Những điều cần biết về bệnh Lyme

15:58 | 15/05/2023;
Bệnh Lyme không được điều trị kịp thời có thể gây nhiễm trùng, lan đến khớp, tim và hệ thần kinh.

Bệnh Lyme là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra. B. burgdorferi được truyền sang người qua vết cắn của ve chân đen hoặc ve hươu bị nhiễm bệnh. Bọ ve bị nhiễm bệnh sau khi ăn hươu, chim hoặc chuột bị nhiễm bệnh.

Ban đầu, phát ban do bệnh có thể xuất hiện và biến mất mà không cần điều trị. Theo thời gian, các biến chứng của bệnh Lyme có thể ảnh hưởng đến khớp, tim và hệ thần kinh.

1. Triệu chứng khi bị bệnh Lyme

Bệnh Lyme không được điều trị có thể tạo ra một loạt các triệu chứng, tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng, cụ thể:

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu (3 đến 30 ngày sau khi bị bọ ve cắn):

- Sốt, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết có thể xảy ra khi không có phát ban

- Phát ban đỏ erythema migrans: Xảy ra ở khoảng 70 đến 80% người nhiễm bệnh. Các nốt phát ban thường lan rộng dần dần trong vài ngày, có thể cảm thấy ấm khi chạm vào nhưng hiếm khi ngứa hoặc đau. Có thể xuất hiện trên bất kỳ khu vực của cơ thể.

Các dấu hiệu và triệu chứng muộn hơn (vài ngày đến vài tháng sau khi bị bọ ve cắn):

- Nhức đầu dữ dội và cứng cổ

- Phát ban nhiều hơn

- Liệt mặt (mất trương lực cơ hoặc rũ xuống ở một hoặc cả hai bên mặt)

- Viêm khớp với triệu chứng sưng và đau khớp nghiêm trọng, đặc biệt là đầu gối và các khớp lớn khác.

- Đau từng cơn ở gân, cơ, khớp và xương

- Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều (viêm tim Lyme)

- Chóng mặt hoặc khó thở

- Viêm não và tủy sống

- Đau dây thần kinh

- Đau nhói, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân

Bệnh Lyme: Những điều cần biết về căn bệnh mùa hè này - Ảnh 1.

Phát ban đỏ là triệu chứng phổ biến khi bị bệnh Lyme dù ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn muộn (Ảnh: ST)

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Lyme muộn không được điều trị (có thể xảy ra từ vài tháng đến một năm sau khi nhiễm bệnh)

- Các đợt sưng khớp tái phát (viêm khớp). Điều này thường ảnh hưởng đến các khớp lớn như đầu gối.

- Khó tập trung, được gọi là "sương mù não". Đây là một dạng bệnh não hoặc tổn thương não.

- Tổn thương dây thần kinh khắp cơ thể, bao gồm da, cơ và các cơ quan (viêm đa dây thần kinh).

2. Bệnh lyme có lây không?

Không có bằng chứng cho thấy bệnh Lyme lây lan giữa người với người. Ngoài ra, theo CDC, không có báo cáo nào về bệnh Lyme lây truyền qua sữa mẹ.

Bệnh Lyme là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền từ bọ ve chân đen. Những vi khuẩn này được tìm thấy trong chất dịch cơ thể, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bệnh Lyme có thể truyền sang người khác khi hắt hơi, ho hoặc hôn.

Ngoài ra, cũng không có bằng chứng cho thấy bệnh Lyme có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc lây truyền qua đường truyền máu.

Bệnh Lyme: Những điều cần biết về căn bệnh mùa hè này - Ảnh 2.

Bệnh Lyme không lây từ người sang người, con đường lây nhiễm qua vết đốt của bọ ve (Ảnh: ST)

3. Người bị bệnh Lyme có triển vọng tốt không?

Bệnh Lyme không được điều trị có thể góp phần gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác nhưng hiếm khi gây tử vong. Nếu phát hiện và điều trị sớm có thể điều trị dễ dàng, nhưng người bệnh vẫn có thể gặp một số triệu chứng kéo dài.

Ước tính có khoảng 5% đến 15% người bị lyme sau khi điều trị thành công vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức hoặc nhức đầu kéo dài. Đây không phải là triệu chứng nhiễm bệnh nên bạn không cần quá lo lắng.

Để điều trị bệnh Lyme, người bệnh thường được dùng kháng sinh. Thời gian điều trị kéo dài bao lâu sẽ tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng. Do đó, phát hiện và điều trị sớm là điều cần thiết để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm.

4. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh Lyme

Phòng ngừa bệnh Lyme chủ yếu liên quan đến việc giảm nguy cơ bị ve cắn. Một số biện pháp hữu ích giúp bạn ngăn ngừa bị các loại bọ ve cắn:

- Mặc quần dài và áo sơ mi dài tay khi ở ngoài trời.

- Dọn sạch các khu vực có nhiều cây cối rậm rạp xung quanh nhà, hạn chế tối đa bụi rậm và đặt đống củi ở những khu vực có nhiều ánh nắng mặt trời.

- Sử dụng thuốc chống côn trùng. Loại có 10% DEET sẽ bảo vệ bạn trong khoảng 2 giờ. Lưu ý, không sử dụng nhiều DEET hơn mức cần thiết trong thời gian bạn ở bên ngoài. Không sử dụng thuốc chống côn trùng trên tay của trẻ nhỏ hoặc mặt của trẻ dưới 2 tháng tuổi.

- Đối với vật nuôi trong nhà, bạn nên vệ sinh cho chúng sạch sẽ, tránh để bọ ve phát triển

- Sau các hoạt động ngoài trời ở khu vực "có nguy cơ", hãy luôn kiểm tra cơ thể có vết cắn bất thường không và sau đó tắm lại sạch sẽ. Bạn nên chú ý kiểm tra các vùng dưới cánh tay và sau đầu gối, trong và xung quanh tai, trong rốn, da đầu và tóc, giữa hai chân, xung quanh eo. Nếu bọ ve bám vào da dưới 24 giờ, nó không có khả năng truyền vi khuẩn gây bệnh Lyme.

Bệnh Lyme: Những điều cần biết về căn bệnh mùa hè này - Ảnh 3.

Dùng thuốc xịt côn trùng khi ra ngoài để phòng ngừa bọ ve cắn và gây bệnh (Ảnh: ST)

Nếu bị bọ ve cắn nên làm gì?

Khi bị bọ ve cắn, bạn nên loại bỏ bọ ve bằng nhíp. Áp nhíp vào gần đầu hoặc miệng bọ ve và kéo nhẹ nhàng. Nếu ve bám trên quần áo, bạn có thể cho quần áo vào máy sấy trong 15 phút.

Mặc dù chỉ có khoảng 1% trong số tất cả bọ ve mang vi khuẩn gây bệnh Lyme nhưng tốt nhất bạn vẫn nên có biện pháp phòng bệnh. Khi bị bọ ve cắn, bạn nên theo dõi các triệu chứng của cơ thể. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn