Trong những ngày gần đây, những cây ATM gạo đã bắt đầu mọc lên để phần nào đỡ đần san sẻ những khó khăn của dân nghèo. Ban đầu là một vài cây, nhưng rồi, những gì từ trái tim đã đến được với trái tim, những cây ATM đã liên tiếp mọc lên trên khắp các miền của cả nước.
Suy cho cùng, ở giác độ nào đó ATM mọc càng nhiều cũng đồng nghĩa hậu quả của đại dịch quá nặng nề và người Việt, những người nghèo, hay mới tái nghèo vẫn còn nhiều quá.
Không thể phủ nhận Việt Nam trong những thập kỷ qua đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, từ 2002 đến 2018, hơn 45 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo. Đó là cố gắng của cả một dân tộc.
Nhưng chúng ta mới chỉ thoát nghèo, điều đó cũng đồng nghĩa có rất nhiều hộ dân dứng ở ngưỡng cận nghèo và có thể tái nghèo nếu có những biến động như dịch bệnh thiên tai, những đối tượng dễ tổn thương. Khái niệm thoát nghèo bền vững đã được đưa ra từ khá lâu và người dân cũng như những nhà quản lý cũng mong muốn hướng tới điều đó.
Tuy nhiên đại dịch lần này đã gây ra một hậu quả rất lớn. Cho đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, số người khỏi bệnh và ra viện ngày càng tăng. Nhưng bên cạnh đó một thiệt hại không thể tránh khỏi đó là kinh tế bị đình trệ.
Khoảng thời gian 3 tháng, dịch bệnh đã khiến cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh khó khăn. Nguồn thu nhập hầu như không còn, số tiền tích lũy nếu có cũng ít ỏi sẽ nhanh chóng cạn dần. Và nhiều hộ dân lâm vào cảnh phải chạy ăn từng bữa.
Và chính từ trong lòng cuộc sống, con người đã nhanh chóng thấu hiểu khó khăn của đồng loại, chính họ đã khởi xướng phong trào vận động cộng đồng chung tay chia sẻ khó khăn với người nghèo.
Tất nhiên làm việc thiện cũng có những trở ngại, nếu không nói là nhiều lúc còn khó khăn hơn cả những việc thông thường khác. Trong những ngày đầu tại một số điểm phát quà từ thiện, đã có hiện tượng những người đi xe ga vẫn vào nhận quà "như nhặt được". Đã có tình trạng, khi không có người giám sát, một người cùng lúc vơ nhiều túi quà và thậm chí mang túi lớn "vơ vét" toàn bộ những suất quà ở điểm phát để mang về.
Nhưng cái khó ló cái khôn, người Việt luôn sáng tạo trong khó khăn, cả trong làm từ thiện cũng vậy. Bởi những người trực tiếp vận động và tổ chức những điểm phát quà hiểu rằng nếu những suất quà không đến đúng tay người khó khăn đồng nghĩa với sự thất bại và dễ làm nản lòng những nhà hảo tâm đóng góp.
Chính vì thế ATM gạo đã ra đời. Nó giúp giải bài toán ngăn chặn những người lạm dụng lòng tốt của cả cộng đồng. Và cùng với thời gian những cây ATM ngày càng "hiện đại" hơn khi được cải tiến kỹ thuật như có nút bấm bằng chân thậm chí có camera để nhận diện người đến nhận gạo.
Trong điều kiện bình thường, việc chia sẻ với người nghèo đã là điều đáng quý, trong khó khăn những hành động chia sẻ này càng đáng trân trọng hơn.
Dưới giác độ tài chính, làm từ thiện là đi ngược với quá trình kinh doanh vì sẽ có một khoản tài chính bị tiêu tốn theo kiểu "cụt vốn". Nhưng dưới giác độ nhân văn, những hạt mầm thiện đã được gieo và sẽ tiếp tục nảy mầm, phong trào lập cây ATM tiếp tục lan tỏa.
Dịch bệnh chắc chắn sẽ qua đi, nhưng lòng tốt sẽ còn lại mãi, những cây ATM sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp trong lòng những người đã góp sức tạo nên nó và cả những người đã đến nhận quà từ nó và có lẽ nó còn là một câu chuyện đẹp, một di sản của người Việt để lại cho con cháu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn