Bé Ngô Bảo Ngọc (hơn 2 tuổi, ở thôn Tân Thiếp, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) được sinh ra khỏe mạnh. Thế nhưng vào ngày 28/12/2023, bé có biểu hiện mệt mỏi, giảm vận động nên gia đình đã đưa bé đến khám tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Bé được chẩn đoán viêm họng nên bác sĩ đã kê thuốc theo đơn.
Gia đình cho biết, ngày 1/1/2024, Bảo Ngọc có biểu hiện ý thức lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng chậm nên gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bé được chẩn đoán bị viêm não do Mycoplasma, phải thở máy 9 ngày, điều trị nội khoa 17 ngày.
Sau khi được điều trị, tình trạng của cháu bé ổn định, tiếp tục dùng thuốc theo đơn và được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội điều trị tiếp. Tại đây, tuy bé mở mắt tự nhiên nhưng không đáp ứng khi gọi tên, không phân biệt được ai lạ, ai quen, liệt cứng tứ chi, tăng trương lực cơ tứ chi nhiều, chưa kiểm soát đầu, cổ, hai tay chưa biết với, cầm.
Sau 3 tháng điều trị bằng các phương pháp như điện trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, Bảo Ngọc đã có tiến triển. Bé đã tự đứng và đi khoảng 10 mét, hai tay biết với, cầm đồ vật; nhận biết được người lạ, người quen.
Bác sĩ Hoàng Thị Hương Giang (Khoa Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội) cho biết, viêm não (encephalitis) là một tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa.
Viêm não nếu không được điều trị kịp thời và phục hồi chức năng sớm thì di chứng để lại là rất nặng nề như: suy giảm khả năng học tập, mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh, thay đổi nhân cách.
Bệnh nhi dưới 1 tuổi thường có nguy cơ bị di chứng nặng hơn và có thể dẫn đến bại não. Trường hợp viêm não tổn thương nặng đến thân não, nơi có trung tâm hô hấp, tuần hoàn, điều nhiệt,… bệnh nhân dễ tử vong.
Bác sĩ Hương Giang cho biết thêm, Khoa nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội) đã điều trị nhiều bệnh nhân bị bại não do di chứng viêm não nhưng thường ở giai đoạn muộn. Mặc dù các bệnh nhi được can thiệp tích cực và toàn diện nhưng quá trình can thiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. "Trẻ bị viêm não nếu được can thiệp phục hồi chức năng sớm, tích cực và toàn diện thì khả năng hồi phục tốt. Nếu trẻ không được can thiệp phục hồi chức năng kịp thời thì cho dù được cứu sống, di chứng để lại cũng rất nặng nề, làm cho trẻ khó khăn trong việc di chuyển, giao tiếp, học tập, tự chăm sóc bản thân", bác sĩ Hương Giang cho biết.
Có thể nói, viêm não là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Viêm não cấp có tốc độ diễn tiến nhanh, mất nhiều thời gian điều trị. Đặc biệt, với bệnh nhi, diễn biến viêm não cấp rất nhanh, triệu chứng bệnh khó nhận biết, gây chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Thêm vào đó, quá trình điều trị viêm não lại lâu (từ 1 đến 3 tuần), khả năng phục hồi chậm. Ngay cả khi trẻ đã được xuất viện thì cũng cần mất một thời gian lâu sau não bộ mới hoàn toàn hồi phục.
Viêm não hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phương pháp chữa viêm não hiện tại chủ yếu là khắc phục triệu chứng và cải thiện chức năng não bộ, thể chất cho người bệnh. Vì vậy, mỗi người, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, nên thực hiện các cách phòng ngừa căn bệnh này bằng tiêm phòng, tránh để muỗi đốt, vệ sinh sạch môi trường sống, quan trọng là phát hiện và điều trị kịp thời để tránh di chứng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn