Những dấu hiệu nhận biết con chán nản muốn tìm đến cái chết

16:15 | 03/04/2018;
Học sinh tự tử là câu chuyện chưa bao giờ có hồi kết khi áp lực học tập ngày càng nặng nề, quan hệ bạn bè - thầy cô ngày càng phức tạp, khó lường càng khiến các em mất phương hướng… Hơn ai hết, bố mẹ phải luôn sát bên con để kịp thời ngăn chặn chuyện xấu xảy ra.
2-tkts-581758-3-011.jpgMôi trường học tập nhiều áp lực cũng khiến học sinh có những suy nghĩ và hành động tiêu cực do chán nản, mệt mỏi. Ảnh minh họa
 

Bố mẹ ở đâu khi con chán nản?

Những khi con lâm vào tình thế bế tắc và chán nản nhất, nếu không phải chính bố mẹ - người gần gũi bên con nhất, phát hiện ra sự thay đổi, thì ai mới có thể làm được việc này?

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà (trường THCS Ngô Sĩ Liên - Hà Nội) khi nói về tình trạng học sinh tự tử, cho rằng, thay vì chỉ chăm chăm để ý đến kết quả học tập của con, điều quan trọng hơn mà phụ huynh cần quan tâm chính là sức khỏe, tinh thần và cảm xúc của con mình

“Nhất là lứa tuổi con chuẩn bị thành người lớn thì có nhiều suy nghĩ  bồng bột, hành động bồng bột. Ở giai đoạn này, bố mẹ cần nhiều thời gian chia sẻ với con, xem con có vấn đề gì buồn chán, hay khó giải quyết hay không đó cũng là cách làm giảm đi nguy cơ các con chán sống”- ThS Vũ Thu Hà nói.

Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, giai đoạn học sinh chuyển tiếp từ tiểu học lên bậc THCS chính là bước nối quan trọng cần đến sự chú ý tuyệt đối của bố mẹ. “Tuổi cấp 2 trở đi thường có nhiều biến động tâm lý. Khi đó, các em không có bản lĩnh, thiếu được giáo dục dễ bị cuốn hút vào những suy nghĩ tiêu cực. Bản thân em không thể chia sẻ được với ai, không ai giúp em ấy nhìn ra mặt tích cực của cuộc sống thành ra những hành động đáng tiếc này mới xảy ra”.

Ông cho rằng, điều vô cùng đáng tiếc là cha mẹ cứ lo làm sao để con mình ngoan, con học giỏi nhưng không biết nếu con không có khả năng chống đỡ những áp lực ngày càng nặng nề của việc học, của các mối quan hệ bạn bè phức tạp thì điều này còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Dấu hiện nhận biết con chán nản

Theo Thạc sĩ Vũ Thu Hà, mọi tình huống đáng tiếc đều có thể xảy ra nếu cha mẹ lơ là, không để ý đến cảm xúc, suy nghĩ của con. Bởi vậy, có nhiều dấu hiệu quan trọng mà cha mẹ chỉ cần để tâm sẽ dễ dàng phát hiện được tình hình.

Khi con có biểu hiện buồn, có vấn đề nào đó thì phụ huynh phải quan sát nhiều hơn để tìm hiểu xem vấn đề của con đã được giải quyết chưa và con có suy nghĩ thế nào về vấn đề đó. “Trong trường hợp con buồn chán như than thở, không ăn được, khó khăn trong việc đến trường thì chắc chắn con đang gặp phải vấn đề nào đó và bố mẹ phải tìm hiểu. Ngay cả khi bố mẹ không tìm hiểu mà con vẫn có tín hiệu đấy thì chính các em phải tìm đến chuyên gia”- bà Hà nói.

Đối với những đứa trẻ không tìm thấy sự đồng cảm và gần gũi từ phía bố mẹ, không có cách nào khác là phụ huynh phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân như bạn bè, thầy cô, tìm hiểu lý do để giải tỏa. Tuy nhiên, bố mẹ không nên tiếp cận mối quan hệ của con để quản lý, hù dọa mà chỉ nên âm thầm theo sát bên con. Tránh tối đa những lời nói gây tổn thương và làm tăng thêm sự căng thẳng trong gia đình.

Tham vấn tâm lý học đường cũng là một lựa chọn tốt cho học sinh khi gặp khó khăn về tinh thần. Theo ThS Vũ Thu Hà, khi có vấn đề, phụ huynh, học sinh có thể đến các phòng tâm lý học đường. Các con có thể gặp các chuyên gia để giảm đi nguy cơ nguy hiểm. Vì câu chuyện của trẻ con đôi khi rất đơn giản nhưng chúng vẫn hành động rất bồng bột.

Nhiều năm làm tại phòng tham vấn tâm lý học đường, ThS Vũ Thu Hà cho hay, bản thân bà gặp rất nhiều câu chuyện trẻ có hành động bột phát dẫn đến việc đáng tiếc. Những lúc này, không chỉ phụ huynh mà chính giáo viên cần phát hiện sớm sự thay đổi của học sinh để phối hợp với cán bộ tâm lý và gia đình, cùng tìm hướng giải quyết khó khăn cho các em.

* Những ngày cuối tháng 3/2018, dư luận bàng hoàng trước thông tin một nam sinh lớp 6 tại Ninh Thuận nghi tự tử để lại lá thư tuyệt mệnh.

Theo người nhà của em, trước khi nhảy xống sông tự vẫn, em để lại lá thư dưới máy vi tính ghi rằng “khi mọi người nhận thư thì con đã chết, con yêu gia đình”. Bên cạnh còn viết “con hận bốn bạn cùng lớp” và ghi tên những bạn này trong thư.

* Đầu năm 2018, một nữ sinh lớp 7 tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh tự tử ngay trong lớp học khiến gia đình và bạn bè thầy cô bàng hoàng. Cô bé vốn ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại 2 bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn trong lớp được nữa.

Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn