Một số người nói rằng đi tàu điện ngầm ở Seoul vào giờ cao điểm là một cơn ác mộng. Vào khung giờ này, không khó để bắt gặp hình ảnh các hành khách xô đẩy, chèn ép nhau vào một toa tàu đã chật cứng đến mức tưởng chừng không thể chen nổi thêm một ngón chân nào nữa. Đó là lý do mà những chuyến tàu này được người ta gọi với cái tên "chuyến tàu địa ngục".
Mức độ tắc nghẽn cực cao trên những chuyến tàu khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là sau sự cố 2 người bất tỉnh trên tuyến tàu Gimpo Gold từ thành phố Gimpo đến sân bay quốc tế Gimpo (quận Gangseo, thành phố Seoul) vào tháng Tư vừa qua.
Kể từ khi được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2019, tuyến tàu này đã ghi nhận hơn 150 báo cáo liên quan đến mức độ an toàn, bao gồm cả trường hợp người dân ngất trên toa tàu.
Theo Korea JoongAng Daily, chính quyền thành phố Gimpo không lường trước được vấn đề quá tải và thiết kế đường tàu chỉ có 2 làn. Trên thực tế, kế hoạch ban đầu là xây dựng tuyến tàu gồm bốn làn, nhưng áp lực về ngân sách đã khiến ý định này bị loại bỏ.
Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng hiện nay. Trong một thập kỷ qua, tổng số dân của thành phố Gimpo đã tăng hơn gấp đôi, từ 238.000 người (2010) lên 510.000 người (1/2023). Điều này làm gia tăng sự cạnh tranh đối với những người sử dụng tàu điện ngầm như phương tiện di chuyển chính.
Một nhân viên văn phòng 30 tuổi thường xuyên sử dụng tuyến tàu này để di chuyển từ nhà đến nơi làm việc cho biết: "Thật khó để lên Gimpo Gold Line trong giờ cao điểm. Thậm chí ngay cả khi đã lên được, tôi vẫn bị xô đẩy và ngạt thở".
Không giống như các chuyến tàu điện ngầm do chính phủ tổ chức điều hành, tuyến Gimpo Gold Line được quản lý bởi một công ty tư nhân và đây cũng được xem là một yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng tồi tệ của đoàn tàu.
"Vấn đề gần đây liên quan đến sự an toàn trên tuyến Gimpo Gold - một tuyến tàu điện ngầm tự động - phần lớn là do thiếu nguồn lực vì công ty tư nhân luôn cố để cắt giảm chi phí càng nhiều càng tốt", Kwak Sang-log, giáo sư khoa kỹ thuật đường sắt của Đại học Giao thông Vận tải Quốc gia Hàn Quốc cho biết. Ông cũng cho biết thêm rằng các công ty tư nhân thường không xem trọng việc đầu tư vào an toàn.
Ngay cả khi các nhà chức trách đã bổ sung thêm xe buýt chạy cùng tuyến vào tháng 5 vừa qua, số lượng hành khách sử dụng tàu điện cũng chỉ giảm 3,5% so với trước khi được bổ sung.
Không chỉ Gimpo Gold Line, nhiều tuyến tàu điện ngầm ở Seoul cũng đang phải đối mặt với tình trạng quá tải trong giờ cao điểm. Một ví dụ tiêu biểu là tuyến tàu số 9 do Seoul Metro Line Nine Corporation điều hành, với tỷ lệ tắc nghẽn trung bình lên đến 150%.
Theo chính quyền thành phố Seoul, tại Hàn Quốc, tàu điện ngầm là hệ thống giao thông được công chúng ưa chuộng nhất vào năm 2021. Trung bình mỗi ngày có đến 4,61 triệu lượt người đi tàu.
Lý do chủ yếu dẫn đến sự yêu thích này có thể bởi vì mạng lưới tàu điện rộng khắp Seoul. Có khoảng 23 tuyến tàu điện ngầm khác nhau đi đến mọi nơi trong thành phố, thậm chí kéo dài sang các khu vực đô thị lân cận như Incheon và Gyeonggi.
Mạng lưới này bao gồm các tuyến từ số 1 đến số 9, ngoài ra còn có các tuyến khác như Bundang, Gyeongui, Shinbundang, Suin, Jungang, Gyeongchun và Airport Express. Tàu điện thuộc các tuyến này hầu hết đều hoạt động từ 5:30 sáng đến tận nửa đêm hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào các ngày trong tuần.
Bỏ qua những thông tin tiêu cực về vấn đề an toàn, hệ thống tàu điện ngầm ở Seoul vẫn được xem là một trong những phương tiện di chuyển công cộng tốt nhất trên thế giới, đặc biệt là về cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ.
Trong danh sách hệ thống tàu điện ngầm tốt nhất thế giới do nhà phát triển bất động sản Essential Living (London) tổng hợp, tàu điện ngầm Seoul đã vươn lên chiếm vị trí đầu tiên. Yize Huang, một sinh viên Trung Quốc 22 tuổi, cho biết: "Tôi nghĩ rằng một trong những tính năng tốt nhất của tàu điện ngầm Seoul là hệ thống chuyển tuyến. Thật ngạc nhiên khi biết rằng chúng tôi không phải trả thêm tiền để di chuyển từ tàu điện ngầm sang xe buýt và ngược lại".
Việc di chuyển không tốn phí như trên được gọi là hệ thống chuyển giao (hay hwanseung trong tiếng Hàn) giúp giảm tổng chi phí giao thông công cộng trong cả nước. Đối với khu vực Seoul, hành khách không cần trả toàn bộ tiền cho mỗi chuyến đi mà thay vào đó, họ chỉ phải trả thêm một khoản rất ít (khoảng 100 KRW, tương đương 1,8 nghìn đồng) nếu di chuyển sang phương tiện giao thông công cộng khác trong vòng 30 phút kể từ khi rời khỏi phương tiện trước đó.
Giá vé cơ bản để đi tàu điện ngầm ở Seoul là 1.250 KRW (tương đương 23 nghìn đồng) nếu thanh toán bằng thẻ giao thông hoặc thẻ tín dụng. Trong khi đó, giá vé thông thường tại Tokyo (Nhật Bản) sẽ bắt đầu từ 180 JPY (tương đương 30 nghìn đồng) cho 6km đầu tiên, theo Tokyo Metro. Nhìn chung, mặc dù đắt hơn so với mức giá 3 nhân dân tệ (khoảng 9,8 nghìn đồng) tại Trung Quốc, giá tàu điện ngầm Hàn Quốc vẫn rẻ hơn nhiều so với Nhật Bản.
Tuy nhiên, chính giá cả phải chăng cũng là một gánh nặng đối với thành phố khi chính quyền liên tục thua lỗ. Seoul Metro, công ty vận hành hầu hết các chuyến tàu điện trong thành phố, đã phải đối mặt với khoản nợ gần một nghìn tỷ KRW trong hai năm qua. Chính quyền thành phố đã thông báo rằng họ sẽ tăng giá vé tàu thêm 300 KRW vào tháng Tư, nhưng động thái này đã bị đẩy sang nửa cuối năm.
"Đối với tôi, điều bất ngờ nhất là có rất nhiều cửa hàng bán quần áo và phụ kiện giá rẻ trên dọc tuyến đi của tàu điện ngầm", một công dân Hàn Quốc từng sinh sống tại nước ngoài cho hay. Theo Korea JoongAng Daily, trung tâm mua sắm lớn nhất cả nước là Goto Mall có mặt ở các tuyến tàu điện ngầm Seoul số 3, 7, 9 và Express Bus Terminal Station (Trạm xe buýt tốc hành).
Ngoài ra, khi lên tàu, hành khách cũng có thể lựa chọn toa với các mức điều hòa khác nhau, những người cảm thấy lạnh có thể lên các tòa có điều hòa hoạt động yếu hơn. Hầu hết các tuyến tàu đều có hai toa cung cấp điều hòa yếu và được dán nhãn thông báo.
Đối với những người cần hỗ trợ khi di chuyển, chẳng hạn như người lớn tuổi và trẻ em, sẽ có chỗ ngồi dành riêng cho họ. Khoảng 30% số ghế trên tàu sẽ được sử dụng để phục vụ cho những đối tượng đặc biệt như vậy, bao gồm cả phụ nữ có thai.
Chưa hết, độ phủ sóng của Internet trên tàu điện ngầm cũng là một trong những yếu tố được người sử dụng đánh giá cao. Dịch vụ WiFi công cộng đã có mặt trên các tuyến tàu từ năm 2011.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn