Mới đây, ngày 24/7, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT, kèm theo phụ lục 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Trong số đó có sản phẩm Viên nang cứng Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.
Ngay sau khi thông tin này được công bố đã khiến dư luận bức xúc. PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam, cho biết, bản thân ông cũng thấy ngỡ ngàng với văn bản của Bộ Y tế dù sau đó, công văn trên đã bị thu hồi.
Theo ông Đáng, Việt Nam có hơn 1.600 sản phẩm TPCN và thực phẩm BVSK của hàng ngàn doanh nghiệp. Tuy nhiên, không hiểu tại sao Bộ Y tế chỉ công bố 12 loại thuốc và dược liệu kể trên? Đặc biệt, Bộ Y tế còn nêu đích danh từng sản phẩm, trong đó có viên nang cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương. Trong khi đó, thực phẩm BVSK chỉ có tác dụng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, còn khả năng phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 thì chưa có bất kể một công trình nghiên cứu nào triển khai và chứng minh.
Ông Đáng cũng cho biết, trước khi công văn 5944 được ban hành, Hiệp hội thực phẩm chức năng không nhận được bất cứ trao đổi nào của Bộ Y tế hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Bộ. Trong khi đó, chỉ trước vài ngày công văn trên được ban hành, doanh nghiệp đã có thông báo giá bán với giá cao gấp 4 lần sản phẩm tương tự của doanh nghiệp. "Tôi cho rằng, trong vụ việc này có dấu hiệu bất minh. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm", PGS.TS Trần Đáng chia sẻ.
Cũng như ông Đáng, nhiều người bức xúc với việc sản phẩm viên nang cứng Kovir của Sao Thái Dương lọt vào công văn của Bộ Y tế. Ngoài giá bán rất cao, lên tới 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ, mỗi vỉ 15 viên, trong khi sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp chỉ trên dưới 250.000 đồng/hộp. Về vấn đề này, phía doanh nghiệp cho rằng, do thành phần khác nhau nên giá cả cũng khác nhau. Theo đó, sản phẩm viên nang cứng Kovir: Xuất phát từ bài thuốc Nhân sâm bại độc tán gia giảm với các thành phần như Sài hồ, Phục linh, Đảng sâm, Tiền hồ, Cát cánh, Xuyên khung, Chỉ xác, Khương hoạt, Độc hoạt, Cam thảo, Sinh khương, Bạc hà. Nhân sâm bại độc tán có tác dụng đặc hiệu hơn trên các bệnh lý do virus, tăng sức đề kháng và làm giảm các triệu chứng bệnh gây ra, theo nhà sản xuất. Tuy nhiên, theo lương y Hoàng Văn Nam, Hội Đông y Hà Nội, các dược liệu như Sài hồ, Phục linh, Đảng sâm, Tiền hồ, Cát cánh, Xuyên khung, Chỉ xác không phải là dược liệu quý. Đây đều là những vị thuốc Bắc có thể tìm mua dễ dàng với giá khá rẻ. Vì thế, nếu 1 sản phẩm của cùng 1 doanh nghiệp mà giá chênh nhau gấp 4 lần là rất vô lý.
Cũng theo ông Nam, viên nang cứng Kovir được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp nhận đăng ký công bố ngày 25/6/2021. Tuy nhiên, trước đó 1 ngày (24/6/2021), Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn số 648/YDCT-QLY, chỉ đạo Sở Y tế một số địa phương sử dụng sản phẩm y học cổ truyền và hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị Covid-19. Công văn này đề cập Kovir (viên nang mềm, viên nang cứng) là thuốc uống trong, dùng phòng bệnh. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp đã tài trợ sản phẩm cho Cục sử dụng cho bệnh nhân khi chưa được cấp phép. "Một sản phẩm được cho, chưa được cấp phép mà Cục Quản lý Y dược cổ truyền lại vô tư gửi văn bản yêu cầu các cơ sở y tế sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Có thể trước đó, sản phẩm này đã được cho bệnh nhân sử dụng. Chắc chắn trong chuyện này có vấn đề khuất tất, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ", lương y Hoàng Văn Nam chia sẻ.
Trước đó, ngày 14/9/2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lên tiếng về việc vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực BVSK Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm có công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19. Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm BVSK nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid-19.
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo:
1. Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng/thực phẩm BVSK nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19.
2. Không có bất kỳ TPCN/thực phẩm BVSK nào được phép ghi công dụng "điều trị bệnh".
3. Người tiêu dùng phát hiện 2 sản phẩm ghi các công dụng và đặc điểm trên không mua, không sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.
4. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở, cần liên hệ ngay với cơ quan Y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn