Dưới đây là một số thông tin về tình trạng đau bắp chân, nguyên nhân gây đau bắp chân là gì và cách đối phó cũng như những triệu chứng cho thấy tình trạng đau bắp chân đã tới lúc cần thăm khám bác sĩ sớm mà bạn có thể tham khảo, theo Very Well Health:
Hầu hết các nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bắp chân tương đối vô hại và dễ điều trị. Tuy nhiên cơn đau bắp chân cũng có thể cảnh báo tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Do vậy mà điều quan trọng khi cơn đau bắp chân xảy ra chính là chú ý tới các triệu chứng liên quan xuất hiện, mức độ đau bắp chân như thế nào, dai dẳng hay nghiêm trọng hơn theo thời gian, từ đó thăm khám bác sĩ sớm để được can thiệp phù hợp.
- Chuột rút bắp chân
Theo Very Well Health, khoảng 60% người trưởng thành bị chuột rút ở bắp chân vào ban đêm, mỗi lần chuột rút bắp chân kéo dài trung bình 9 phút với nhiều mức độ đau khác nhau.
Chuột rút bắp chân được định nghĩa là tình trạng co thắt đột ngột, không tự nguyện của một hay nhiều cơ bắp chân. Cảm giác chuột rút bắp chân được mô tả là căng và rất đau, thậm chí có thể cảm thấy các nút thắt cơ rõ ràng, giật giật.
Tùy từng mức độ mà cơn chuột rút bắp chân thậm chí có thể khiến một người bị đau tới vài ngày.
Chuột rút ở bắp chân có thể là do: Mệt mỏi cơ bắp sau khi tập thể dục cường độ cao; thiếu hụt vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như hàm lượng vitamin B12 và D3; hàm lượng sắt thấp; mất cân bằng điện giải; các loại thuốc như Klonopin (clonazepam), Celebrex (celecoxib), Ambien (zolpidem) và Naprosyn (naproxen).
Để đối phó với chuột rút bắp chân, đầu tiên bạn cần nhanh chóng làm căng cơ sắp bị co rút càng nhanh càng tốt để giúp triệu chứng đau giảm nhẹ hơn. Nếu thường xuyên bị chuột rút bắp chân, đặc biệt là ban đêm, hãy thử tập một số bài tập kéo giãn cơ hay bị chuột rút như kéo gập lưng bàn chân hết mức trong bài phút để giảm nguy cơ.
- Căng cơ bụng chân (cơ gastrocnemius)
Căng cơ bụng chân là một chấn thương cấp tính xảy ra khi cơ lớn nhất của bắp chân bị căng quá mức đột ngột dẫn tới tổn thương. Căng cơ bụng chân thường xảy ra trong các hoạt động thể thao hoặc tập thể dục liên quan đến chạy nước rút hoặc nhảy.
Một số người nghe thấy tiếng "bốp" khi vết thương xảy ra nhưng không cảm thấy đau vào thời điểm đó. Thông thường, cơn đau nhói hoặc cảm giác xé rách cơ sẽ xuất hiện sau khi thực hiện một vài bước. Nếu căng cơ nghiêm trọng, bạn có thể bị sưng tấy, bầm tím và cơn đau có thể dữ dội hơn khi đi lại.
- Căng cơ dép (cơ Soleus)
Cơ dép có vai trò quan trọng trong việc nâng gót chân lên khỏi mặt đất. Nó cũng ổn định tư thế của bạn khi bạn đi hoặc chạy, ngăn bạn khỏi bị ngã về phía trước. Nếu bị căng cơ dép, bạn có thể cảm thấy đau nhức hoặc căng cứng sâu khi ấn vào gân Achilles.
Căng cơ Soleus là một chấn thương quá mức thường gặp khi chạy sức bền. Tuy nhiên, nhiều người chạy bộ không nhận thấy bất kỳ sự cố cụ thể nào gây ra hiện tượng đó. Các triệu chứng có xu hướng phát triển theo thời gian, bắt đầu bằng tình trạng mỏi cơ bắp chân. Tình trạng sưng tấy, bầm tím và đau nhói có thể xuất hiện cho đến khi việc chạy bộ trở nên quá khó khăn.
- Dập cơ bắp chân
Dập cơ bắp chân xảy ra khi các mạch máu dưới da bị rách hoặc vỡ, kết quả là cách mạch máu rò rỉ vào các mô cơ. Loại chấn thương này thường xảy ra sau khi một người bị ngã, va vào vật gì đó hoặc bị đập vào bắp chân.
Thông thường, người bị dập cơ bắp chân sẽ xuất hiện các vết bầm tím gây đổi màu da cùng với cảm giác đau nhức hoặc đau dữ dội. Sưng ở vùng bị tổn thương cũng có thể hạn chế khả năng di chuyển của bạn không được như bình tường.
Khi nghỉ ngơi và phục hồi chức năng, máu dưới da sẽ tái hấp thu vào cơ thể bạn khi vết bầm tím lành lại. Đôi khi, tình trạng dập cơ có thể dẫn đến tụ máu, trường hợp này có thể mất nhiều thời gian hơn để lành lại hoặc cần phải phẫu thuật dẫn lưu để loại bỏ máu tụ.
- Rách cơ gan bàn chân (Plantaris Muscle)
Rách cơ gan bàn chân có thể xảy ra khi có nhiều trọng lượng đột ngột dồn lên mắt cá chân trong khi đầu gối đang được duỗi ra.
Bạn có thể cảm thấy đau đột ngột ở phía sau chân khi chấn thương xảy ra. Vết bầm tím, sưng tấy và đau đớn có thể xuất hiện trong vài phút, vài giờ hoặc thậm chí vài ngày. Một số người cũng có thể bị chuột rút. May mắn thay, vết thương này thường có xu hướng tự lành.
- Viêm gân Achilles
Gân Achilles là gân lớn nhất trong cơ thể. Cơ này kéo dài từ bắp chân với sự hợp nhất của 3 cơ là 2 cơ bụng chân và cơ dép đến bám vào xương gót.
Khi gân Achilles bị kích thích, thường là do hoạt động quá mức, bạn có thể cảm thấy đau rát ở phần thấp của bắp chân. Bạn cũng có thể bị đau bắp chân, đau vùng gót đặc biệt là khi căng gót đứng trên đầu mũi chân và cứng khớp. Đây đều là những triệu chứng của viêm gân Achilles.
Một vết rách gân được gọi là đứt gân Achilles. Khi gân bị đứt, bạn có thể bị đau dữ dội, đột ngột, phù nề ở vùng gót chân; thậm chí bạn có thể nghe thấy tiếng "nổ bốp" hay "rắc" khi gân bị đứt.
- Baker's Cyst (nang hoạt dịch vùng khoeo chân)
Đây là nang chứa dịch nằm ở cạnh trong hố khoeo, lành tính hoàn toàn. Nang này có thể thông vào trong khớp gối, có thể kết hợp với thoái hóa sừng sau sụn chêm trong có hay không có kèm theo rách sụn chêm.
Nếu u nang Baker vỡ ra, chất lỏng có thể rò rỉ xuống vùng bắp chân, gây đau nhức ở bắp chân và sưng tấy.
- Đau thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa, dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể, nằm ở cả chân phải và chân trái. Dây thần kinh tọa có tác dụng gửi các xung thần kinh qua lại giữa chân và cột sống và điều khiển chuyển động của chân.
Đau dây thần kinh hông rất phổ biến (chạy từ lưng dưới xuống chân, thậm chí đến bắp chân). Cũng như nhiều tình trạng đau mãn tính, một số người nhận thấy họ bị đau cơ bắp chân nhiều hơn vào ban đêm.
Đau thần kinh tọa là do dây thần kinh bị chèn ép nên việc điều trị thường tập trung vào việc giải quyết cơn đau bằng thuốc hoặc đôi khi là phẫu thuật nếu cơn đau kéo dài. Điều trị bổ sung cũng có thể bao gồm vật lý trị liệu và châm cứu.
- Viêm gân khoeo
Cơ gân khoeo là một nhóm cơ hiện diện ở mặt sau của đùi, quấn quanh khớp gối của bạn, nối xương đầu gối với xương cẳng chân. Gân cơ khoeo và cơ khoeo phối hợp với nhau để xoay và ổn định đầu gối của bạn.
Viêm gân khoeo xảy ra khi gân bị viêm, thường là do hoạt động quá mức. Viêm gân khoeo gây đau ngay phía sau phần trên bắp cahan và một bên đầu gối. Cơn đau có thể trở nên trầm trọng hơn khi đi bộ hoặc chạy xuống dốc.
Trong một số ít trường hợp, gân khoeo cũng có thể bị rách. Đây là một chấn thương cấp tính thường do chấn thương, chẳng hạn như một cú đánh trực tiếp vào bên trong đầu gối. Chấn thương dạng này có thể gây đau và chảy máu ở khớp gối.
- Bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là một loại xơ vữa động mạch ở các chi, thường do sự tích tụ các chất béo tích tụ trong động mạch của chi trên và chi dưới.
PAD trong các động mạch ở cẳng chân được đặc trưng bởi cơn đau co thắt khi hoạt động (đau cách hồi). Điều này là do các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn ở giữa đùi hoặc đầu gối. Một người bị bệnh động mạch ngoại biên cẳng chân có thể bị đau mông, hông, đùi, bắp chân và/hoặc đau bàn chân khi đi bộ ngay cả khi quãng đường ngắn.
Một số bị đau bắp chân nghiêm trọng hơn vào ban đêm khi nằm kèm rối loạn dinh dưỡng da, rụng lông, tím, loét thiếu máu và hoại tử.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng trong đó cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu thường là ở bắp chân hoặc đùi với các triệu chứng như sưng tấy, đỏ nóng ấm ở bắp chân, đau nhức bắp chân, chuột rút ở vị trí bị tắc nghẽn.
Những người mắc bệnh tim mạch, béo phì và các tình trạng khác có nguy cơ phát triển các cục máu đông này.
- Gãy xương
Gãy xương hoặc gãy xương ở một trong các xương cẳng chân của bạn (xương chày hoặc xương mác) có thể do bị ngã hoặc bị chấn thương ở chân. Chấn thương này có thể gây đau bắp chân nghiêm trọng.
Một khi xương cẳng chân bị gãy, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại, cẳng chân sưng tấy nghiêm trọng và không thể chịu đựng được bất kì trọng lượng nào đè lên chân. Gãy xương hoàn toàn có thể khiến chân bị biến dạng và điều này cũng có thể xảy ra nếu xương bị gãy không lành lại đúng cách.
Hãy thăm khám bác sĩ sớm nếu không chắc chắn về nguyên nhân gây đau bắp chân là gì. Điều này đặc biệt cần thiết nếu cơn đau bắp chân dai dẳng và nghiêm trọng hơn. Bạn cũng cần gặp bác sĩ nếu cơn đau bắp chân khiến bạn:
- Không thể đi lại thoải mái ở bên chân bị ảnh hưởng.
- Chấn thương gây biến dạng cẳng chân.
- Đau bắp chân xảy ra vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi, khi nằm xuống.
- Đau bắp chân kéo dài vài ngày không thuyên giảm, ngay cả khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn.
- Sưng vùng bắp chân hoặc khớp mắt cá chân.
- Dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm sốt, tấy đỏ và nóng ấm bắp chân.
- Bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác kèm theo ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày.
Việc điều trị phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân của vấn đề và một số tình trạng gây đau bắp chân có thể dễ bị nhầm lẫn với những tình trạng khác. Việc chẩn đoán chính xác có thể đảm bảo bạn nhận được phương pháp điều trị cần thiết có thể bao gồm thăm khám tiền sử bệnh, các triệu chứng gặp phải (và kèm theo), các kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng tử MRI,...
Có một số thói quen trong lối sống mà bạn có thể áp dụng để ngăn ngừa nhiều nguyên nhân gây đau bắp chân, đặc biệt là những nguyên nhân liên quan đến cơ.
Để ngăn ngừa chuột rút và căng cơ ở bắp chân:
- Khởi động trước khi hoạt động gắng sức: Điều này có thể bao gồm giãn cơ, nhảy dây hoặc chạy bộ nhẹ nhàng tại chỗ. Mục đích là để các cơ của bạn thích nghi, linh hoạt hơn từ từ thay vì bắt đầu tập đột ngột.
- Hạ nhiệt sau khi tập luyện: Điều này có nghĩa là giảm tốc độ hoạt động của bạn ít nhất năm phút trước khi dừng tập hoàn toàn.
- Tránh tập thể dục quá sức, đặc biệt là ở môi trường nhiệt độ khắc nghiệt.
- Giữ nước: Uống đồ uống điện giải có thể giúp ngăn ngừa chuột rút cơ do mất cân bằng điện giải. Bạn cũng nên hạn chế rượu và caffeine vì cả hai đều có thể làm bạn mất nước.
Nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên, DVT và các rối loạn mạch máu khác có thể giảm bằng cách:
- Ngừng hút thuốc.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Ăn chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ.
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn, chất béo bão hòa và thực phẩm có đường.
Nhìn chung, một cơn đau bắp chân có thể cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe. Người bị đau bắp chân có thể thử các biện pháp giảm nhẹ tại nhà như nghỉ ngơi, nâng cao chân, chườm đá giảm đau nhưng tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kê đơn mà không có chỉ định từ bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn