Những câu hỏi day dứt ở chùa Ba Vàng

14:52 | 27/03/2019;
Nhiều câu hỏi cần được đặt ra từ câu chuyện ở chùa Ba Vàng. Chỉ xét riêng từ khía cạnh lương tâm, liệu chúng ta có thể chấp nhận lời phán xét rằng cô gái giao gà, nạn nhân bị sát hại trong vụ án ở Điện Biên, “đáng bị như vậy” là do những tội lỗi trong kiếp trước?

Câu chuyện “thỉnh vong, oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh đang gây ra những và cả những tranh cãi trong dư luận. Vụ việc có lẽ sẽ không gây ồn ào đến thế nếu không có chuyện “giải nghiệp” và những người bị “kết án” bỏ ra hằng chục thậm chí cả trăm triệu và cả tiền tỷ để làm theo những chỉ dẫn mà những người ngoài cuộc chưa thể kiểm nghiệm đúng sai. Dư luận càng “dậy sóng” khi nhiều người tham gia “thỉnh vong” khẳng định rằng nạn nhân trong nhiều vụ án, như vụ án cô gái giao gà ở Điện Biên, bị trừng phạt do những tội lỗi trong tiền kiếp.

Phải khẳng định rằng không dễ để đưa ra những lời nhận xét về vụ việc này, bởi niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi đời sống tinh thần cá nhân của mỗi người và pháp luật cũng tôn trọng điều đó. Hiến pháp 2013 đã quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.  Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhưng thực hành niềm tin tôn giáo cũng phải dựa trên những cơ sở luật pháp, như chính Hiến pháp cũng đã nêu rõ: Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Trở lại câu chuyện ở chùa Ba Vàng, những “oan gia trái chủ” ở đây thông thường không phải là những người đang hanh thông, đang gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, trái lại họ đang gặp nhiều “tai ách” đó là bệnh tật, tai nạn, ly tán... Giờ đây, theo các lời phán”, họ lại phải mất một số tiền lớn để “giải nghiệp” từ kiếp trước.

Thói thường, chuyện cầu danh cầu lợi cầu tài nhiều ít thời nào cũng có nhưng cũng chẳng đáng bàn nhiều bởi xét dưới góc độ nào đó thì vẫn là lựa chọn của riêng mỗi người Nhưng câu chuyện giải nghiệp hôm nay dường như rất khác, khi một số người  nhằm vào nỗi sợ hãi của những người vốn đã không may mắn để tác động theo một cách nào đó khiến họ phải nộp tiền.

chua-ba-vang-3.jpg
Bà Phạm Thị Yến thường tuyên truyền về oan gia trái chủ, giải nghiệp thỉnh vong.

 

Không dễ để xác định tính chất những hành vi này, nhưng cần nhắc lại rằng, giáo lý của các tôn giáo đều đề cao sự cố gắng, lao tâm khổ tứ tìm kiếm tri thức để hiểu sâu hơn về giáo lý, thấm nhuần triết lý tôn giáo, cùng với sự nỗ lực trong thực hành giáo lý vào chính đời sống hằng ngày, từ đó tìm thấy sự thanh thản và giúp cho đời sống tâm linh của mình phong phú hơn, cao thượng hơn, trong sáng hơn.

Đem “triết lý” thế tục theo kiểu “có tiền mua tiên cũng được” vào đời sống tâm linh, nói cách khác là có thể dùng giá trị vật chất để đánh đổi với thánh thần, liệu có phù hợp với lời khuyên của Thích Ca, Jesus hay Khổng Tử? Người ta cũng có thể tin rằng tiền sẽ giải được nghiệp, đó cũng là quyền của họ, nhưng lợi dụng niềm tin đó để trục lợi lại là một việc khác đi rồi.

Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã  khẳng định việc gọi vong, trừ vong không có trong giáo lý nhà Phật. Ở góc độ quản lý nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản nêu rõ, hiện tượng "trục vong", "gọi hồn" không có trong truyền thống Phật giáo. Nếu các cơ sở thờ tự thực hiện là đang vi phạm Luật Tín ngưỡng.

Hơn một lần, Giáo hội Phật giáo đã khẳng định hoạt động “thỉnh vong” “giải oán” là trái với giáo lý đi ngược lại triết lý tôn giáo gây bất ổn cho xã hội đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến tôn giáo. Giáo hội cũng đã nhiều lần công khai khuyến cáo, phản đối những “nghi thức” mang tính vay mượn và đậm chất dị đoan như dâng sao giải hạn, cầu tài cầu lộc chốn cửa thiền.

Từ khía cạnh pháp luật, một vấn đề khác cũng rất đáng bàn, đó là khi người ta “giải thích” rằng các nạn nhân trong các vụ án là do tiền kiếp. Điều đó khiến người dân hiểu lệch lạc về những quy phạm xã hội quy phạm pháp luật mà ở đó yêu cầu mỗi cá nhân phải nhận thức và chịu trách nhiệm về chính hành vi của mình. Liệu những “rao giảng” trên có là một sự biện minh, thậm chí là tiếp tay cho cái ác trong xã hội?

Không chỉ có vậy. Thực hành niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cũng cần có những yêu cầu tối thiểu như không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, trong đó có những người đã khuất và đời sống tâm linh, tinh thần của họ và gia đình họ. Xét từ khía cạnh lương tâm, liệu chúng ta có thể chấp nhận lời phán xét rằng cô gái giao gà, nạn nhân bị sát hại trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Điện Biên, “đáng bị như vậy” là do những tội lỗi trong tiền kiếp?

Câu chuyện dường như đã không còn chỉ nằm trong phạm vi đời sống riêng của mỗi cá nhân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn