Lớp học ngày ấy
Cách mạng tháng Tám thành công chưa được lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, các cơ quan Trung ương phải chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Cuối năm 1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đưa ra chủ trương mở một trường đào tạo cán bộ báo chí cách mạng "Nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tuyên truyền báo chí trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi".
Trong bối cảnh lịch sử đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời. Năm 1949, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bộ Việt Minh chủ trương mở trường đào tạo cán bộ viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng và giao cho nhà báo Xuân Thủy triển khai thực hiện. Ban Giám đốc gồm 5 người: Nhà báo Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, chủ nhiệm báo Độc Lập, Giám đốc; Nhà báo Xuân Thủy, Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc, Phó Giám đốc; Nhà báo Như Phong, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc Liên khu X, Ủy viên Thường trực; Đồ Phồn, nhà văn, nhà báo, Ủy viên giám thị; Tú Mỡ, nhà thơ, nhà báo, Ủy viên đôn đốc; giao cho tòa soạn báo Cứu Quốc lo xây dựng trường sở, tổ chức đời sống vật chất (nhà báo Nguyễn Văn Hải phụ trách).
Trường đặt trên ngọn đồi thuộc thôn Bờ Rạ, nay thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 3 tháng (khai giảng ngày 4/4/1949, bế giảng ngày 6/7/1949, phải rút ngắn vì tình hình chiến sự) nhưng lớp học đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 lần gửi thư (ngày 9/6 và tháng 7/1949) để động viên tinh thần giảng dạy cũng như học tập của các giảng viên, học viên.
Để đào tạo nên một lớp nhà báo trẻ đầu tiên vững vàng về nghiệp vụ, kiên định trong lập trường chính trị, biết dùng ngòi bút làm vũ khí sắc bén đấu tranh, không thể không kể tới công lao của những người thầy trong buổi sơ khai ấy. Đó đều là những cái tên nổi tiếng hàng đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, dày dạn kinh nghiệm, am tường về nhiều lĩnh vực như: Đồng chí Trường Chinh dạy cách viết các thể loại xã luận, bình luận; Các nhà báo Xuân Thủy, Đỗ Đức Dục, Trần Huy Liệu, Quang Đạm, Nguyễn Thành Lê dạy về kỹ năng và các khâu làm báo; Giảng về chính trị có đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhà thơ Tố Hữu; giảng về đường lối, tuyên truyền do các đồng chí Lê Quang Đạo, Đào Duy Kỳ phụ trách; giảng về văn học, nghệ thuật: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Nam Cao...
Sau khi khóa học sắp kết thúc, ngày 22/6/1949, đồng chí Trường Chinh có một vài cảm tưởng ghi lại trong cuốn sổ vàng lưu niệm của trường như sau: "Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng là một thí nghiệm rất hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân".
Khóa học viết báo đầu tiên của trường gồm 42 học viên, phần lớn là những người đang làm báo cấp Trung ương và địa phương. Dưới sự giảng dạy, chỉ bảo tận tình của những người thầy, phần lớn các học viên khi ra trường đều công tác ở những cơ quan báo chí, trong đó có nhiều người sau này giữ nhiều trọng trách quan trọng trong nghề như: Nhà báo Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Nhà báo Ngô Tùng, nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động, Nhà báo Phạm Viết Thiệu, nguyên Tổng Biên tập báo Hòa Bình, Tạp chí Tuyên truyền, Nhà báo Lý Thị Trung, nguyên phụ trách đầu tiên báo Phụ nữ Thủ đô... Ở trong tâm thức họ, kỷ niệm về những người thầy luôn in sâu với những hình ảnh cao đẹp, mặc dù các thành viên của lớp học năm xưa phần lớn đã ra đi về cõi người hiền.
Học viên nữ Mai Cương (sau giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính) vui vẻ khi nhớ lại: "Trong lớp, chỉ có 3 nữ học viên đó là: Chị Phương Lâm, Lý Thị Trung và tôi. Cả 3 được ưu tiên ngồi bàn đầu ngay cửa ra vào. Chúng tôi rất thích ngồi ở đây vì khi bắt đầu vào học thường được các giảng viên bắt tay".
Còn với nhà báo Lý Thị Trung, 1 trong 3 học viên nữ của lớp, kỷ niệm về ngôi trường được bà nhớ đến từng chi tiết và những câu chuyện thú vị xung quanh quá trình học. Đó là những người bạn hài hước dí dỏm: "Trong lớp có chia các tổ, ông Trần Vũ (sau là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng) ở tổ 6 phải chuyển sang tổ 7 của tôi. Vị tổ trưởng tổ 7 này hay họp tổ nên ông Vũ ngán ngẩm đến nỗi vịnh thành thơ:
"Tổ 6 xa rồi tổ 6 ơi
Nhớ về tổ cũ nhớ chơi vơi
Mình sang tổ 7 lòng lạnh lắm
Khai hội quanh tuần chết mất thôi".
Tuy chỉ mở và đào tạo được một khóa trong thời gian ngắn nhưng nhờ sự dạy dỗ, truyền đạt kinh nghiệm tận tình của những người thầy, những nhà báo cách mạng hàng đầu đã đánh dấu thắng lợi bước đầu trên mặt trận tư tưởng, đào tạo báo chí, đặt nền móng cho sự phát triển của nền báo chí Việt Nam sau này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn