Trong huyền sử về Lý Công Uẩn, có nói về lai lịch di tích đền Cẩu Nhi qua sách Tây Hồ chí. Sách này cho biết, miếu thờ thần Cẩu Nhi vốn nằm ở góc Tây Bắc hồ trên bến Châu. Nơi đây đời Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu.
Ngoài ra, trong các miếu thờ tại các làng quê Việt Nam hiện nay vẫn còn các bức tượng chó bằng đá như ở quần thể di tích chùa Phúc Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình; đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ (Đan Phượng); đền Hai Bà Trưng (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội)… Như vậy, có thể nói, trong văn hóa người Việt, việc thờ chó là có thực, tuy có rất ít tài liệu ghi chép lại.
Một trong những đặc điểm nổi bật ở chó là sự trung thành và lòng dũng cảm. Trong thực tế đời sống, kể cả Á Đông và Âu Mỹ có rất nhiều câu chuyện về những chú chó trung thành, hi sinh thân mình để cứu chủ. Có những câu chuyện được viết thành truyện, tiểu thuyết và dựng phim.
Nghệ thuật thứ bảy xây dựng hình ảnh những chú chó dũng cảm cứu người gặp nạn trong các bộ phim như phim hoạt hình “Những chú chó cứu hộ” rất được các em nhỏ háo hức chờ xem; phim truyện “Những chú chó dũng cảm” của đạo diễn Frank Marshall (Mỹ)…Tựu chung trong các bộ phim đó, hình ảnh các chú chó đều can đảm biết tự vượt qua khó khăn, nguy hiểm để tìm sự sống cho chính mình và cứu sống chủ.
Trong văn học, hình ảnh chú chó Bấc trong truyện “Tiếng gọi nơi hoang dã” nổi tiếng của nhà văn Mỹ Jack London (1876-1916) được xây dựng như là hình ảnh con người. Trong mối quan hệ với Thoóc-tơn, vị thế của Bấc cũng không thay đổi. Nó tự coi mình là một người bạn trung thành. Có lẽ điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt trong tình cảm của Bấc chính là cách nghĩ của Thoóc-tơn. Ông đã xem Bấc như là con mình và dùng tình cảm của người cha cư xử với con. Chính vì vậy, Bấc nhiều lần đã dũng cảm quên mình cứu Thoóc-tơn vượt qua những hiểm nguy trong điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Mỹ.
Cách đây không lâu, tôi tình cờ đọc được những chia sẻ cảm động trên một diễn đàn xã hội của một bạn có tên là Thắng. Câu chuyện Thắng kể khiến nhiều dân mạng không khỏi rơi nước mắt.
Trong một ngày giông bão, chú chó đã không ngần ngại cứu em trai của Thắng và bị sóng cuốn trôi. Sự ra đi của cún cưng khiến gia đình đau buồn như mất đi một thành viên. Biển mùa bão rất dữ dội, nguy hiểm. Lúc đó, Thắng đang lo chèn chống nhà cửa, nghĩ em trai và chú chó đang chơi trong phòng. Ai ngờ, cả hai ra ngoài biển lúc nào không hay. Có người chạy đến báo tin em trai Thắng bị ngã xuống biển, mẹ bủn rủn, còn anh vội lao ra. Tới nơi, sóng đã ngập tràn bờ. Em trai anh đang chới với, còn chú chó đang dùng hết sức lôi chủ vào bờ.
Lúc em Thắng lên bờ an toàn cũng là thời điểm "người bạn nhỏ" ra đi mãi mãi. Cả gia đình như chết lặng, òa khóc như mất đi một thành viên trong gia đình. Thắng cho biết anh đã gào khóc đến nỗi cổ họng đau rát, không thành tiếng. Chàng trai hối hận vì đã không cứu được chú chó, để sóng cuốn nó đi và không trông chừng em trai tốt hơn.