Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Bảo Anh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương), suy tủy xương là một bệnh lý của tế bào gốc sinh máu, gây ra bởi sự giảm sinh máu ở tuỷ xương, do tổn thương tế bào gốc và vi môi trường sinh máu của tủy xương.
Hậu quả là giảm 3 dòng tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ, thường gặp ở hai nhóm tuổi từ 15 đến dưới 30 và trên 60 tuổi.
Thiếu máu là triệu chứng phổ biến nhất của suy tủy xương, thường là thiếu máu mạn tính, khiến người bệnh thường bị hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, da xanh xao, nhợt nhạt, hồi hộp đánh trống ngực, mệt mỏi, khó thở, đặc biệt khi hoạt động gắng sức như leo cầu thang.
Ngoài ra, còn có các biểu hiện đa dạng như xuất huyết dưới da thành các chấm, nốt, mảng, đám; chảy máu niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc miệng, chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não (hiếm gặp).
Nhiễm trùng, thường là nhiễm trùng cơ hội do giảm nặng số lượng bạch cầu hạt trung tính, biểu hiện sốt, ho, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết. Gan, lách, hạch không to.
Những biến chứng nặng có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân như: nhiễm trùng cơ hội do bạch cầu hạt trung tính thấp; tình trạng xuất huyết nặng do tiểu cầu thấp; biến chứng suy tim do thiếu máu nặng.
Triệu chứng điển hình của bệnh suy tủy xương liên quan đến giảm các tế bào máu. Hầu hết bệnh nhân sẽ gặp tình trạng thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng. Bản thân bệnh không có triệu chứng đau xương.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có bệnh lý khác kèm theo thì triệu chứng đau xương có thể là triệu chứng của bệnh lý đó chứ không phải triệu chứng của bệnh suy tủy xương. Một trong những đặc điểm mô học tủy xương ở bệnh nhân suy tủy xương là có hiện tượng mỡ hoá và xơ hoá tuỷ xương.
Hiện tượng xơ hoá ở trên tiêu bản sinh thiết tủy xương là đặc điểm thường gặp trong bệnh lý suy tủy xương.
"Trên kết quả xét nghiệm tuỷ xương của bệnh nhân có hình ảnh xơ hoá. Nếu không theo dõi và điều trị bệnh phù hợp thì theo thời gian tiến triển của bệnh, mức độ xơ hoá trong tuỷ xương có thể tăng lên, gây ảnh hưởng đến việc sản sinh các tế bào máu. Như vậy, mức độ giảm các tế bào máu có thể nặng lên khi tình trạng xơ hoá tiến triển tăng thêm", bác sĩ Bảo Anh khuyến cáo.
Đồng thời, bác sĩ cũng thông tin, đối với bệnh nhân suy tủy xương, thiếu máu là triệu chứng phổ biến do tuỷ xương không sản sinh được tế bào máu. Vì vậy thường đi kèm với hiện tượng thừa sắt. Thừa sắt ở bệnh nhân mắc bệnh này do cơ thể không sử dụng được nguyên liệu để tổng hợp hồng cầu.
Bệnh nhân thiếu máu nhưng thừa sắt không nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt bò hoặc các loại thịt đỏ. Bệnh nhân có thể lựa chọn cá, các loại thịt trắng, rau có màu đỏ, trắng hoặc vàng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn