Những điều cần biết về thực phẩm hữu cơ và tiêu chuẩn sạch

20:30 | 27/11/2024;
Thực phẩm hữu cơ có thể được coi là thực phẩm sạch nhưng không phải tất cả thực phẩm sạch đều là hữu cơ. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng ngày nay cho thấy nhiều người lựa chọn thực phẩm hữu cơ vì an toàn sức khỏe.

Thực phẩm hữu cơ có "sạch"

TS Bùi Thị Mai Hương, Trưởng khoa Vi sinh thực phẩm và Sinh học phân tử, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, thực phẩm hữu cơ là các loại thực phẩm được nuôi trồng bằng phương pháp hữu cơ. Phương thức nuôi trồng này yêu cầu không sử dụng phân bón hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, các chất kích thích tăng trưởng.

Những điều cần biết về thực phẩm hữu cơ và tiêu chuẩn sạch- Ảnh 1.

TS Bùi Thị Mai Hương, Trưởng khoa Vi sinh thực phẩm và Sinh học phân tử, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 11041 đã quy định, một sản phẩm được công bố là sản phẩm chế biến "hữu cơ" khi sản phẩm có chứa ít nhất 95% thành phần nguyên liệu là hữu cơ, bao gồm các yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm (nông nghiệp hữu cơ, trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, gạo hữu cơ, chè hữu cơ, sữa hữu cơ, tôm hữu cơ).

Theo TS Bùi Thị Mai Hương, thực phẩm hữu cơ được nuôi trồng trong hệ thống sản xuất tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc về nông nghiệp hữu cơ sẽ giảm thiểu tối đa các nguy cơ ô nhiễm các chất độc hại với cơ thể (như hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y… có nguồn gốc phi hữu cơ). Đây cũng là một ưu điểm nhằm hạn chế các chất có hại, các loại tồn dư không mong muốn trong thực phẩm, hạn chế nguy cơ ngộ độc cấp và ngộ độc mạn tính, nâng cao sức khỏe người tiêu dùng.

Theo TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), căn cứ vào Luật An toàn Thực phẩm Việt Nam, các đặc điểm chính của thực phẩm hữu cơ liên quan đến nguyên liệu trồng trọt, chăn nuôi và chế biến hữu cơ.

Những điều cần biết về thực phẩm hữu cơ và tiêu chuẩn sạch- Ảnh 2.

TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai)

Cụ thể, nguyên liệu trồng trọt phải sử dụng phân bón hữu cơ (compost, phân xanh), luân canh cây trồng để cải thiện đất và kiểm soát dịch bệnh. Chăn nuôi hữu cơ phải đảm bảo tiêu chí động vật được nuôi trong điều kiện tự nhiên, không sử dụng kháng sinh hoặc hormone tăng trưởng. Trong chế biến, đảm bảo không chứa các chất phụ gia tổng hợp như chất bảo quản, màu nhân tạo hoặc hương liệu hóa học.

"Ở Việt Nam, sản phẩm hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 11041, đồng thời được chứng nhận bởi các tổ chức kiểm định như PGS hoặc quốc tế (USDA Organic, EU Organic)", TS Lê Thị Thu Hương cho biết.

Các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch

Ngày nay, trên thế giới có rất nhiều quy định, tiêu chí để kiểm nghiệm, đảm bảo tính an toàn cho nguồn thực phẩm. "Thực phẩm sạch" là cụm từ hay được sử dụng trong cuộc sống dùng để chỉ thực phẩm không có hại cho sức khỏe, có các chỉ tiêu nằm trong giới hạn an toàn, được kiểm soát và sử dụng đúng mục đích. Các thực phẩm phù hợp với các quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng và giới hạn ô nhiễm trong thực phẩm đều có thể coi là thực phẩm sạch.

Thực phẩm sạch là thực phẩm đảm bảo không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, được sản xuất, chế biến và bảo quản theo quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Cụ thể: Không chứa hóa chất độc hại vượt mức quy định (không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hoặc hormone tăng trưởng; không nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, hoặc cadmium). Đạt các chỉ tiêu an toàn vi sinh vật (không nhiễm vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E. coli, hoặc Listeria; đảm bảo không có nấm mốc hoặc độc tố vi nấm như aflatoxin). Quy trình sản xuất và chế biến an toàn (tuân thủ các tiêu chuẩn như VietGAP, HACCP, hoặc ISO 22000; sản xuất và chế biến trong môi trường vệ sinh, không nhiễm chéo). Truy xuất nguồn gốc rõ ràng (có thể xác định nguồn gốc nguyên liệu, quy trình canh tác hoặc chế biến để đảm bảo minh bạch và trách nhiệm).

"Thực phẩm hữu cơ có thể được coi là thực phẩm sạch, nhưng không phải tất cả thực phẩm sạch đều là hữu cơ. Để phân biệt, thì thực phẩm hữu cơ được sản xuất theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, hạn chế hóa chất và sử dụng các phương pháp tự nhiên, vì vậy thường đạt tiêu chí "sạch" về hóa chất độc hại. Tuy nhiên, thực phẩm hữu cơ vẫn cần đáp ứng các quy định về vi sinh vật, bảo quản để đảm bảo an toàn. Còn thực phẩm sạch chỉ cần đáp ứng mức an toàn quy định về hóa chất, vi sinh vật và không nhất thiết phải tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ", TS Lê Thị Thu Hương làm rõ.

Do đó, thực phẩm hữu cơ là một phân khúc cao cấp hơn trong nhóm thực phẩm sạch. Tại Việt Nam, các tiêu chuẩn phổ biến nhất để đánh giá thực phẩm sạch bao gồm VietGAP, HACCP, ISO 22000, Tiêu chuẩn Codex, TCVN.

VietGAP là tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo thực phẩm sạch thông qua các yêu cầu về: An toàn thực phẩm (giảm tồn dư hóa chất, kim loại nặng). Bảo vệ môi trường. Truy xuất nguồn gốc rõ ràng. HACCP là hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn, thường áp dụng cho ngành chế biến thực phẩm, đảm bảo thực phẩm không chứa vi sinh vật hoặc chất gây hại vượt mức quy định.

ISO 22000 là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn thực phẩm, tích hợp HACCP và các nguyên tắc về quản lý chất lượng. Codex là quy chuẩn thực phẩm do Ủy ban Codex Alimentarius ban hành, áp dụng cho nhiều sản phẩm xuất khẩu và nội địa. Ngoài ra TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam) có quy định một số TCVN về an toàn thực phẩm như: TCVN 5603 là HACCP trong sản xuất thực phẩm. TCVN 1110 là quy chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

"Những tiêu chuẩn này không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế", TS Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Qua phân biệt và hiểu rõ hơn về thực phẩm hữu cơ và tiêu chuẩn sạch sẽ giúp người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn