Nhiều cha mẹ hay tự hỏi rằng: Ngày xưa lúc con còn bé, chúng thường gần gũi thân thiết với mình. Vậy mà tại sao khi lớn lên, con cái giữ khoảng cách với cha mẹ. Nhiều khi chúng thoải mái chia sẻ mọi điều với người ngoài còn với cha mẹ, con lại che giấu. Vậy có cách nào giúp cho quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên thân thiết hơn?
Dưới đây là những câu nói phụ huynh nên dùng để nói chuyện với trẻ. Nó có thể giúp gắn kết cha mẹ và con cái, hãy nói với con bạn những điều này nhiều hơn!
Đối với trẻ con, bố mẹ không cần phải làm việc gì đao to búa lớn cho chúng, mà chỉ cần làm những công việc hàng ngày rất đời thường, rất giản dị… là đã có thể trở nên tuyệt vời trong mắt trẻ. Hãy dành cho con những lời khen ngợi, và đừng chỉ nhìn vào kết quả mà khen con, hãy ghi nhận cả quá trình phấn đấu của chúng. Phụ huynh hãy thể hiện để trẻ thấy rằng, con chính là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Và con hãy hạnh phúc về điều đó.
Khi trẻ mắc sai lầm, không chỉ phụ huynh mà con cũng đang rất buồn. Cha mẹ đừng vội chỉ trích con cái 1 cách nặng nề. Hãy quan tâm đến tâm trạng của trẻ. Hãy chỉ cho chúng thấy rằng, sai lầm chưa hẳn thất bại mà việc không thể đứng lên trước sai lầm mới là thất bại thật sự. Những thất bại trong cuộc sống sẽ là bài học giúp con trưởng thành hơn. Con luôn có cơ hội để cải thiện. Điều quan trọng là tinh thần lạc quan của trẻ sau thất bại đó.
Ngày nay phụ huynh thường bận rộn với việc kiếm tiền mà bỏ bê con cái. Nhiều lúc, con gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng không biết tìm ai để chia sẻ, giải quyết cùng mình. Vì thế cha mẹ hãy dành nhiều thời gian bên trẻ hơn và thường xuyên hỏi con có cần mình giúp đỡ gì không. Câu hỏi này cũng nên được đặt ra trước khi cha mẹ can thiệp vào sự riêng tư của trẻ. Như vậy con sẽ cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng. Từ đó trẻ cũng sẽ cởi mở hơn với cha mẹ.
Thay vì tự giả định, suy diễn, hãy bình tĩnh hỏi con xem điều gì đang khiến con khó chịu, buồn phiền. Hãy dành thời gian trò chuyện, tâm sự với trẻ, đưa ra cho con những lời khuyên và định hướng bổ ích. Sự chân thành muốn kết nối của phụ huynh sẽ khuyến khích con bạn tiếp tục đến gặp cha mẹ không chỉ để trò chuyện mà còn để thảo luận về những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Phụ huynh thường cho rằng, con cái phải có trách nhiệm nghe lời, phụng dưỡng cha mẹ. Vì thế những việc con làm giúp là điều hiển nhiên, không cần cảm ơn. Tuy nhiên, một lời cảm ơn với sự vui mừng, chân thành sẽ khiến trẻ cảm thấy vui sướng. Và chắc chắn con sẽ phát huy điểm tốt này nhiều hơn. Hãy cảm ơn con bạn ngay cả với những việc nhỏ nhất. Một lời cảm ơn có thể giúp cải thiện mọi mối quan hệ.
Cha mẹ thường dò xét những lỗi lầm của trẻ mà quên mất rằng mình cần phải quan tâm đến con nhiều hơn. Việc dò xét, chì chiết, bới móc sai lầm của bé chỉ khiến chúng cảm thấy cha mẹ đáng sợ, khó gần. Phụ huynh có thể hỏi trẻ những câu hỏi đơn giản, vui vẻ mà không mang tính chất điều tra như: "Hôm nay con học có vui không? Con và bạn bè kể chuyện gì vui? Bài tập có khó không? Có ai bắt nạt con không?...".
Với trẻ không giỏi diễn đạt, thường ấp úng, hồi hộp, lo lắng, căng thẳng, bất an... mỗi khi đối diện người lớn, cha mẹ cần thường xuyên tâm tình, quan tâm, giúp con mạnh dạn chia sẻ tâm tư tình cảm của chúng.
Hãy khiến con bạn cảm thấy được yêu thương bằng 3 từ đơn giản này. Ai cũng thích được nghe những lời yêu thương, ngọt ngào. Bên cạnh sự nghiêm khắc, cha mẹ đừng quên thể hiện tình cảm của mình đối với trẻ. Như thế con sẽ hiểu được những gì phụ huynh làm là muốn tốt cho chúng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn