Những dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm

13:29 | 22/10/2020;
Bệnh cảm cúm là tình trạng rất phổ biến và có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Bệnh sẽ khiến bạn mệt mỏi và khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống hằng ngày. Việc phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm sẽ giúp bạn chữa trị kịp thời và phòng ngừa bệnh lây lan.

Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu cảm cúm và cảm lạnh. Trên thực tế, dấu hiệu cảm cúm thường nghiêm trọng hơn các triệu chứng cảm lạnh. Ngoài ra, cảm lạnh hiếm khi gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong khi cúm có thể gây nhiễm trùng xoang và tai, viêm phổi và nhiễm trùng huyết, thậm chí gây tử vong.

Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh cám cúm là rất quan trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Dưới đây là những dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm ai cũng cần phải biết.

1. Mệt mỏi quá mức hoặc mệt mỏi một cách đột ngột

Mệt mỏi quá mức hoặc mệt mỏi một cách đột ngột là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm. Cần lưu ý rằng, mệt mỏi cũng có thể là triệu chứng của cảm lạnh, tuy nhiên bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi quá mức nếu như bạn bị cảm cúm.

Những dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm bạn cần phải biết - Ảnh 2.

Mệt mỏi quá mức hay đột ngột là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm - Ảnh Internet.

Việc cơ thể mất sức và mệt mỏi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Do vậy, bạn nên nghỉ ngơi một vài ngày để tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại virus gây bệnh.

2. Ho khan, ho dai dẳng

Tình trạng ho khan, ho dai dẳng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, trong đó có bệnh cảm cúm. Virus cúm có thể khiến bạn ho, kèm theo cảm giác tức ngực và thở khò khè. Bạn cũng có thể ho ra đờm hoặc chất nhầy, nhưng trường hợp này rất hiếm khi xảy ra trong giai đoạn đầu của cảm cúm.

Bạn cần đặc biệt lưu ý, nếu có các dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm như mệt mỏi, ho kéo dài, và có các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là hen suyễn hoặc khí phế thũng (liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay để ngăn ngừa các biến chứng.

Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để thăm khám nếu thấy đờm có màu. Bởi vì cảm cúm có thể dẫn đến viêm phế quản và viêm phổi.

Khi bị ho, bạn hãy dùng thuốc ho và uống nhiều nước lọc hoặc các loại trà không có chứa caffeine. Bạn cũng nên che miệng khi ho để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

3. Cơ thể đau nhức và ớn lạnh

Một dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm khác chính là đau nhức cơ thể và ớn lạnh. Tình trạng đau nhức có thể xuất hiện ở bất kì chỗ nào trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng đầu, vùng lưng và chân.

Những dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm bạn cần phải biết - Ảnh 3.

Ớn lạnh là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh cám cúm - Ảnh Internet.

Cảm giác ớn lạnh thường đi cùng với đau nhức cơ thể. Cảm giác này có thể xuất hiện trước khi bạn bị sốt. Nếu bị ớn lạnh, bạn hãy trùm chăn để tăng nhiệt độ cơ thể. Bạn cũng có thể dùng một số loại thuốc giảm đau nhanh để giảm đau nhức, như paracetamol hoặc ibuprofen.

4. Đau họng

Ho do cảm cúm có thể sẽ dẫn đến đau họng. Thậm chí, một số virus cúm có thể gây sưng họng và đau họng mà không kèm theo dấu hiệu ho.

Trong giai đoạn đầu của bệnh cảm cúm, bạn có thể cảm thấy cổ họng khó chịu, kích thích và không thể nuốt đồ ăn hoặc nước như bình thường. Cơn đau họng sẽ nặng hơn khi virus tiến triển.

5. Sốt là dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm

Sốt là một trong những triệu chứng cảm cúm phổ biến ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, không phải ai mắc cúm cũng đều bị sốt. Sốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng. Nếu mắc cúm, bạn có thể sốt từ 38°C trở lên.

Những dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm bạn cần phải biết - Ảnh 4.

Sốt là dấu hiệu sớm của bệnh cảm cúm - Ảnh Internet

Bạn cần lưu ý rằng, paracetamol và ibuprofen có thể giúp hạ sốt hiệu quả nhưng không thể diệt được virus.

6. Các vấn đề về tiêu hóa

Các triệu chứng cảm cúm sớm cũng có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể. Một số chủng virus có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày hoặc nôn.

Trong đó, mất nước là một biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy và nôn mửa. Để tránh mất nước, bạn hãy uống nhiều nước lọc, các loại nước uống bổ sung điện giải, nước ép trái cây, trà và nước ngọt không chứa caffeine.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn