1. Chàng trai sáng chế cốc nguyệt san "made in Việt Nam "
Hẹn hò, xếp lịch mãi, chúng tôi mới gặp được "nhà sáng chế" Lê Viết Phương vào một ngày cuối năm. Trong góc căn phòng làm việc của anh luôn đặt một cây đàn ghi-ta. Tôi thắc mắc, "người trên từng cây số" như Phương thì đàn hát vào lúc nào được, anh cười bảo: "Những lúc đầu óc căng quá, mình bập bùng vài điệu cho giãn não ấy mà". Sau cuộc ghi hình "Mua tận gốc", thể theo yêu cầu của nhóm, Phương chơi một khúc nhạc du dương. Nhìn Phương thả hồn trong âm nhạc, tôi hiểu vì sao đến cái slogan sản phẩm của anh cũng dạt dào, bay bổng: "Cốc nguyệt san Bkcup - Sống trọn thanh xuân".
Phương vốn là dân chuyên Lý, từ bé đã mơ ước sau này trở thành nhà Vật lý vỹ đại. Anh hiện là giảng viên bộ môn Quang học và Quang điện tử, Viện Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ấp ủ bao hoài bão lớn lao nhưng rồi, sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý kỹ thuật chuyên ngành Vật liệu điện tử, Lê Viết Phương bất ngờ rẽ sang một hướng đi khác: Sáng lập Công ty start-up về sáng tạo và công nghệ (Công ty BKST) với mục tiêu, đem những ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống.
Lê Viết Phương chia sẻ, từng chứng kiến sự bất tiện của mẹ và em gái mỗi lần "đến tháng" nên anh luôn trăn trở, liệu có giải pháp nào để giúp mẹ, em gái và những người phụ nữ khác cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn trong những ngày "đèn đỏ". Vậy là trong gần 1 năm cùng các cộng sự mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, trải qua nhiều thất bại, sản phẩm cốc nguyệt san Bkcup đã chính thức trình làng. "Cốc nguyệt san là sản phẩm tiện ích, phù hợp với đời sống phụ nữ hiện đại và lối sống xanh nhưng ban đầu tiếp cận thị trường, chúng tôi đã gặp nhiều rào cản tâm lý, do thói quen và quan niệm truyền thống từ phía người tiêu dùng. Chúng tôi đã phải thuyết phục từng khách hàng, lắng nghe phản hồi, góp ý nhằm có một sản phẩm hoàn chỉnh, phù hợp nhất. Sau hơn 1 năm góp mặt trên thị trường, cốc nguyệt san Bkcup đã nhận được sự tin dùng của đông đảo phụ nữ Việt Nam ", Viết Phương cho hay.
Trước sản phẩm cốc nguyệt san, Lê Viết Phương đã phát triển thành công nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao như: Đèn dụ cá nhúng nước cho ngư dân, máy làm giá Bách khoa, máy lên men tỏi đen... Viết Phương chia sẻ, anh rất tự hào vì cốc nguyệt san BKcup được làm từ 100% silicon y tế kháng khuẩn đầu tiên tại Việt Nam, độ bền lên tới 10 năm. Sản phẩm đã nhận được giải thưởng "Thương hiệu dẫn đầu 2018".
Được biết, công ty của Lê Viết Phương đang hợp tác với nhiều công ty trong và ngoài nước nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống dựa trên công nghệ nano và công nghệ xanh. Đam mê và cũng là mong ước của Phương cùng các cộng sự là ứng dụng kiến thức khoa học, công nghệ để góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, bền vững.
2. Từ gánh chè của mẹ đến địa chỉ nổi tiếng Sài thành
Với phong cách trò chuyện mộc mạc, chân chất, đặc màu sắc miền Tây Nam bộ, Cường Thái, chủ quán chè Cô Bảy Cần Thơ, đã mang đến một câu chuyện đầy sức lôi cuốn với người xem chương trình Mua tận gốc số 2 của Báo PNVN vừa qua.
Ít ai nghĩ rằng sau 1 năm rưỡi khởi nghiệp với một quán chè, có thể mang lại cho Cường Thái doanh thu khoảng 20 triệu đồng/ngày. Cường Thái cho biết, mức doanh thu đó sẽ cao hơn nữa nếu điều kiện mặt bằng rộng hơn vì quán lúc nào cũng trong tình trạng kín chỗ. Hiện nay quán chè "Cô Bảy Cần Thơ" như một địa chỉ ăn vặt quen thuộc của nhiều bạn trẻ Sài thành.
Những thắc mắc của thực khách kiểu: Quán chè mang tên "Cô Bảy Cần Thơ" nhưng chủ nhân lại là một chàng thanh niên; rồi tuyên bố phục vụ đối tượng khách hàng rộng rãi gồm: (người) đã có chủ, độc thân và giới tính thứ 3 đã được "giải mã" trong chương trình. Cường đã công khai mình thuộc giới tính thứ 3. Anh đã phát triển công việc kinh doanh từ gánh chè của mẹ bán ở chợ tại Cần Thơ trước đây.
Cách đây 1 năm rưỡi, với sự hỗ trợ của người bạn thân, Cường đã cùng mẹ xây dựng thực đơn gồm hàng chục món chè, trong đó có "món tủ" chỉ có tại quán Cô Bảy Cần Thơ như chè dừa non hoa đậu biếc. Nói về bí quyết thành công của mình, Cường khiêm tốn cho rằng, mình gặp may mắn. Tuy nhiên khách đến quán chứng kiến chủ nhân không ngừng tay và thuần thục trong chế biến sẽ cảm nhận được niềm say mê của chủ quán.
Cường cho biết, đến nay quán đã có sự thành công nhất định nhưng mọi người vẫn chưa biết mẹ Cường là ai. Vì vậy, Cường ấp ủ qua Tết sẽ thực hiện một bộ ảnh cùng với mẹ. Những hình ảnh đó sẽ được treo trong quán để Cường có thể "khoe" mẹ mình, người phụ nữ tảo tần với gánh chè đã nuôi Cường thành người và giờ tiếp tục đồng hành với cậu trên con đường kinh doanh.
Chương trình "Mua tận gốc" được Báo PNVN triển khai từ trung tuần tháng 10/2019 nhằm tạo một kênh truyền thông về mua bán hàng hóa trên mạng internet có tính chính thống và cam kết cao; hỗ trợ miễn phí người khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ vùng sâu vùng xa, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, người chuyển giới... kết nối trực tiếp đến khách hàng, nhận phản hồi từ khách hàng, người trải nghiệm sản phẩm, giảm thiểu chi phí marketing, xây dựng thương hiệu; thúc đẩy tăng doanh số bán hàng...
Đến nay, qua 12 chương trình phát sóng, chương trình đã giới thiệu 12 gương mặt khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực: Chăm sóc sức khỏe, giáo dục, du lịch... thu hút hàng ngàn lượt tương tác, chia sẻ, tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Hàng trăm khách hàng đã có cơ hội được mua các sản phẩm giới thiệu trong chương trình với giá ưu đãi chưa từng có trên thị trường.
Chương trình được livestream hàng tuần trên phunuvietnam.vn, kênh YouTube của Báo PNVN, fanpage https://www.facebook.com/baophunuvn/
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn