Thuốc bổ gan và giải độc gan là những loại dược phẩm khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về chức năng và cách sử dụng các loại thuốc này. Việc uống thuốc bổ gan sai cách có thể gây hại cho gan và các cơ quan nội tạng khác. Khi gan phải hoạt động liên tục sẽ dễ dẫn đến nguy cơ suy giảm chức năng gan, tăng men gan gây xơ gan, suy gan,...
Gan là bộ phận có chức năng ngăn chặn và chuyển hóa các chất độc bên trong cơ thể. Các chất độc này thường được dung nạp vào cơ thể qua các con đường như khói bụi, thức ăn… Khi lượng chất độc vượt quá khả năng chuyển hóa gan, chúng sẽ tích tụ ở bên trong cơ thể.
Do đó, nhiều người sẽ sử dụng thuốc giải độc gan để cân bằng lại chức năng của gan. Đồng thời, uống thuốc bổ gan cũng sẽ giúp bảo vệ nhu mô, tăng cường chức năng và giải độc gan.
Thuốc bổ gan thường được dùng với mục đích hỗ trợ cho chức năng của gan. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng những loại thuốc này. Trước khi dùng, bạn thường được yêu cầu kiểm tra chức năng gan bằng một số xét nghiệm cần thiết. Nếu kết quả là nóng hoặc suy gan, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn dùng thuốc giải độc gan.
Bên cạnh đó, thuốc bổ gan và giải độc gan còn được dùng trong một số bệnh lý về gan. Chẳng hạn như viêm gan do vi-rút hoặc viêm gan do rượu.
Tuy nhiên, trong những trường hợp này, thuốc bổ gan chỉ được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ, bởi bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị trước bằng các loại thuốc đặc trị của bệnh gan.
Thuốc bổ gan chỉ được trong một số trường hợp đặc biệt như:
- Người có enzym gan ALT tăng cao bất thường.
- Người bị suy giảm chức năng gan.
- Người không có bệnh lý về gan nhưng chức năng gan suy yếu.
- Người mắc bệnh gan nhưng bệnh đã bước vào giai đoạn ổn định.
Ngoài ra, khi uống thuốc bổ gan và giải độc gan, bạn cũng cần lưu ý các vấn đề sau:
- Ngừng sử dụng thuốc khi chức năng gan đã trở lại bình thường.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và liều lượng của bác sĩ.
- Tránh tự ý uống thuốc bổ gan khi chưa làm các xét nghiệm về gan.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tránh các loại thực phẩm có hại cho gan.
Thuốc bổ gan thường được chia thành 2 nhóm dựa vào cách điều chế thuốc, bao gồm nhóm thuốc từ hợp chất tổng hợp và nhóm dược chất chiết xuất từ dược liệu, dược thảo. Cụ thể:
- Cianidanol: Loại thuốc này thường được sử dụng cho viêm gan vi-rút cấp tính, nhiễm độc gan cấp, bệnh gan cho nghiện rượu. Thuốc có tác dụng tăng cường nồng độ ATP gan và trung hòa gốc tự do. Ngoài ra, thuốc còn giúp ổn định màng lysosom tế bào gan và tăng khả năng đáp ứng miễn dịch.
- Essential (dạng tiêm): Thuốc có chức năng điều hòa khi chức năng gan bị rối loạn. Bên cạnh đó, thuốc cũng được dùng trong các trường hợp như thoái hóa mỡ ở gan, tổn thương gan, xơ gan chớm phát, viêm gan cấp và mạn tính…
- Flumeciol: Đây là một chất cảm ứng enzym có chức năng bảo vệ nhu mô gan. Do đó, thuốc thường được dùng cho các trường hợp viêm gan do nhiễm độc. Đặc biệt là tình trạng ngộ độc thuốc gây rối loạn chuyển hóa gan và vàng da ở trẻ.
- Methionin: Loại thuốc này thường được sử cho người bị viêm gan do nhiễm độc thuốc, gây các triệu chứng như thiếu máu thứ phát, ban xuất huyết, suy dinh dưỡng, thiếu đạm…
- Biphenyl dimethyl dicarboxylat: Đây là loại thuốc có tác dụng bảo vệ gan, chống lại tình trạng tổn thương gan. Nhất là tổn thương do dùng thuốc hoặc bia rượu. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan do nhiễm virus và gan nhiễm mỡ.
- Silibinin và silymarin: Các hoạt chất này có khả năng bảo vệ gan và ổn định màng tế nào. Đồng thời, chúng còn giúp tái tạo nhu mô gan khi sử dụng các loại thuốc không tốt cho gan.
Uống thuốc bổ gan bừa bãi có thể dẫn đến các hậu quả khôn lường về sức khỏe. Tránh tự ý bổ sung bừa bãi, vì điều này có thể làm tăng áp lực cho lá gan của bạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn