Có người đi tìm câu trả lời bằng cách cố nhớ và liệt kê ra các việc đã làm gần đây để xem mình có sai sót, vi phạm gì không? Này nhá, vẫn đi làm về đúng giờ, tự nguyện đón đưa con cái đi học đầy đủ, không nhậu nhẹt bê tha, không tiêu xài hoang phí, chu toàn trách nhiệm với gia đình chồng/vợ, không quên mua quà tặng kỷ niệm sinh nhật, ngày cưới, ngày lễ… Nhờ thế, mới hôm qua còn được khen nhưng sao bây giờ chàng/nàng lại tỏ thái độ không hài lòng?
Câu hỏi đó là một “ca” khó giải quyết nhất trong các tình huống hôn nhân gia đình. Tôi dám quả quyết thế, bởi nhiều người tâm sự: “Gay quá đi mất. Chẳng hiểu tại sao dạo này ông xã/bà xã mình trở chứng trái nết, động một chút là cằn nhằn nọ kia vì những chuyện mà mình không ngờ tới”. Chẳng hạn, chuyện như thế nào? Anh Giang, bạn tôi, kể: “Hôm qua, vợ tớ nằng nặc không ăn cơm nhà, đòi ra quán. Tớ hồi hộp chẳng rõ có chuyện gì vì mấy hôm nay vợ chồng vẫn vui vẻ. Vừa ngồi xuống ghế, nàng bảo: “Anh dạo này quá quắt lắm, chịu hết xiết rồi, nếu anh muốn chia tay, em sẵn sàng”.
Nghiêm trọng rồi, tôi tò mò: “Chuyện gì vậy? Bị vợ bắt quả tang lúc dẫn bồ bịch vào khách sạn à?”. Giang cười buồn mà rằng: “Có cho tiền, tớ cũng chả dám. Này nhá, nàng bảo: “Hôm nọ, tại sao anh chở cô bạn gái của em về tận nhà? Trước mặt em, anh dám thế, vậy sau lưng em còn đến chuyện gì nữa?”. Tớ ngạc nhiên và cãi, chính em bảo anh làm vậy chứ”. Lập tức, cô vợ gào lên: “Đúng thế, nhưng anh phải hiểu ý của em chứ!”.
Trời, không nói ra mà buộc “người kia” phải hiểu. Khó quá! Nếu lúc ấy, Giang kiếm cớ từ chối phắt, làm trái ý vợ thì “được việc”. Đằng này, anh lại ngoan ngoãn chấp hành, cứ tưởng ý vợ muốn thế nên mới rắc rối cái sự đời.
Kiểu nói một đường nhưng thực ra suy nghĩ lại một nẻo của vợ khiến không ít ông chồng chóng mặt (Ảnh minh hoạ)
***
Có những người dù nói ra điều mình không thích; hoặc thích nhưng vẫn muốn vợ/chồng phải ngầm hiểu và có cách cư xử đúng theo ý họ. Chị Tuyết, đồng nghiệp cùng cơ quan với tôi, kể lại mẩu chuyện này nghe cũng ngồ ngộ. Ngày nọ, vợ chồng chị đi dự đám cưới. Ngồi chung bàn với những người không quen biết, theo phép lịch sự, chị đon đả mời cầm đũa, thỉnh thoảng gắp thức ăn cho người này, người kia. Chị muốn tỏ ra thân thiện với mọi người. Lúc ấy, anh chồng gật gù tỏ ý tán thành, chẳng một thái độ ngăn cản, chẳng một lời phàn nàn. Tới khi về nhà, anh cằn nhằn: “Hay hớm thật, ra ngoài đường, hết quan tâm người nọ tới người kia”. Nghe lạ tai, chị bèn hỏi: “Ơ hay! Lúc nãy anh đâu có cằn nhằn gì?”. Chồng lên giọng: “Không nói ra nhưng cũng phải hiểu ý. Anh chỉ muốn em quan tâm đến anh thôi. Người ta thì mặc kệ”.
***
Mấy hôm nay trong cơ quan tôi, nhiều đồng nghiệp bàn tán rôm rả chuyện cô nhà văn nọ cho rằng, đại khái, đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn. Mỗi người một ý kiến, ai cũng có cái lý riêng. Sau khi tan sở, về nhà, tôi đem câu chuyện này ra “tám” với vợ. Nghe tôi nói chưa hết câu, nàng đã nghiêm mặt: “Anh tốt lắm, gương mẫu lắm, tuyệt vời lắm. Ai chẳng biết thế. Nếu cô nhà văn đó hay chuyện anh đối xử với em thì chẳng biết nên gọi anh là con gì nữa!”. Tôi đùng đùng tự ái: “Em nói thế là thế nào?”. Nàng hỏi: “Anh có nhớ, ngày em bị ốm, anh đã làm gì không?”.
Quả thật tôi không nhớ. Sau đó nàng mới nhắc lại. Bữa ấy, do công việc bận tối mắt tối mũi nên tôi vội vội vàng vàng mua hộp cơm đem về. “Lúc ấy, anh bảo ngồi dậy ăn, em có càm ràm gì đâu!”. Nàng cau mặt: “Người ta bệnh, anh không biết nấu cho miếng cháo mà mua hộp cơm. Nhai trệu trạo cả quai hàm. Thế mà lâu nay anh nói yêu em nhất trên đời. Có đáng tin không?”. Tôi giật thót vì câu kết luận quá bất ngờ nên vò đầu bứt tai: “Sao lúc đó em không nói để anh biết mà chiều theo ý em?”.
Không ai sinh ra đã đọc được suy nghĩ của người khác nên tốt nhất hãy nói thẳng những điều mình muốn (Ảnh minh hoạ)
Trong trường hợp tương tự, có lẽ nhiều người cũng thốt lên sự ngạc nhiên đó. Cứ tưởng mọi việc diễn ra bình thường vì mình đã làm tròn vai trò, biết chăm sóc nhưng than ôi, làm sao biết “nửa kia” lại nghĩ khác, nếu họ không nói ra? Vì thế, nhiều người khó lý giải vì sao đã làm tốt mọi điều (như mình nghĩ) nhưng vẫn bị cằn nhằn, chẳng rõ nguyên cớ từ đâu. Vậy nên họ không tránh khỏi cảm giác oan ức, không “tâm phục khẩu phục”.
Có thể thấy rằng, dù không nói nhưng đòi hỏi “người kia” phải hiểu ý, thật ra khó quá. Chi bằng khi không hài lòng chuyện gì, cứ khéo léo hoặc tế nhị nhắc nhở để “nửa kia” kịp thời khắc phục, há chẳng tốt hơn sao?