Những 'cuộc xung đột' gay gắt vì tiền

10:36 | 25/09/2015;
Vừa nghe vợ nhắc đến tiền, chồng Giang thoắt thay đổi thái độ. Đang vui vẻ anh đùng đùng giận dữ bỏ đi, hoặc là tìm cách gây sự lại, hoặc là im im, mặt lầm lì cả tuần không hết…
Chiều cuối tuần, Giang có chút thời gian rảnh đi cà phê, “tám” chuyện với cô bạn cũ. Sau khi “trên trời dưới biển” các chuyện về tình bạn, kỷ niệm, công việc, mua sắm, thú chơi… thì sau cùng, đề tài về chồng vẫn là chủ đạo. Bạn Giang ngồi đó, gương mặt rạng rỡ, sinh động hẳn lên. Cô kể rất nhiều tốt đẹp về chồng. Ngoài chuyện anh ấy yêu vợ, chăm làm việc nhà thì còn rất giỏi kiếm tiền và kiếm được bao nhiêu thì mang hết về đưa vợ. Cuộc sống của cô ấy thật thanh nhàn, chẳng bao giờ phải bấn loạn vì tiền.
Giang chỉ biết ngồi im, chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng không quên mỉm cười tán thưởng. Cô không dám đưa ra bất kỳ lời bình luận nào cũng như không thể mang chuyện của nhà mình ra để “khoe” theo kiểu đáp lễ. Bởi tiền vốn luôn là chủ đề nhạy cảm trong gia đình Giang.
***
Hồi Giang và chồng còn hẹn hò, anh ấy luôn chủ động trong mọi khoản chi tiêu mỗi lần hai đứa đi chơi, thường chủ động mua quà tặng... Nhìn vào công việc của anh, cách tiêu tiền của anh và thỉnh thoảng tò mò kiểm tra ví anh, Giang thấy yên tâm, không cần phải băn khoăn nhiều về vấn đề tài chính. Có một điều Giang không ngờ đến là ngay sau ngày cưới, anh bỗng nhiên “quay ngoắt 360 độ”. Anh vẫn làm công việc ấy, ví anh vẫn có tiền, song mọi chi tiêu chung, anh không hề quan tâm nữa. Trong đầu anh mặc định luôn việc đó là sẽ chi từ lương của Giang. Tiền kiếm được, anh chỉ dành để mua sắm những thứ riêng của cá nhân, giúp đỡ bạn bè, tổ chức những chuyến đi chơi xa tốn kém. Khi vợ chồng cùng đi siêu thị, mua quần áo, thức ăn, đồ dùng hàng ngày… anh thường lỉnh đi đâu đó lúc phải tính tiền. Khi có nhân viên gọi thu tiền điện, anh điềm nhiên bảo: “Đợi vợ về sẽ thanh toán”. Khi các em, các cháu nội ngoại đến nhà chơi, lúc về, anh gọi vợ ra bảo: “Em có tiền không, cho các cháu mấy trăm”…

 Việc nhỏ không chi nhưng đến khi có việc lớn hỏi đến tiền, chồng Giang cũng chối bay chối biến

Giang từng nghĩ, có thể những việc nhỏ anh để cô lo, rồi tiền của anh sẽ gom lại, dành khi hai đứa cần đến những việc lớn. Nhưng rồi qua thời gian, mỗi lần Giang bàn đến việc cần thay cái tivi mới, tủ lạnh mới, mua thêm bộ sofa, sửa lại cái lầu trên để phơi quần áo… cần khoản tiền lớn thì anh điềm nhiên bảo: “Anh không còn nhiều tiền. Nếu em gom đủ tiền thì cứ làm”. Giang nghe, ức và bực vô cùng. Khi cô dằn vặt anh bằng hàng loạt các câu hỏi “hợp lý” rằng: “Tiền anh tiêu vung vãi, sao không bàn với em?”. “Tại sao anh lại không có trách nhiệm với em trong việc cùng đóng góp tài chính?”, “Lương của em cũng chỉ có giới hạn, làm sao kham hết mọi việc được?”… thì anh lại rất không hài lòng.
Cứ mỗi khi nghe vợ nhắc đến chuyện tiền là y như rằng nó trở thành chủ đề cực kỳ nhạy cảm. Anh không hề thích điều đó. Ngược lại, nếu Giang tiếp tục chấp nhận lo toan mọi thứ, không bao giờ nói về chuyện tiền với chồng thì anh vui vẻ, nói những lời yêu thương vợ, sẵn sàng chở vợ đi chơi, làm mọi việc vợ nhờ và gia đình lúc nào cũng vui như Tết… Đã có lúc để có không khí hoà thuận trong nhà, Giang thỏa hiệp, tránh không nhắc về chủ đề nhạy cảm ấy. Cô tiếp tục lặng lẽ, cam chịu, tự lo toan.
Tuy nhiên, Giang nghĩ đó chỉ là “sự tạm thời” trong lúc họ vẫn còn là vợ chồng son, công việc, sức khỏe đang ổn định. Mỗi lần nghĩ đến mai kia, khi hai đứa có con, sẽ phải thuê người giúp việc, nuôi con, lo học hành, tương lai của con, rồi cuộc sống còn bao nhiêu thứ nảy sinh khác… Giang sẽ phải xoay xở thế nào? Giang lại giận chồng, lại muốn lôi chủ đề “tiền” ra nói với chồng để rồi hai đứa lại tiếp tục cãi nhau.

 Ngay từ khi bắt đầu nên thẳng thắn trong vấn đề tiền bạc để tránh mâu thuẫn

***
Sau cuộc trò chuyện với bạn gái về, Giang thấy chán chồng, tủi thân. Cô bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về việc 2 đứa cần phải chấm dứt xung đột về tiền. Có thể cô sẽ phải nói chuyện này với gia đình 2 bên để có sự can thiệp, khuyên nhủ. Có thể cô cũng phải tìm cách đưa chồng đến tham dự những khóa học về hôn nhân, về sự phân chia, sử dụng tài chính gia đình... Giang hy vọng một ngày không xa, anh sẽ hiểu việc chia sẻ tiền bạc cùng nhau trong gia đình là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng.

Để không cãi nhau về tiền bạc
- Không nên giữ toàn bộ tiền riêng để tiêu một mình.
- Cần lên kế hoạch chi tiêu cá nhân một cách khoa học.
- Phải xác định việc kết hôn là cùng có trách nhiệm đóng góp về tiền bạc.
- Khi bàn bạc về chuyện tiền, vợ chồng cần bình tĩnh, có thái độ thiện chí.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn