Hiện nay, xu hướng cha mẹ già sống riêng, con cái sống riêng đang ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, con cái cũng cần lưu tâm hơn khi bố mẹ sống một mình. Một vài dấu hiệu dưới đây sẽ cho bạn biết bố mẹ mình có cần sự hỗ trợ và giám sát không.
Mỗi lần tới chơi nhà bố mẹ hãy để ý hình dáng bên ngoài của họ. Bạn là người hiểu thói quen hằng ngày của bố mẹ mình, nếu họ không thể duy trì việc đó hằng ngày như tắm hay đánh răng, có thể họ có tình trạng mất trí nhớ hay trầm cảm, suy giảm trí nhớ.
Để ý xung quanh nhà có quét dọn thường xuyên hay không, đèn có bật sáng không. Bất cứ những thay đổi gì trong việc chăm sóc ngôi nhà của họ cũng có thể chỉ ra những vấn đề sức khỏe. Ví dụ như thùng rác chất đống không đổ; Thức ăn thừa để lộn xộn trong tủ lạnh hoặc bày bừa bãi trong nhà; Áo quần cần giặt bị bỏ quên; Bát đĩa chất đống trong bồn rửa; Phòng vệ sinh trở nên bẩn thỉu.
Bất cứ ai khi về già, não bộ càng yếu đi và chuyện hay quên là hoàn toàn bình thường. Đôi khi vài nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc.
Tuy nhiên có sự khác biệt giữa những thay đổi bình thường của trí nhớ và bệnh Alzheimer… Đặc biệt như việc để quên kính hoặc quên một cuộc hẹn nào đó. Nặng hơn là quên những từ ngữ khi nói, đi lạc trong 1 khu phố hoặc không thể nhớ những chỉ dẫn.
Nếu cha mẹ già sụt cân nhưng không ăn kiêng, không rõ lý do thì bạn cần hết sức lưu ý. Đây là một dấu hiệu cảnh báo đỏ về sức khỏe cha mẹ liên quan đến nhiều yếu tố như:
- Khó khăn trong việc nấu ăn: cha mẹ bạn có thể gặp khó khăn trong việc tìm thực phẩm để nấu ăn, cầm nắm các dụng cụ nấu ăn, đọc hướng dẫn sử dụng trên bao bì thực phẩm.
- Giảm vị giác và khứu giác: cha mẹ của bạn có thể không quan tâm đến việc ăn uống nếu như họ không cảm nhận được mùi vị của thức ăn.
- Đôi khi giảm cân lại là dấu hiệu của bệnh lí như các vấn đề về dinh dưỡng, mất trí nhớ, trầm cảm hay ung thư.
- Họ có thể bị ốm mà không biết;
- Họ có thể bị rối loạn vị giác và họ có thể quên ăn đúng bữa;
- Họ có thể bị trầm cảm và giảm cảm giác thèm ăn;
- Họ có thể mắc các bệnh nguy hiểm tiềm ẩn.
Khi cha mẹ không còn hứng thú tham gia các hoạt động xã hội sẽ dẫn đến ít hoạt động, ít nói, sững sờ, đờ đẫn, thường ngồi lâu một tư thế với nét mặt trầm ngâm suy nghĩ. Trầm cảm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cá nhân, gia đình, cũng như khả năng thực hiện các công việc xã hội, nghề nghiệp, nhiều trường hợp còn dẫn đến hành vi nguy hiểm cho bản thân và xung quanh.
Điều đầu tiên khi chăm sóc cha mẹ già chính là kiên nhẫn để thấu hiểu tâm sinh lý của người cao tuổi. Bởi điều này sẽ giúp chúng ta nhận ra tính cách khi già đi của những người thân yêu. Thậm chí là những dấu hiệu sớm của bệnh tật nào đó chẳng hạn.
Dành thời gian trò chuyện mỗi ngày là cách để người cao tuổi biết rằng họ không bị lãng quên. Vì thế, dù có bận rộn ra sao, chúng ta hãy luôn cố gắng nói chuyện với những người thân yêu.
Quan tâm đến sức khỏe, hỏi han và động viên mỗi ngày bằng những hành động nhỏ nhất. Hãy hỏi ông bà, cha mẹ những câu hỏi đơn giản như: Hôm nay ba mẹ ngủ có ngon không?; Món này bố mẹ ăn thấy thế nào?… Nghe cách các cụ trả lời bạn cũng biết sức khỏe của họ có đang gặp vấn đề nào không.
Khuyến khích người cao tuổi vận động nhẹ nhàng và duy trì mỗi ngày. Hoặc đôi khi có thể luyện tập cùng với cha mẹ những bài tập dưỡng sinh, yoga...
Ghi nhớ và nhắc nhở việc sử dụng thuốc của người cao tuổi. Bởi vì người già rất hay quên, khó tránh khỏi việc quên uống thuốc hay quên mình đã uống thuốc. Đây là một vấn đề rất hay gặp ở người cao tuổi.
Dành thời gian để đưa bố mẹ, ông bà đi du lịch khi sức khỏe đảm bảo. Một vài chuyến đi du lịch gần, hay những chuyến đi thăm người thân, họ hàng hay bạn bè của bố mẹ ở quê. Vừa giúp các cụ ôn lại kỷ niệm xưa cũ, cũng vừa là cách để cả gia đình có thời gian bên nhau.
Thi thoảng cha mẹ của bạn không thừa nhận rằng họ đang cần giúp đỡ và những người khác thì cũng không nhận ra rằng họ cần được hỗ trợ. Hãy chắc chắn rằng cha mẹ của bạn hiểu được các vấn đề và giải pháp mà bạn đưa ra, để họ hiểu rằng bạn quan tâm đến họ và bạn muốn giúp họ khỏe mạnh, hạnh phúc cả hiện tại cũng như trong những năm sắp tới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn