Trước đây, các công ty lữ hành thường tập trung khai thác sản phẩm hành hương thuần túy đến những điểm tâm linh như các chùa, tòa thánh, đền, đài, lăng, tẩm, phủ, khu tưởng niệm để người dân dâng lễ, chiêm bái, cầu nguyện. Điển hình cho dòng này là các tour ngắn ngày đi Lạng Sơn, Lào Cai viếng đền Mẫu, đền Bảo Hà; tour Yên Tử - chùa Ba Vàng, đền Hùng; chùa Hương...
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đi vào khai thác các danh lam thắng cảnh kết hợp với chiêm bái, thưởng ngoạn không gian cảnh quan, kiến trúc, điêu khắc gắn với điểm tâm linh; tìm hiểu văn hóa gắn với lịch sử tôn giáo và lối sống bản địa, những giá trị di sản văn hóa gắn với điểm tâm linh.
Hãng lữ hành Vietravel đang tổ chức tour Tràng An – Yên Tử "một dải non nước đắm say lòng người" với hành trình 4 ngày Hà Nội – Bái Đính – Tràng An – Hạ Long – Yên Tử, giá 6,5 triệu đồng. Hay tour Hà Nội - Tây Bắc với đền Hùng – Nghĩa Lộ - Tú Lệ - Mù Cang Chải – Yên Bái – Sa Pa – Điên Biên – Sơn La – Mộc Châu, xuất phát từ Sài Gòn với 6 ngày 5 đêm, giá 8,5 triệu đồng cũng được nhiều người lựa chọn. Còn Hà Nội Tourists có các tour trong ngày Hà Nội – chùa Hương; Hà Nội – chùa Vĩnh Nghiêm -Tây Yên Tử - Hà Nội với giá chưa đến 1 triệu đồng.
Tour trong nước được du khách yêu thích là tuyến Sa Pa - Lào Cai với điểm đến là đền ông Hoàng Bảy (Bảo Yên, Lào Cai), Đại tượng Phật A Di Đà, Kim Sơn Bảo Thắng Tự gồm nhiều pho tượng Phật được tạo tác kỳ công từ gỗ mít lõi, sơn son thếp bạc, tọa lạc gần đỉnh Fansipan; tour đi Đông Bắc với các đền mẫu ở Lạng Sơn; các tour tâm linh như Bái Đính, Tràng An, chùa Hương, Yên Tử...
Dù là trong mùa dịch, tour Côn Đảo cũng có nhiều du khách lựa chọn. Nghĩa trang Hàng Dương, hệ thống nhà tù Côn Đảo, di tích cầu Ma Thiên Lãnh, hay miếu Bà Phi Yến... là những điểm đến quan trọng khi nhắc đến du lịch tâm linh ở Côn Đảo.
Thận trọng với Covid-19
Gia đình chị Thanh Thúy (Tân Mai, Hà Nội) vừa có chuyến hành trình Sa Pa – Lào Cai 2 ngày cuối tuần vừa qua. "Vì là chuyến đi kết hợp giữa du lịch và tâm linh nên mình có thể cho cả trẻ con đi cùng. Mấy đứa trẻ nhà mình cũng rất thích thú khi được bố kể về sự tích ông Hoàng Bảy hay được tận mắt chứng kiến pho tượng phật khổng lồ trên đỉnh Fansipan", chị Thúy cho biết. Vì đi du lịch trong thời điểm diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên chị Thúy luôn nhắc cả gia đình đeo khẩu trang những lúc tham quan danh lam, thắng cảnh, lễ đền chùa.
Còn gia đình chị Như Quỳnh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) khép lại năm cũ bằng chuyến đi tìm sự thảnh thơi, về miền non nước trữ tình Ninh Bình, rồi lại cùng nhau leo núi nơi Yên Tử, nguyện cầu bình an cho người thân. "Ngồi trên con thuyền nhỏ xung quanh là trập trùng núi đá vôi hùng vĩ của Ninh Bình, giữa tĩnh lặng thinh không nghe tiếng mái chèo lao xao khua nước mà thấy lòng bình yên đến lạ. Hơn nữa, trong thời điểm dịch Covid-19, tôi muốn đưa cả nhà đi đến những nơi thanh tịnh, vừa hạn chế dịch bệnh, vừa để hành hương, bớt xô bồ dịp cuối năm", chị Quỳnh chia sẻ sau tour du lịch Tràng An – Yên Tử của gia đình.
Anh Nguyễn Đình Thắng, đại diện một doanh nghiệp du lịch cho biết, xu hướng của du khách hiện nay là lựa chọn các điểm đến an toàn với Covid-19, những nơi đã nhiều ngày không còn ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, cũng theo khảo sát riêng của công ty du lịch này thì tâm lý e ngại về dịch bệnh, thói quen giãn cách xã hội vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới, 89% người trả lời khảo sát lựa chọn đi theo gia đình hoặc theo nhóm bạn bè.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn