Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có khả năng để lại biến chứng nguy hiểm, đặc biệt chủng Enterovirus 71 (EV71) - chủng virus này có thể gây bệnh nặng hơn và làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, phù phổi và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu như không được điều trị kịp thời.
Trong giai đoạn con trẻ mắc bệnh tay chân miệng, vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm đó là khi nào con khỏi bệnh và không còn khả năng lây lan ra ngoài cộng đồng.
Khi các triệu chứng biến mất thì điều này chứng tỏ trẻ đang dần khỏi bệnh tay chân miệng. Do vậy, trước khi đi vào dấu hiệu nhận biết khỏi bệnh, chúng ta tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh lý này.
Các triệu chứng tay chân miệng bắt đầu phát triển từ 3 đến 6 ngày sau lần đầu tiên bị nhiễm trùng. Các triệu chứng bao gồm:
- Sốt
- Chán ăn
- Đau họng
- Đau đầu
- Cáu gắt
- Khó chịu
- Mụn nước đỏ trong miệng gây cảm giác đau đớn cho trẻ
- Chảy nước dãi
- Phát ban đỏ chủ yếu trên tay và lòng bàn chân nhưng cũng có thể xuất hiện trên mông.
Trong các triệu chứng, sốt và đau họng thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh tay chân miệng. Các mụn nước và phát ban đặc trưng xuất hiện sau đó. Phát ban thường trông giống như những đốm đỏ phẳng.
Thông thường, trẻ bị tay chân miệng sẽ khỏi bệnh sau 7 - 10 ngày. Một số dấu hiệu chứng tỏ con bạn đang bước vào giai đoạn phục hồi và khỏi bệnh:
- Mụn nước khô, không mọc thêm và phát ban trên da biến mất
Triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng là xuất hiện các mụn nước trong miệng và phát ban thường ở lòng bàn tay và chân, các triệu chứng này sẽ xuất hiện 1 hoặc 2 ngày sau khi cơn sốt bắt đầu.
Với chế độ chăm sóc tốt, khoảng 3 - 5 ngày tiếp theo các mụn nước sẽ khô, không mọc thêm, trẻ không chảy nước dãi và phát ban dần biến mất, dấu hiệu này có thể cho thấy trẻ bị tay chân miệng đang bước vào giai đoạn hồi phục và khỏi bệnh. Tuy nhiên, thời gian này ở mỗi trẻ có thể khác nhau, tuỳ vào tình trạng sức khoẻ của từng người.
- Không còn sốt, đau họng
Trong thời gian bị tay chân miệng, trẻ thường bị sốt, đau họng, đau đầu và mệt mỏi. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 1 - 3 ngày đầu sau đó dần biến mất, lúc này trẻ sẽ chịu chơi hơn và chứng tỏ trẻ đang dần khỏi bệnh. Nếu trẻ sốt trên 3 ngày, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để được điều trị phù hợp.
- Ăn ngon miệng
Trẻ bị tay chân miệng thường chán ăn do đau miệng vì mọc các mụn nước bên trong và đau họng. Khi trẻ ăn tốt, không cảm thấy khó chịu thì chứng tỏ thể trạng của trẻ đã khoẻ, các triệu chứng bệnh đang dần biến mất.
Tuy nhiên, dù thấy các triệu chứng thuyên giản, cha mẹ không nên chủ quan mà vẫn cần theo dõi tình trạng sức khoẻ của con để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý, những người bị tay chân miệng thường dễ lây lan nhất trong tuần đầu tiên bị bệnh. Tuy nhiên, đôi khi mọi người vẫn có thể lây lan virrus cho người khác trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi các triệu chứng biến mất hoặc ngay cả khi họ không có triệu chứng nào. Nhưng khả năng lây nhiễm sau khi xuất hiện các triệu chứng khỏi bệnh thấp hơn.
Để đảm bảo an toàn và giảm thiểu nguy cơ lây lan ra cộng đồng, cha mẹ có thể cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà khoảng 7-10 ngày. Khi các triệu chứng đã hết, cha mẹ có thể đưa trẻ đi chơi hoặc tham quan ở đâu đó nhưng nên đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với mọi người.
Trong giai đoạn trẻ bị bệnh tay chân miệng, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, dễ thiếu hụt dinh dưỡng nên sau khi khỏi bệnh trẻ có thể chưa bình phục hoàn toàn. Do đó, cha mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ sau khỏi bệnh với chế độ dinh dưỡng và lối sống phù hợp.
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sau khi khỏi bệnh tay chân miệng: Cha mẹ có thể bổ sung đa dạng nguồn thực phẩm cho con nhưng ưu tiên những món ăn con thích hoặc phù hợp với trẻ như trứng, sữa, trái cây, rau xanh, thịt gà, ... Nếu trẻ lười ăn, cha mẹ cố gắng chế biến theo sở thích của con và chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày, chẳng hạn cho con ăn 4 - 5 bữa/ngày.
Thông thường trẻ nhỏ sẽ thích bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn chiên rán, ... nhưng cũng không nên vì quan điểm con ăn được càng nhiều càng tốt mà cho trẻ ăn quá nhiều những loại thực phẩm này. Tốt hơn hết cha mẹ nên hạn chế nguồn dinh dưỡng không lành mạnh.
- Cho trẻ uống nhiều nước như nước lọc, các loại nước ép trái cây, ...
- Duy trì hoạt động thể chất phù hợp với trẻ, nên cho trẻ tập luyện thể dục nhẹ nhàng và vận động thường xuyên.
Có thể nói, khi các triệu chứng tay chân miệng thuyên giảm là lúc bệnh đang đến giai đoạn phục hồi và thời gian khỏi bệnh sẽ diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ, điều quan trọng là cha mẹ nên có biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn