Bệnh trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần khá thường gặp trên thực tế, có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Rối loạn này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến người bệnh buồn bã, mệt mỏi, mất khả năng lao động hoặc thậm chí hoàn toàn không thể tự chăm sóc bản thân.
Trước đây, trầm cảm thường được ghi nhận ở những đối tượng có độ tuổi từ 18-45 tuổi. Tuy nhiên trong những gần đây dường như căn bệnh này ngày càng có xu hướng trẻ hóa khi mà số lượng trẻ tuổi dậy thì phải đi khám đang dần tăng lên. Thực tế này khiến căn bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì thực sự trở thành mối lo lắng đối với các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi dậy thì.
Mặc dù ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên nguyên nhân chính xác của bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì là gì hiện vẫn chưa được biết một cách rõ ràng. Nhưng người ta cho rằng đây có thể là hậu quả của các yếu tố khác nhau như sự thay đổi hormone khi cơ thể bước vào tuổi dậy thì, áp lực học tập ngày càng tăng cao, trẻ phải đối mặt và không thể thích nghi với các mối quan hệ phức tạp và khắt khe hơn khi dần lớn lên, sự căng thẳng trong cuộc sống, gia đình không hạnh phúc, thiếu sự chia sẻ,...
2. Dấu hiệu bị trầm cảm ở tuổi dậy thì
Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì đôi lúc biểu hiện rất kín đáo và dễ bị bỏ lỡ nếu không có sự quan sát, chú ý. Từ đó khiến bệnh thường ít được phát hiện và can thiệp ngay lúc còn ở giai đoạn ban đầu. Vì thế, làm cách nào để nhận biết nhanh các dấu hiệu bị trầm cảm ở tuổi dậy thì là vô cùng quan trọng để có thể phát hiện sớm và đưa ra những phương án can thiệp kịp thời cho trẻ.
Sự xuất hiện những cảm xúc tiêu cực, buồn bã là rất bình thường trong tâm lý của con người. Đặc biệt là với những đứa trẻ trong lứa tuổi dậy thì, khi mà khả năng điều chỉnh cảm xúc của chúng còn chứa ổn định thì vấn đề này lại càng dễ dàng xảy ra hơn.
Thông thường, trẻ sẽ có thể tự điều chỉnh lại được tâm lý của bản thân và có thể vượt qua sự buồn bã hay giận giữ đó. Nhưng nếu trẻ có dấu hiệu buồn bã hoặc tức giận trong thời gian dài mà không có nguyên nhân rõ ràng nào thì điều này có thể cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó có thể chính là dấu hiệu bị trầm cảm ở tuổi dậy thì.
Sự trưởng thành có thể khiến những đứa trẻ không còn hoạt bát quá mức khi bước vào tuổi dậy thì và dần trở nên trầm lặng hơn. Việc trẻ trở nên trầm lặng hơn sẽ là bình thường nếu đó là kết quả của cả một quá trình thay đổi trong một thời gian dài, từ năm này qua năm khác.
Tuy nhiên nếu một đứa trẻ đang hoạt bát bỗng trở nên trầm tính, ít nói, buồn bã hơn chỉ trong một thời gian ngắn chỉ vài tuần hoặc vài tháng thì cha mẹ cần phải đặc biệt lưu ý thêm. Bởi việc trẻ thay đổi tính cách, trở nên trầm buồn hơn cũng là một trong những dấu hiệu bị trầm cảm ở tuổi dậy thì khá thường gặp.
Khi phải chịu đựng áp lực thì con người có xu hướng sẽ tìm cách để giải tỏa áp lực đó. Với những đứa trẻ bị trầm cảm ở tuổi dậy thì cũng như vậy, chúng cũng sẽ tìm cách để giải tỏa những áp lực mà bản thân đang gặp phải. Và ăn uống là một trong những cách thường được lựa chọn. Chúng có thể ăn nhiều một cách bất thường, không ăn gì cả hoặc chỉ ăn một vài loại thức ăn duy nhất,...
Do vậy, khi cha mẹ phát hiện con cái có dấu hiệu bất thường về mặt ăn uống thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để đánh giá liệu đây có phải là một dấu hiệu bị trầm cảm ở tuổi dậy thì hay không.
Hầu hết các đứa trẻ đều có hứng thú và sở thích riêng của bản thân, chẳng hạn như thể thao, âm nhạc, chơi game,... Nếu phát hiện ra một lĩnh vực mới mà mình yêu thích, chúng có thể mất đi hứng thú với sở thích trước kia của bản thân và tập trung vào mục tiêu mới. Đây là điều hết sức bình thường.
Nhưng nếu trẻ đột nhiên thờ ở, từ bỏ những hoạt động đã từng làm mình cảm thấy trước kia mà không có một niềm vui thay thay thế nào khác thì đó lại là điều rất bất bình thường. Sự mất hứng thú của trẻ với các hoạt động xung quanh có thể là dấu hiệu cảnh báo cho tình trạng trầm cảm ở tuổi dậy thì đang diễn ra.
Tâm lý bi quan tiêu cực cũng là một trong những dấu hiệu bị trầm cảm ở tuổi dậy thì thường gặp. Những đứa trẻ trở nên mất niềm tin vào cuộc sống, nhìn mọi việc đang diễn ra với một thái độ tiêu cực, xem bản thân là nạn nhân của các sự việc trong cuộc sống,...
Chính lối suy nghĩ bi quan, tiêu cực này làm cho trẻ bị trầm cảm có xu hướng thu mình lại để tự bảo vệ bản thân. Do đó, trẻ trở nên ít tiếp xúc với mọi người và ít giao tiếp hơn so với trước kia.
Việc một đứa trẻ thỉnh thoảng bị mất ngủ, hay lựa chọn ngủ nướng vào những ngày nghỉ là điều hết sức bình thường. Những hành vi này xảy ra không thường xuyên và không gây ảnh hưởng gì đến các hoạt động thường ngày của trẻ.
Nhưng nếu thói quen về giấc ngủ của trẻ đột ngột thay đổi, trẻ trở nên ngủ rất ít hoặc li bì mọi lúc khiến các hoạt động trong cuộc sống bị đảo lộn thì đó chắc chắn không còn là điều bình thường nữa. Lúc này, cha mẹ cần phải đưa trẻ đi khám bởi đây rất có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị trầm cảm ở tuổi dậy thì.
Tâm lý tiêu cực của những đứa trẻ do dấu hiệu bị trầm cảm ở tuổi dậy thì khiến chúng không còn tự tin với những điều mà bản thân làm. Đôi lúc có thể khiến chúng cảm thấy thất vọng và tội lỗi về với hành động của chính mình.
Điều này khiến chất lượng hoàn thành công việc của trẻ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và rõ rệt. Chúng không còn động lực và không tin mình sẽ hoàn thành được các mục tiêu đang hướng đến. Do đó kết quả học tập của trẻ có sự thay đổi và giảm sút bất thường, các mối quan hệ của trẻ trước đây cũng không thể duy trì và dần bị tan vỡ,...
Trầm cảm có thể khiến trẻ xa lánh, đề phòng với tất cả mọi thứ xung quanh muốn tiếp cận trẻ, bao gồm cả con người và hoạt động. Sự xa lánh và đề phòng này có ý nghĩa tương tự như một cách để trẻ tự vệ cho bản thân.
Do đó, khi cảm thấy bản thân bị nguy hiểm bởi lời nói, hành động từ mọi người hoặc môi trường thì trẻ có thể biểu hiện bằng những hành vi chống đối hay nổi loạn. Sự chống đối này biểu hiện rất đa dạng thông qua lời nói, hành động hoặc thậm chí trẻ tấn công gây nguy hiểm cho trẻ hoặc những người xung quanh,...
Ý định tự sát là một trong các dấu hiệu rất hay gặp ở các bệnh nhân bị trầm cảm. Bởi tâm lý bi quan, tiêu cực nên những đứa trẻ thường tìm đến hành vi tự sát với suy nghĩ bản thân chết đi sẽ được giải thoát, hoặc mọi thứ sẽ tốt hơn khi bản thân ra đi,...
Ý định tự sát của trẻ khi không được phát hiện kịp thời có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, nếu phát hiện thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như các câu nói ám chỉ đến cái chết, thư tuyệt mệnh,... thì các bậc cha mẹ cần phải đặc biệt lưu ý bởi đây rất rõ ràng là một tình huống thực sự khẩn cấp.
Như đã nói, trầm cảm có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến người bệnh tàn phế và không thể tự chăm sóc chính mình, hoặc thậm chí gây tử vong do tâm lý tự sát,... Do đó, khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bị trầm cảm ở tuổi dậy thì nào thì các bậc cha mẹ cũng phải dành sự quan tâm đúng mức và đưa trẻ đi khám chuyên khoa sớm để tránh bỏ sót trầm cảm nếu có.
Tại cơ sở y tế, sau khi thăm khám thì các bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị thích hợp nhất đối với giai đoạn trầm cảm của trẻ. Những phương pháp điều trị trầm cảm hiện nay thường được áp dụng bao gồm thay đổi lối sinh hoạt của trẻ tại nhà, sử dụng các loại thuốc hỗ trợ và điều trị bằng liệu pháp tâm lý,...
Tuy nhiên, điều trị trầm cảm ở tuổi dậy thì không phải vấn đề một sớm một chiều mà đó là cả một quá trình. Do đó, cha mẹ cần phải thực sự kiên trì để có thể cùng con cái vượt qua được tình trạng này.
Trên đây là một số thông tin sơ lược và dấu hiệu bị trầm cảm ở tuổi dậy thì mà các bậc phụ huynh nên biết. Nếu còn có thêm thắc mắc liên quan đến trầm cảm ở tuổi dậy thì, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải thích đầy đủ và rõ ràng hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn