nêm, nước tương, lại được tập huấn kiến thức về dinh dưỡng, chị Thư thường nêm nếm những gia vị này vào các món ăn hay dùng làm nước chấm trong bữa cơm gia đình và được mọi người rất thích. Khi có khách đặt cơm, chị cũng dùng các gia vị trên chế biến món ăn. Nhiều khách hàng dùng bữa xong liền hỏi về bí quyết nấu nướng nên số người nhờ chị nấu món ăn thêm đông.

Nhận thấy có thể phát triển kinh doanh ăn uống, chị Thư đã tham gia chương trình "Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp", vượt qua rất nhiều hội viên khác với đề án của mình và được chương trình hỗ trợ cấp vốn và nâng cấp cơ sở vật chất quán ăn của gia đình. "Tham gia chương trình Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp, tôi được hướng dẫn sử dụng app để tính toán, quản lý tài chính như chi phí mua nguyên liệu đầu vào hết bao nhiêu, bán ra lời lãi thế nào. Tôi còn được đầu bếp hướng dẫn kỹ năng nấu ăn để thu hút khách nên riêng hủ tiếu, mỗi ngày tôi cũng bán được gần 100 tô. Thu nhập của hai mô hình, mỗi tháng tôi cũng kiếm được gần 6 triệu đồng", chị Thư chia sẻ.

Theo chị Thư, tham gia mô hình Chị Nest và Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp, không chỉ đem lại thu nhập tốt hơn, mà còn giúp chị có thêm kiến thức về tài chính, dinh dưỡng, và thêm sự tự tin. Chị Thư cho biết, tương lai sẽ học hỏi để chế biến các món ăn như mỳ khô, bún xào… để nâng cao thêm thu nhập.

Chị Ngô Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, ban đầu xã có 6 hội viên phụ nữ tham gia Chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ", hiện có 12 chị tham gia Chương trình và đều khởi nghiệp thành công. Tham gia mô hình, chị em không chỉ được hỗ trợ vốn kinh doanh mà còn được tạo điều kiện nhập các sản phẩm tiêu dùng của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam để bán. Sản phẩm dễ bán, dễ chế biến, chị em không phải bỏ vốn (công ty hỗ trợ vốn ban đầu, sau 1 năm mới phải trả vốn) nên những người tham gia mô hình đều rất tích cực kinh doanh.

Thu nhập của người dân ở Trinh Phú chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông nghiệp như trồng cây ăn trái và lúa. Vì thế, thường đến mùa vụ, bà con mới có thu nhập. Khi tham gia mô hình, nhiều chị em có nguồn thu thường xuyên nên đã chủ động trong cuộc sống của bản thân và gia đình, từ khẳng định vị thế, vai trò của mình không chỉ trong gia đình mà cả xã hội.

Những câu chuyện truyền cảm hứng trên hành trình trao quyền cho phụ nữ ở Sóc Trăng- Ảnh 2.

Mô hình Cùng Maggi Nấu nên cơ nghiệp tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, đã giúp nhiều chị em nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống

Cũng như xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng hiện có 11 hội viên phụ nữ tham gia Chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ". Chị Ngô Quỳnh Anh, xã Mỹ Thuận, mới tham gia mô hình từ đầu năm 2024. "Tham gia mô hình Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp, tôi có thêm kiến thức khi kinh doanh món xôi mặn, cơm chiên Dương Châu, bánh mỳ… nên thu hút được nhiều khách hàng, thu nhập cũng tăng cao hơn", chị Quỳnh Anh vui mừng cho biết.

Chị Bùi Thị Bé Hai, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, cũng là "Chị Nest" từ năm 2019. Nhờ tham gia mô hình, chị Hai có thêm kiến thức sử dụng sản phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng. "Tham gia mô hình, không chỉ có thêm thu nhập mà Hội cũng có thêm kinh phí từ việc triển khai chương trình để hoạt động tốn hơn", chị Hai cho biết.

Góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Sóc Trăng là 1 trong 18 tỉnh thành tham gia sáng kiến "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ". Bà Trần Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện Sóc Trăng có 45 xã/450 chị Nest thuộc 9 huyện, thị xã trong tỉnh (tăng 20 xã và 225 Chị Nest so với năm 2023). Chị em tham gia mô hình Chị Nest và Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp đã có thêm kiến thức về dinh dưỡng, về ứng dụng công nghệ thông tin và khởi nghiệp kinh doanh, từ đó có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Bình quân mỗi Chị Nest thu nhập từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000/tháng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn.

"Nhờ những kết quả đạt được, trong năm 2025, Hội LHPN tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền vận động các cấp Hội thành lập Chị Nest mới; đảm bảo duy trì số lượng Chị Nest hiện tại; lồng ghép hoạt động của Chị Nest gắn với chương trình công tác Hội và phong trào phụ nữ tại cơ sở, góp phần xây dựng cơ sở Hội vững mạnh và năng lực cán bộ Hội ngày càng nâng cao", bà Trần Thị Kim Phượng cho biết.

Theo bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, Chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ" do Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN Việt Nam triển khai từ tháng 12/2020. Chương trình đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ, có thêm thu nhập để cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình, nâng cao quyền năng kinh tế, sự mạnh dạn, tự tin cho nhiều phụ nữ. Kết quả này góp phần hiện thực hóa các tiêu chí của phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"2, "Gia đình 5 có 3 sạch". 

Những câu chuyện truyền cảm hứng trên hành trình trao quyền cho phụ nữ ở Sóc Trăng- Ảnh 3.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại-Truyền thông, Nestlé Việt Nam chia sẻ về những nỗ lực của Nestlé nhằm thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ

Theo ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông (Nestlé Việt Nam), Nestlé Việt Nam luôn gắn các mục tiêu phát triển kinh doanh với sự phát triển và thịnh vượng của cộng đồng. "Trong suốt gần 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng nỗ lực nhằm thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là nâng cao quyền năng của phụ nữ trong toàn chuỗi giá trị. Thông qua chương trình hợp tác với Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi muốn tạo ra những tác động tích cực đến đời sống cũng như vị thế của phụ nữ Việt Nam, đóng góp vào mục tiêu chung về bình đẳng giới tại Việt Nam", ông Hưng chia sẻ.

Chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ" hiện được triển khai tại 18 tỉnh, thành trên cả nước. Đến nay, chương trình ghi nhận đã có 21.750 phụ nữ tham gia tập huấn về kiến thức dinh dưỡng, an toàn sức khỏe với 1.840 mô hình sinh kế được thành lập và duy trì. Theo đó, khoảng 1,7 triệu hộ gia đình đã được tiếp cận, thụ hưởng từ Chương trình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn