Căng thẳng giữa hai “ông lớn”
Một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có vẻ như khó thành hiện thực với những diễn biến leo thang mới nhất trong cuộc thương chiến dai dẳng đang diễn ra giữa hai siêu cường kinh tế này. Căng thẳng giữa hai “ông lớn” được dự báo khó mà đi đến hồi kết khi Trung Quốc tiếp tục khăng khăng bảo vệ lập trường quan điểm “không nhượng bộ trước áp lực” cũng như “không vội vàng cho một thỏa thuận thương mại”. Chưa kể tới việc nước này còn tiếp tục theo đuổi đến cùng các vụ kiện pháp lý chống lại chiêu bài áp thuế của Mỹ khi đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dù không công bố chi tiết về vụ kiện pháp lý nhưng Trung Quốc cho biết thuế quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến 300 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Theo quy định của WTO, Mỹ có 60 ngày để cố gắng giải quyết tranh chấp mới nhất. Sau đó, Trung Quốc có thể yêu cầu WTO xét xử, tuy nhiên quá trình có thể sẽ mất vài năm. Nếu Mỹ bị kết luận vi phạm các quy tắc, Trung Quốc có thể giành được sự chấp thuận của WTO để thực hiện các biện pháp trừng phạt thương mại. Đây là lần thứ 3 Trung Quốc nộp đơn kiện lên WTO để tổ chức này xem xét các giới hạn mức thuế mà mỗi nước có thể áp dụng. Điều khiến Trung Quốc bị chỉ trích là dù kiện Mỹ nhưng chính Bắc Kinh cũng đáp trả Washington bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ mà không cần sự chấp thuận của WTO. Việc Trung Quốc gửi đơn kiện Mỹ lên WTO được cho là “đổ thêm dầu vào lửa” cho những căng thẳng hiện nay trong khi cả 2 bên vẫn chưa thống nhất lịch trình đàm phán thương mại tiếp theo trong tháng 9 này tại Washington.
Ông Manuel Perez-Rocha - Chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách Mỹ, đã đưa ra định nghĩa trên tạp chí Fortune rằng: Chiến tranh thương mại là khi một quốc gia áp thuế hay những rào cản khác dành cho những sản phẩm nhập khẩu, khiến cho các quốc gia khác trả đũa bằng cách áp dụng những mức thuế hay các biện pháp trừng phạt tương tự. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một điển hình mới về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và quan điểm chống toàn cầu hóa. Việc đó đang đe dọa làm chậm lại những tiến bộ toàn cầu về xóa đói, giảm nghèo cũng như cải thiện an ninh lương thực, có thể tác động xấu tới cuộc sống của hàng trăm triệu người tại các nước đang phát triển.
Những xung đột thảm khốc khác
Trước chiến tranh thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã trải qua nhiều xung đột với nhiều nước và châu lục làm tác động không chỉ tới kinh tế của các nước liên quan mà một số trường hợp còn ảnh hưởng tới cả tình hình chính trị, ngoại giao toàn cầu. Là nhà nghiên cứu lịch sử thương mại, ông Paul Krugman cũng đã nhắc lại 3 cuộc chiến thương mại trong quá khứ, đồng thời khẳng định cuộc chiến nào cũng kết thúc bằng một hậu quả thảm khốc.
Những năm sau nội chiến ở Mỹ khi đảng Cộng hòa nắm giữ ghế Tổng thống, đảng này đã tự hào là đảng của sự bảo hộ về kinh tế. Mỹ đã bãi bỏ hiệp ước có đi có lại với Canada vào năm 1866. Theo đó, Canada đã tìm cách trả đũa nước láng giềng phía Nam của mình. Năm 1879, Canada đã đưa ra chính sách bảo hộ của quốc gia mình thông qua tăng thuế. Một số công ty Mỹ như Singer Manufacturing, American Tobacco, Westinghouse và International Harvester đã quyết định chuyển sản xuất của mình sang Canada thay vì phải nộp thuế nhập khẩu cao. Cuối những năm 1880, 65 nhà máy của Mỹ đã di chuyển sang Canada. Các căng thẳng thương mại đã đạt đến đỉnh điểm năm 1890. Đảng Cộng hòa khi đó nắm quyền điều hành các cơ quan hành pháp và lập pháp đã thông qua chính sách bảo hộ McKinley Tariff. Hậu quả là xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang Canada đã giảm một nửa từ năm 1889 đến năm 1892. Khi Mỹ thông qua chính sách bảo hộ thậm chí còn mạnh hơn - Dingley Tariff năm 1897 thì Canada đã quyết định đáp trả bằng cách tăng gấp đôi các khoản thuế và thắt chặt quan hệ thương mại với Anh hơn là với Mỹ. Vì thế, phải mất gần một thế kỷ để tự do thương mại giữa Hoa Kỳ và Canada có thể phát triển.
Các cuộc chiến thương mại không dừng ở cuối thế kỷ XIX. Các cuộc chiến thương mại đã diễn ra sau khi đảng Cộng hòa thông qua Dự luật thuế Smoot Hawley thành luật năm 1930, tăng thuế đánh vào hơn 20.000 sản phẩm. Chính người Italy đã phản ứng dữ dội với chính sách bảo hộ Smoot-Hawley của Mỹ. Những chiếc ô tô do Mỹ sản xuất đã không thể xuất hiện trên các đường phố của Italy. Tháng 6/1930, thủ tướng Italy Benito Mussolini đã thề rằng “Italy sẽ bảo hộ theo cách riêng”. Các mức thuế đối với hàng hóa của Mỹ tăng lên và tổng xuất khẩu của Mỹ sang Italy giảm từ 211 triệu USD năm 1928 xuống còn 58 triệu USD vào năm 1932. Thậm chí, sự giận dữ của Italy còn được đẩy lên cao hơn khi họ quyết định ký hiệp định thương mại với Liên bang Xô viết tháng 8/1930 và một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau hai năm sau đó. Nhà kinh tế Paul Krugman, chuyên gia phân tích kinh tế của tờ The New York Times cho rằng, mặc dù Đạo luật thuế Smoot-Hawley không gây ra Đại suy thoái nhưng các cuộc chiến tranh thương mại quốc tế đã đóng một vai trò quan trọng “trong việc ngăn chặn phục hồi thương mại khi sản xuất phục hồi”.
Theo các chuyên gia, nếu sắp tới có một cuộc chiến thương mại toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ sẽ mất nhiều thứ hơn so với cuộc xung đột hiện tại với Trung Quốc. Hiện Tổng thống Donald Trump tiếp tục có lời lẽ cứng rắn chống lại EU dù đang tập trung vào việc áp thuế Trung Quốc trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, vào tháng 11 tới, chính quyền của ông Trump sẽ quyết định có nên áp thuế đối với một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất ở châu Âu là ô tô hay không. Hiện đã có thuế đối với thép và nhôm đến từ châu Âu khiến khối liên minh này trả đũa bằng mức thuế 25% đối với 2,8 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ tháng 6/2018. Mỗi khi Mỹ đe dọa để áp thêm các khoản thuế, EU lại lập ra các danh sách hàng hóa khác nhau để cho thấy họ có thể “đáp trả” Nhà Trắng như thế nào.
Theo nhà kinh tế học Florian Hense, thương mại giữa EU-Mỹ là quan trọng nhất vì đó là dòng chảy thương mại song phương lớn nhất trên thế giới. Nếu tính kim ngạch xuất nhập khẩu về hàng hóa và dịch vụ thì thương mại song phương Mỹ-EU đã vượt hơn 70% so với những gì mà Mỹ và Trung Quốc đạt được năm 2018. Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho thấy, năm 2018, Mỹ đã nhập 683,9 tỷ USD hàng hóa EU và 557,9 tỷ USD từ Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu là 574,5 tỷ USD và sang Trung Quốc chỉ có 179,2 tỷ USD.