Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9 năm 2019

22:47 | 05/09/2019;
Theo quy định mới từ tháng 9/2019, tất cả các quán Karaoke không được hoạt động sau 12 giời khuya, phạt nặng khi sử dụng xe công vào việc riêng hoặc sai mục đích được phê duyệt ban đầu...

9 loại bệnh truyền nhiễm nhóm B phải cách ly

Tại Thông tư 17/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/9, Bộ Y tế đề cập đến danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly:

Danh mục gồm 9 loại bệnh, trong đó có: Bạch hầu; ho gà; sởi; rubella; than; viêm màng não do não mô cầu; tay chân miệng; thủy đậu; quai bị.

benh-cach-ly.png
9 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly y tế 

Cũng theo Thông tư, đối tượng giám sát dịch bệnh là những người bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.

Tự ý cho thuê xe ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng 

Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/9, quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong nghị định nêu rõ, trường hợp cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Đồng thời phạt 20 triệu đồng trong trường hợp tự ý thanh lý xe ô tô công khi dự án kết thúc, chưa có quyết định phê duyệt.

Không xử lý hình sự với trường hợp trốn đóng bảo hiểm trước năm 2018 

Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết về Tội gian lận về bảo hiểm xã hội.

Theo đó, không xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018.

bhyt.png
Không xử lý hình sự với trường hợp trốn đóng bảo hiểm trước ngày 1/1/2018

Nếu chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Nếu đã xử phạt vi phạm hành chính mà bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Quán Karaoke chỉ được phép mở cửa đến 0 giờ sáng

Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường có hiệu lực từ 1/9/2019 quy định như sau: Để mở quán Karaoke thì diện tích phòng hát phải từ 20m2 trở, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát, nhân viên phải đeo bảng tên và bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh.

Đối với vũ trường thì diện tích từ 80m2 trở lên không kể công trình phụ; địa điểm vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200m trở lên.

Về thời gian hoạt động của quán Karaoke chỉ được phép hoạt động đến 0h sáng, các vũ trường được hoạt động đến 2h sáng. Cả hai dịch vụ này không được mở cửa trước 8h sáng.

krok.png
Các quán karaoke chỉ được hoạt động kinh doanh tới 12h khuya. Ảnh minh họa

Đăng ký doanh nghiệp qua mạng được miễn lệ phí từ 20/9/2019

Thông tư 47/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, trường hợp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí:

  • Lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) là 50.000 đồng/lần.
  • Lệ phí cung cấp thông tin doanh nghiệp cụ thể: Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh 20.000 đồng/bản; Cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp 40.000 đồng/bản; Cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp 150.000 đồng/báo cáo; Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp 100.000 đồng/lần…

Thù lao giáo viên dạy nghề sơ cấp tối đa 2 triệu đồng/người/buổi

Ngày 28/6/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40/2019/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài Chính quy định về việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng có hiệu lực từ 1/9/2019 như sau:

  • Giáo viên cơ hữu đang làm việc tại cơ sở đào tạo của nhà nước được áp dụng mức lương và các khoản trợ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện hành.
  • Người dạy nghề không thuộc trường hợp trên thì mức thù lao sẽ do thủ trưởng cơ quan đề xuất, tối đa không quá 2 triệu đồng/người/buổi.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định nếu người học là khuyết tật thì cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách ký hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh có Đề án tổ chức dạy nghề gắn với việc làm cho người khuyết tật và thanh toán, quyết toán theo số người khuyết tật thực tế học và mức chi phí đào tạo do cấp có thẩm quyền quy định.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp hệ số lương cao nhất đến 8,0

Ngày 26/9/2019, Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh và xã hội sẽ có hiệu lực.

Nội dung chính của Thông tư này là quy định về hệ số lương của viên chức giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể:

  • Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp: Hệ số lương từ 6,20 đến 8,00;
  • Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính: Hệ số lương từ 4,40 đến 6,78.
  • Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết: Hệ số lương 2,34 đến 4,98
  • Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành: Hệ số lương 2,10 đến 4,89.

3 nguồn kinh phí để tăng lương cơ sở đối với cơ quan hành chính Việt Nam có hiệu lực từ 6/9/2019

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Theo đó, nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương gồm:

  • Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 theo quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính;
  • Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương, không kể tiền sử dụng đất và tiền thu được từ xổ số kiến thiết thực hiện so với dự toán năm 2018 được giao;
  • 50% phần ngân sách Nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập…

Điều kiện chuyển từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm

Tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi từ Nghị định 35/2015/NĐ-CP về việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa, có quy định điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, như sau:

  • Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa…
  • Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp xã
  • Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản; độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn