Sự thay đổi màu sắc của phân được xem là dấu hiệu quan trọng phản ánh các bệnh lý ở đường tiêu hóa. Trong đó, phân nhạt màu (còn được gọi là phân bạc màu) là một tình trạng khá thường gặp trên thực tế, thường chỉ điểm cho những bất thường xảy ra tại hệ thống tạo mật. Nếu không được quan tâm, phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, lâu dài.
Bình thường, màu sắc của phân được quyết định chủ yếu dưới vai trò của stercobilinogen - một sản phẩm của sự thoái hóa bilirubin có trong mật. Khi stercobilinogen trong phân tiếp xúc với không khí, nó sẽ bị oxi hóa tạo thành stercobilin và khiến cho phân có màu vàng. Bên cạnh đó cũng không thể không kể đến tác dụng của những yếu tố như thức ăn, thuốc, ... đều có sự ảnh hưởng nhất định đến màu sắc của phân.
Dấu hiệu phân nhạt màu được sử dụng để mô tả tình trạng màu sắc của phân trở nên nhợt nhạt hơn so với bình thường khiến phân có màu như đất sét hoặc trắng như phân cò.
Phân nhạt màu có thể là do hậu quả của chế độ ăn không cân đối gây nên. Một chế độ ăn với quá nhiều chất béo có thể khiến màu sắc của phân trở nên nhợt nhạt hơn so với bình thường, tuy nhiên thường ít khi làm cho phân bạc màu như đất sét hoặc trắng như phân cò.
Hơn nữa, trong các trường hợp phân nhạt màu do nguyên nhân thức ăn thì màu sắc của phân thường là ít bền vững. Nó có thể được cải thiện nhanh chóng và trở về bình thường sau khi chế độ ăn được thay đổi một cách hợp lý. Vì vậy, phân nhạt màu trong các trường hợp này không đáng lo ngại nhiều.
Bất thường quá trình tạo mật cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng phân bạc màu xảy ra. Khi gan bị tổn thương do các nguyên nhân như viêm gan do thuốc, viêm gan do siêu vi, viêm gan do rượu, ... sẽ dẫn đến khả năng tạo mật của gan bị suy giảm. Hậu quả là dịch mật được đưa vào ống tiêu hóa ít hơn và stercobilinogen có trong phân cũng trở nên ít hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng phân trở nên bạc màu.
Phân bạc màu do bất thường hệ thống dẫn mật phổ biến hơn nhiều so với các nguyên nhân khiến phân bạc màu khác, và màu sắc của phân cũng thường là nhạt nhất. Ở những bệnh nhân này, chức năng tạo mật của gan vẫn diễn ra một cách bình thường. Tuy nhiên quá trình dẫn dịch mật từ gan xuống ruột đã bị gián đoạn do một nguyên nhân nào đó.
Những nguyên nhân làm gián đoạn, cản trở quá trình dẫn mật thường là các nguyên nhân gây tắc nghẽn như sỏi đường mật, xơ gan, khối u gây chèn ép ống mật, bất thường cấu trúc đường mật bẩm sinh, ...
Với các nguyên nhân gây gián đoạn lưu thông mật đột ngột như sỏi đường mật gây tắc thì phân chuyển từ màu vàng bình thường sang bạc màu rất nhanh. Trong khi đó các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường mật một cách từ từ như xơ gan hoặc u chèn ép vào ống mật thì tình trạng bạc màu của phân sẽ tiến triển một cách tăng dần.
Nhìn chung, phần lớn các trường hợp phân nhạt màu xảy ra đều là dấu hiệu phản ánh tình trạng bệnh lý. Do vậy, vấn đề chẩn đoán sớm để xác định nguyên nhân gây phân nhạt màu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.
Đối với các bệnh nhân bị phân nhạt màu, việc chẩn đoán ngoài dựa vào việc thăm khám lâm sàng sẽ còn phụ thuộc vào kết quả của một số các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm sinh hóa: Xét nghiệm sinh hóa thường được sử dụng để chẩn đoán các tình trạng phân bạc màu đó là xét nghiệm bilirubin máu, gồm có bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp, bilirubin gián tiếp, ...
Khi có tình trạng bilirubin toàn phần và bilirubin trực tiếp đều tăng cao sẽ gợi ý nhiều đến nguyên nhân phân bạc màu do tắc mật. Trong khi đó nếu bilirubin gián tiếp tăng cao thì gợi ý đến các vấn đề do nguyên nhân tan máu, ...
- Kết quả hình ảnh học: Các kết quả hình ảnh học như siêu âm bụng, CT-Scanner bụng không thuốc, CT-Scanner bụng có thuốc cản quang, MRI ổ bụng, ... được xem là các công cụ hiệu quả để phát hiện các dị thường cấu trúc đường mật. Từ đó xác định những bất thường ở gan, có hay không tình trạng tắc mật đang xảy ra và nguyên nhân gây tắc mật là gì.
Những kết quả hình ảnh học này không chỉ là cơ sở để chẩn đoán mà còn là dữ kiện để có thể đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp cho người bệnh.
Ngoài ra bệnh nhân còn được thực hiện thêm một số các xét nghiệm thường quy khác như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận, ...
Vấn đề điều trị phân nhạt màu chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì. Nếu phân chỉ có màu sắc hơi nhợt nhạt do thức ăn có nhiều dầu mỡ và nhanh chóng cải thiện sau khi thay đổi chế độ ăn thì không cần thiết phải quá lo lắng. Tuy nhiên khi phân nhạt màu đột ngột, phân nhạt màu nhiều, kéo dài dai dẳng hoặc có kèm theo các dấu hiệu bất thường như sốt, đau bụng, ... thì vấn đề điều trị cần phải được đặt ra sớm.
Với các trường hợp phân nhạt màu do chức năng tổng hợp dịch mật bị suy giảm, nội dung điều trị sẽ chủ yếu xoay quanh vấn đề cải thiện chức năng gan, loại bỏ hoặc ức chế các nguyên nhân gây tổn thương gan như rượu, virus gây viêm gan, ... Khi chức năng gan được cải thiện, vấn đề phân nhạt màu sẽ được giải quyết một cách từ từ.
Còn trong những trường hợp phân nhạt màu do nguyên nhân tắc nghẽn tại hệ thống dẫn mật thì thường sẽ cần can thiệp ngoại khoa. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn hệ thống dẫn mật là gì mà các bác sĩ sẽ có phương pháp can thiệp thích hợp nhằm khơi thông lại dòng chảy bình thường của hệ thống ống dẫn mật, chẳng hạn như tán sỏi đối với các trường hợp do sỏi, phẫu thuật cắt bỏ khối u gây chèn ép, ...
Khi phân nhạt màu không được giải quyết, nó sẽ gây ra nhiều vấn đề với các mức độ nguy hiểm khác nhau.
Vấn đề hay gặp nhất sau khi bị phân nhạt màu đó chính là vàng da. Bilirubin bị ứ đọng sẽ từ gan, hệ thống mật thẩm thấu vào máu và lắng đọng tại các cơ quan như da, niêm mạc, kết mạc mắt khiến da và mắt trở nên vàng. Nếu nồng độ bilirubin trong máu tăng quá cao, nó thậm chí có thể thấm vào tổ chức não và gây nên bệnh não bilirubin.
Hoặc khi các nguyên nhân phân nhạt màu do tắc mật không được giải quyết kịp thời thì áp lực trong đường mật sẽ tăng cao. Lâu dần sẽ gây nên các tổn thương ngược dòng lên gan, thậm chí gây nên tình trạng xơ gan do ứ mật.
Đặc biệt, với các trường hợp phân nhạt màu có đi kèm với nhiễm trùng đường mật thì tình trạng của người bệnh có thể diễn biến một cách rất nhanh chóng, thậm chí đưa đến nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu cho tình trạng phân nhạt màu, tuy nhiên có thể dự phòng nó xảy ra thông qua các biện pháp như:
- Hạn chế uống rượu để tránh các tổn thương gan do rượu.
- Tiêm vaccine phòng viêm gan, thực hiện tốt các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với người mắc viêm gan siêu vi, quan hệ tình dục an toàn.
- Có chế độ ăn uống cân bằng với tỷ lệ chất béo thích hợp.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường ở hệ thống gan mật và xử lý kịp thời nếu có.
Tóm lại, phân nhạt màu không phải một bệnh nhưng lại là một dấu hiệu thường phản ánh bệnh, đặc biệt là bệnh ở hệ thống gan mật. Do đó, người bị phân nhạt màu không được chủ quan khi phát hiện vấn đề này, cần đi khám sớm để được chẩn đoán xác định nguyên nhân. Từ đó đưa ra hướng xử lý một cách kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn