Những cô gái bán mình vì nợ gia đình ở Myanmar

14:40 | 19/07/2017;
Để thanh toán nợ nần vì đói nghèo, bệnh tật, nhiều gia đình không có cách nào khác là để con gái họ trở thành gái mại dâm.
Ngôi nhà sàn tạm bợ được kê bằng 3 tấm ván trên một dòng kênh hôi thối ở ngoại ô Yangon, Myanmar, là nơi cả gia đình 9 người của bà Than Than Htwe sống chen chúc. Tài sản lớn nhất trong nhà là chiếc ti vi giờ đây cũng không còn nữa vì nó đã được mang đến một tiệm cầm đồ gần đấy để lấy một ít tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. 

Hai con trai của bà Htwe làm nghề đạp xích lô kiếm khoảng 3,7USD/ngày (tương đương 80 nghìn đồng/ngày), con rể bà làm các công việc thời vụ nhưng công việc lúc có lúc không. Chồng bà trước đây thường chở nước uống cho những người dân trong khu vực nhưng sau đó ông ngã bệnh. Vì lo thuốc thang cho chồng, bà phải đi vay “nóng” 30USD (tương đương 660 nghìn đồng).

mai-dam.jpg
Khi chồng và cha của Ma Ei Pyi qua đời, cô không còn cách nào khác là trở thành gái bán dâm để giúp gia đình thoát khỏi cảnh nợ nần. 


Với số tiền đó, mỗi ngày bà phải trả 1,48USD tiền lãi (tương đương 30 nghìn đồng). Bà trả ròng rã hơn 1 năm nay vẫn chưa hết món nợ. Bà nói: “Tôi luôn sống trong cảnh bất an. Buổi sáng khi mặt trời ló rạng, tôi sợ mình sẽ phải đi mượn thêm tiền. Đến chiều tối, tôi lại lo không biết lấy tiền đâu để trả nợ. Và khi màn đêm buông xuống, tôi lại tiếp tục lo lắng cho ngày mai. Tôi không thể nào ăn ngon ngủ yên khi nghĩ đến món nợ của mình. Hàng xóm ai cũng xa lánh tôi vì họ sợ tôi mượn tiền”.

Đói nghèo, bệnh tật, không có việc làm ổn định buộc những người nghèo như bà Htwe phải đi vay tiền với mức lãi suất 5%-30%/tháng để giải quyết những nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Nhiều gia đình ban đầu chỉ vay 30-40 USD nhưng sau đó phải gánh những món nợ cộng dồn lãi suất lên đến 300-400 USD. Để thanh toán nợ nần, nhiều gia đình không có cách nào khác hơn là để con gái họ trở thành gái mại dâm.

Liều mình để trả nợ

Ma Ei Pyi là một trường hợp như vậy. Trước đây, cô làm nghề buôn bán rau cải, chồng cô kiếm sống bằng nghề đánh cá nên cuộc sống gia đình cũng đắp đổi qua ngày. Tai họa ập đến khi chồng cô bị nạn và qua đời, cô trở thành lao động chính nuôi cả gia đình gần chục người gồm mẹ già, 3 đứa con, các em nhỏ.

a2.jpgKhông có tiền trả nợ, nhiều gia đình đành phải “bán” con gái đi để trả nợ. Ảnh: Al Jazeera

Khi cha cô qua đời, tiền bạc trong nhà đã cạn kiệt, cô phải đi vay tiền để làm đám tang cho cha. Từ đó về sau, do không kham nổi mức lãi suất 5%/ngày, cô đã nghe theo lời dụ dỗ của một người hàng xóm trở thành gái bán dâm.

Mỗi lần tiếp khách, Pyi kiếm được 7-11 USD, số tiền gấp 3 lần mức lương trung mình của một công nhân làm việc trong nhà máy may mặc. Tuy nhiên, đây là một công việc phạm pháp nên cô thường bị cảnh sát truy đuổi, trấn lột tiền bạc, thậm chí phải “phục vụ” họ miễn phí nếu như không muốn bị bắt.

Ngăn dòng nước mắt chực trào ra, cô nói: “Tôi không còn cách nào khác hơn là trở thành gái mại dâm. Chỉ có cách đó tôi mới có tiền trả nợ và nuôi các con tôi”. Giờ đây, để an toàn, cô phải làm việc với những người dắt mối trung gian, ngược lại cô sẽ trả cho họ một ít tiền.

1_70855.jpg
Con gái bà Than Than Htwe, 14 tuổi, phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ trông cháu vì gia đình nghèo khó, nợ nần. Ảnh: Al Jazeera


Bà Aye Winn Sann, một người làm nghề cho vay nặng lãi, nói rằng lý do bà nâng mức lãi suất lên cao là để bù trừ cho những trường hợp giật nợ bỏ trốn. Dù hành nghề trái phép nhưng bà tin rằng, tiền của bà đã giúp những con nợ giải quyết những bế tắc trong cuộc sống của họ. Trong khi đó, bà luôn phủ nhận chuyện các cô gái sa chân vào con đường lầm lỗi hay trẻ con phải nghỉ học vì những món nợ trả hoài không hết của bà.

Lối thoát
 
Để mở tiệm chăm sóc sắc đẹp, bà Win Win Moe đã bấm bụng vay 73USD với mức lãi suất 20%/ tháng. Sau đó, việc làm ăn ế ẩm, lại phải chạy vạy trả tiền lãi mỗi ngày, đã có lúc bà tính đến chuyện cho con gái nghỉ học.

Tuy nhiên, từ khi được giới thiệu tham gia Tổ góp vốn xoay vòng của phụ nữ, bà không chỉ mượn được tiền trả nợ vay nặng lãi mà còn nâng cấp các dịch vụ làm đẹp của mình. Con gái bà được tiếp tục đi học và đến nay sắp hoàn thành chương trình đại học.

Hiện nay, ở Myanmar có 80 tổ góp vốn xoay vòng như thế, góp phần giúp 4.000 phụ nữ thoát khỏi nợ nần hoặc có vốn để cải thiện kinh tế gia đình. Mỗi thành viên tham gia đóng góp 2,34USD/tuần. Sau 3 tháng, họ được quyền mượn tiền với mức lãi suất thấp, khoảng 2,5%/tháng. Tuy nhiên, những tổ góp vốn xoay vòng như thế chỉ như muối bỏ biển so với nhu cầu thực tế.

Trong bóng chiều buông xuống, bà Htwe lại tất tả đi vòng quanh xóm xem có ai cho mượn tiền không. Bà khổ sở nói: “Tôi không muốn vay tiền của bọn cho vay nặng lãi nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn