Khi Koh Eun Ae 8 tháng tuổi, cô được hai người Mỹ da trắng nhận nuôi từ quê nhà ở Hàn Quốc. Qua một đêm, cô có thêm một cặp cha mẹ yêu thương, 3 anh trai và một chị gái. Cô trải qua thời thơ ấu và tuổi thiếu niên lớn lên ở vùng nông thôn Illinois, cách Chicago khoảng 3 tiếng rưỡi lái xe về phía nam, không xa những cánh đồng đậu tương và ngô. Thời điểm đó, các anh chị cô (đều là con ruột) đã lớn và có gia đình riêng.
Phải đến một thập kỷ sau, khi cha mẹ nhận nuôi đứa con thứ hai đến từ Trung Quốc, Koh mới nhìn thấy một người nào đó trông giống mình ở nhà.
Koh, hiện là một nghệ sĩ khoảng 30 tuổi ở Washington, D.C., cho biết: "Khi lớn lên, tôi thực sự chỉ tiếp xúc với những người da trắng. Môi trường toàn người da trắng là hình ảnh thị trấn của tôi, là hình ảnh trường học của tôi, là hình ảnh gia đình tôi. Không có tiếp xúc với bất cứ điều gì liên quan đến Hàn Quốc cả. Tôi luôn cảm thấy khác biệt".
Koh không hề đơn độc. Sau làn sóng nhận con nuôi châu Á ở Mỹ vào những năm 90, nhiều trẻ em trong số này hiện ở độ tuổi 20 và 30 và đang phải đối mặt với những tác động về sức khỏe tâm thần khi lớn lên trong những gia đình da trắng không giống họ và không thể hướng dẫn họ vượt qua trải nghiệm độc đáo của một người da màu ở Mỹ.
Ngày nay, họ đang tìm kiếm niềm an ủi trong chính cộng đồng của mình và đang nỗ lực tạo ra những hệ thống mới có thể giúp những người nhận con nuôi đa văn hóa trong tương lai đi trên con đường dễ dàng hơn.
Theo Refinery29, làn sóng này dường như bắt đầu từ khi chính phủ Hàn Quốc đơn giản hóa việc nhận con nuôi giữa các quốc gia từ năm 1981 với hy vọng tăng tỷ lệ xuất cư, sau đó là khi chính phủ Trung Quốc triển khai chương trình nhận con nuôi quốc tế 10 năm sau đó.
Mặc dù Koh rất thương cha mẹ mình vì đã mang đến cho cô một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng điều đó không xóa được nhiều khó khăn vô hình mà cô đã trải qua khi lớn lên ở Mỹ. Cô nhớ lại việc bị bắt nạt và sỉ nhục chỉ vì ngoại hình khác biệt,
Hơn nữa, vì cha mẹ và các nhà giáo trong quá khứ của Koh không được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho hoàn cảnh của cô, việc đó khiến cô dần hình thành thói quen nhẫn nhịn trong âm thầm, ngừng đứng lên vì bản thân, trở nên nhỏ bé, im lặng.
Điều tồi tệ hơn là gia đình và bạn bè của cô khẳng định rằng họ không thấy cô ấy có gì khác biệt so với họ. Đối với Koh, điều đó cũng chẳng khác gì việc họ nói rằng họ bị mù màu.
Cô nói: "Trải nghiệm đó như xóa bỏ di sản của tôi, một điều gì đó mà tôi nên xấu hổ. Tôi cảm thấy mình chỉ có thể hòa nhập nếu tôi giả vờ là một người khác. Khi bạn còn là một đứa trẻ, tất cả những gì bạn muốn làm là bắt chước những người mà bạn nhìn thấy. Tôi nhớ mình đã khóc và nghĩ rằng tất cả những gì tôi muốn là có tóc vàng và mắt xanh".
Khi Koh nhận được những lời lẽ phân biệt chủng tộc kiểu như "trở về đất nước của mình đi", thì cảm giác chỉ càng thêm bối rối. Về đâu? "Tôi cảm thấy mình không đủ Mỹ… hoặc không đủ Hàn Quốc. Tôi đã ở trong một vùng đất không người, một luyện ngục".
Khi Madeline Macrae, một quản lý truyền thông xã hội 22 tuổi ở Urbana, Illinois, được nhận vào một gia đình người da trắng miền Trung Tây ở độ tuổi "chưa kịp mọc răng", cô chỉ nhận ra mình "khác biệt" khi những người khác bình luận, "Đó có thật là cha mẹ của bạn không?". Cha mẹ cô có ba người con ruột đã lớn và họ nhận nuôi cô cùng 2 bé gái khác từ khắp Trung Quốc khi cả ba còn nhỏ.
Macrae nói: "Tôi không cảm thấy đủ đầy ở bất kỳ khía cạnh nào. Và đôi khi tôi tự hỏi liệu mình có làm tổ tiên Trung Quốc thất vọng vì thậm chí không thể nấu cơm hay không. Hoặc khi ai đó nói với tôi rằng tôi "quá trắng"
Đối với Radhika Eicher, 26 tuổi, được nhận nuôi từ Ấn Độ lúc 17 tháng tuổi, câu chuyện cũng giống như vậy. Cô ấy cũng lớn lên ở Rapid City, Nam Dakota, phần lớn là người da trắng, trong một gia đình da trắng (cùng với một người anh trai, cũng được nhận nuôi từ Ấn Độ), và hiếm khi gặp những người da màu khác.
"Lớn lên thật khó khăn. Tôi từng ghét màu da của mình, tôi luôn che đậy nó", cô nói. "Tôi từng ghét mọi thứ liên quan đến Ấn Độ, tôi từng ghét cái tên của mình, tôi từng ghét chính bản thân mình. Tôi vẫn đang hồi phục". Nỗi oán hận không chỉ dành cho mảnh đất sinh thành của cô, mà cả người mẹ ruột của cô. "Theo cách tôi từng nhìn nhận, bà ấy đã bỏ rơi tôi". Eicher nói thêm rằng cha mẹ cô thậm chí không nhận ra cảm giác của cô cho đến gần đây, một phần vì cô không đủ ngôn ngữ để diễn tả điều đó khi còn nhỏ và không nghĩ rằng họ có thể hiểu được.
Năm 12 tuổi, Eicher được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, trầm cảm và lo âu, rồi sau khi gặp bác sĩ trị liệu, cô bắt đầu vượt qua tổn thương khi làm con nuôi và cảm xúc của mình đối với mẹ ruột, thậm chí bắt đầu cuộc tìm kiếm bà nhiều năm sau đó. Mặc dù việc đi khám bác sĩ và uống thuốc không phải là lựa chọn của Eicher, nhưng cô nói rằng điều đó đã tạo ra sự khác biệt đáng kể, đặc biệt là giúp hạn chế ý định tự tử. Tuy nhiên, đó là một quá trình khó khăn và diễn ra hàng ngày.
Koh cũng cảm thấy lo lắng và trầm cảm khi lớn lên rồi phải dùng tới thuốc. Chỉ đến trường thôi đã khiến cô cảm thấy vô cùng lo lắng. Khi còn nhỏ, không có ai khiến cô cảm thấy thoải mái khi bày tỏ những cảm xúc đó.
Về phần mình, Macrae thỉnh thoảng cảm thấy "buồn bã", nổi cơn ghen tuông khi nhìn thấy bạn bè của mình có gia đình "bình thường, ruột thịt", hoặc khi không biết mẹ ruột có tự hào về mình không. Mọi thứ thay đổi khi cô gặp một nhóm con nuôi gốc Á trong học kỳ cuối đại học, và tất cả những cảm xúc này được giãi bày và lần đầu tiên được chứng thực.
Đối với nhiều người con nuôi đa văn hóa, một sự cứu rỗi tinh thần khác là tìm kiếm cha mẹ đẻ của họ, và khám phá quê hương và văn hóa của họ. Sau sự gia tăng gần đây của nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực chống người gốc Á ở Mỹ do đại dịch thổi bùng, Koh cho biết cô không thể không nhận thấy điều đó tác động đến cô nhiều như thế nào, và nó đã châm ngòi cho một ngọn lửa.
Cô bắt đầu chấp nhận rằng mình khác biệt, và điều đó có nghĩa là tìm hiểu thêm về nơi cô sinh ra - bắt đầu bằng nhiều chuyến đi đến Hàn Quốc. Mặc dù quá trình này là một công việc khó khăn và tốn kém, nhưng nó cũng mang lại nhiều bài học đến kinh ngạc.
"Vẫn còn một chặng đường dài phía trước; Tôi sẽ làm mọi thứ có thể và cố gắng tìm cha mẹ mình", cô nói. "Tôi đang cảm thấy tốt hơn nhiều so với trước đây, bằng cách quên đi những diễn giải độc hại khi mình làm con nuôi, chẳng hạn như 'hãy biết ơn cuộc sống mà bạn có' hoặc 'tại sao phải tìm kiếm câu trả lời khi bạn đã có một gia đình tốt'".
Hiện nay, Koh đã có một con trai và con gái của riêng mình. Cô nỗ lực để các con không bao giờ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng danh tính giống như cô từng trải qua. Các bé tham gia các bài học tiếng Hàn và vào Ngày lễ tình nhân, con trai cô đã vẽ một lá cờ Hàn Quốc lên hộp thư của mình.
"Tôi đã tìm thấy rất nhiều sự chữa lành khi các con tôi rất tự hào là người Hàn Quốc", cô nói. "Các con sẽ không bao giờ phải lo lắng về thế nào là 'đủ đầy'".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn