Điều trị tăng huyết áp là một quá trình lâu dài, liên tục bằng sự phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, các loại thuốc điều trị tăng huyết áp đóng vai trò quan trọng trong điều trị và kiểm soát huyết áp cho người bệnh.
Trong các vấn đề đối với việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp thì vấn đề đầu tiên được quan tâm chính là khi nào thì bệnh nhân nên bắt đầu sử dụng thuốc.
Trên thực tế, vấn đề thời điểm bắt đầu sử dụng thuốc ở các bệnh nhân khác nhau là không giống nhau. Thời điểm cụ thể được đưa ra dựa trên mức độ tăng huyết áp, tuổi tác của bệnh nhân, nguy cơ tim mạch,...
Theo các khuyến cáo hiện nay, thời điểm tăng sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp ở các nhóm bệnh nhân như sau:
- Các bệnh nhân tiền tăng huyết áp (huyết áp ở mức 130-139mmHg/85-90mmHg) thì chưa cần thiết sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, chỉ sử dụng thuốc khi bệnh nhân có nguy cơ tim mạch rất cao (có bệnh tim mạch có triệu chứng, bệnh thận mạn giai đoạn 4 hoặc bệnh đái tháo đường có biến chứng tổn thương cơ quan).
- Đối với các bệnh nhân tăng huyết áp mức độ 1 (huyết áp từ 140-159mmHg/90-99mmHg): Thuốc điều trị tăng huyết áp nên được sử dụng sau khi áp dụng thay đổi lối sống trong từ 3-6 tháng nhưng không đem lại hiệu quả mong muốn. Hoặc cho bệnh nhân sử dụng thuốc hạ huyết áp ngay lập tức nếu bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao (bệnh thận mạn giai đoạn 3, bệnh đái tháo đường chưa có biến chứng tổn thương cơ quan) hoặc có nguy cơ tim mạch rất cao.
- Đối với các bệnh nhân tăng huyết áp mức độ 2 và mức độ 3: Các thuốc tăng huyết áp nên được bắt đầu sử dụng ngay lập tức sau khi chẩn đoán, cùng với đó là áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống cần thiết.
Giống với bất kỳ phương pháp điều trị nào khác, việc sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có những ưu và nhược điểm nhất định. Sau đây là các ưu điểm và nhược điểm chính khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp.
- Hiệu quả nhanh chóng: Ưu điểm đầu tiên phải nhắc đến của việc sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp là hiệu quả điều trị được thể hiện rất nhanh sau khi sử dụng, thậm chí chỉ cần một vài phút là đã có thể đem lại hiệu quả hạ huyết áp. Đây là ưu điểm dễ thấy nhất của hạ huyết áp bằng thuốc so với các phương pháp điều chỉnh lối sống- thường sẽ đem lại hiệu quả rất chậm.
- Tiện lợi, dễ sử dụng: Các loại thuốc hạ huyết áp sử dụng hằng ngày đều được bào chế ở dạng viên uống, điều này khiến cho việc sử dụng thuốc trở nên đơn giản và tiện lợi hơn rất nhiều.
- Tác dụng phụ: Nếu các phương pháp thay đổi lối sống có thể hạ huyết áp mà hoàn toàn không gây nên bất kỳ tác dụng phụ nào thì việc sử dụng thuốc hạ huyết áp lại hoàn toàn ngược lại, bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với các tác dụng phụ khác nhau của thuốc. Chẳng hạn kể đến như ho khan khi dùng thuốc ức chế men chuyển, phù mạch khi dùng thuốc chẹn kên calci, chậm nhịp tim khi dùng thuốc chẹn kênh beta giao cảm,...
- Tốn chi phí: Vấn đề kinh tế cũng là một nhược điểm của điều trị bằng thuốc so với các biện pháp thay đổi lối sống. Các loại thuốc thế hệ mới với hiệu quả hạ huyết áp tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn thường đòi hỏi chi phí cao hơn. Điều này khiến cho một số bệnh nhân không thể theo đuổi được quá trình điều trị lâu dài bằng các loại thuốc tốt nhất và phù hợp nhất.
Có rất nhiều nhóm thuốc khác nhau có hiệu quả hạ huyết áp và có thể được sử dụng để hạ huyết áp. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số nhóm thuốc nhất định được sử dụng phổ biến để hạ huyết áp cho bệnh nhân bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh calci, thuốc tác dụng lên hệ Renin-Angiotensin-Aldosterol, thuốc chẹn beta giao cao cảm, và một số thuốc khác.
Thuốc lợi tiểu được biết đến là một trong các thuốc điều trị tăng huyết áp kinh điển. Cơ chế hạ huyết áp chung của các thuốc lợi tiểu là dựa vào sự tác động lên cơ chế lọc và tái hấp thu ở cầu thận, ống thận. Điều này dẫn đến nước tiểu được bài tiết nhiều hơn, làm giảm thể tích tuần hoàn trong lòng mạch và giảm áp lực trong lòng mạch. Kết quả cuối cùng của quá trình này là giảm huyết áp của người bệnh.
Tùy thuộc vào cơ chế tác dụng, vị trí tác dụng, hiệu quả tác dụng nhanh hay chậm và thời gian hiệu lực điều trị,... mà người ta sẽ lựa chọn các nhóm lợi tiểu khác nhau cho từng trường hợp tăng huyết áp.
Nếu như các loại thuốc lợi tiểu thiazid hay lợi tiểu giống thiazid nhờ hiệu quả lợi tiểu ở mức trung bình, thời gian tác dụng kéo dài, đáp ứng ngay ở liều thấp,... nên thường được sử dụng làm thuốc điều trị đầu tay cho các trường hợp tăng huyết áp và có thể được áp dụng hàng ngày để kiểm soát huyết áp. Còn đối với các thuốc lợi tiểu quai, do tác dụng lợi tiểu mạnh, thời gian khởi phát tác dụng sau khi sử dụng nhanh, thời gian hiệu lực ngắn,... do đó chúng thường được chỉ định sử dụng hơn đối với các trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp cấp cứu.
Nhìn chung, do tác động vào quá trình lọc và tái hấp thu ở cầu thận, do đó việc sử dụng các thuốc lợi tiểu thường gây nên các tác dụng phụ như rối loạn điện giải (được quan tâm đến nhiều nhất là tình trạng rối loạn kali máu) và rối loạn tái hấp thu các chất ở cầu thận, gây giảm thể tích tuần hoàn nếu sử dụng quá liều,...
Cũng là một trong các nhóm thuốc được sử dụng rất phổ biến trong điều trị tăng huyết áp hiện nay, thuốc chẹn kênh calci có thể được sử dụng cho cả mục đích kiểm soát huyết áp hằng ngày (amlodipin,...) hoặc hạ áp nhanh trong các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu (nifedipin, nicardipin,...).
Cơ chế tác dụng của thuốc chẹn kênh calci là do sự tác động của thuốc lên các kênh calci ở các tế bào cơ trơn thành mạch và các tế bào cơ tim, làm cho ion Ca2 không thể ra vào tế bào một cách bình thường. Do đó, nó làm cản trở sự co cơ trơn thành mạch và cơ tim. Kết quả cuối cùng là làm giảm sức cản mạch máu và giảm khả năng tống máu của tim nên giúp hạ huyết áp cho người bệnh.
Các tác dụng phụ thường thấy nhất khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn kênh calci kể đến bao gồm tình trạng chậm nhịp tim, mặt bệnh nhân trở nên đỏ bừng, phù ngoại biên, hay táo bón nặng,...
Hệ RAA là một thành phần quan trọng trong cơ chế điều hòa huyết áp của cơ thể. Sự thay đổi áp lực lọc của cầu thận hoặc nồng độ Na khiến thận chế tiết Renin vào máu, dưới tác dụng của Renin thì Angiotensinogen ở gan sẽ được chuyển hóa thành Angiotensin 1, sau đó Agiotenin 1 được chuyển thành Agiotensin 2 nhờ tác dụng của converting enzym. Angiotensin 2 là chất có tác dụng co mạch rất mạnh nên gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó, sự co thắt các mạch máu ở tuyến vỏ thượng thận lại khiến vỏ thượng thận chế tiết Aldosterol có tác dụng giữ muối và nước, nên lại càng làm tăng huyết áp của bệnh nhân.
Có hai nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp chính tác dụng lên hệ RAA là thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể.
- Thuốc ức chế men chuyển: Hay sử dụng là các thuốc như captopril, peridopril,... Thuốc gây ức chế tác dụng của coverting enzym nên khiến Angiotensin 1 không thể chuyển thành Angiotensin 2 nên ngăn chặn chuối phản ứng co mạch và giảm tình trạng giữ muối, nước ở bệnh nhân và gây hạ huyết áp. Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển là ho khan do ức chế quá trình giáng hóa bradikinin, tăng kali máu, phù mạch...
- Thuốc ức chế thụ thể: Người ta thấy rằng, converting enzym không phải là con đường duy nhất để Angiotensin 1 có thể chuyển thành Angiotensin 2, vẫn còn có một số cơ chế khác nhau có thể thúc đẩy quá trình này và Angiotensin 2 vẫn có thể được tạo ra. Do đó, thuốc ức chế thụ thể Angiotensin 2 gây ức chế thụ thể tiếp thụ khiến Angiotensin 2 không thể phát huy tác dụng nên có thể được dùng để hạ huyết áp cho bệnh nhân. Việc sử dụng thuốc ức chế thụ thể cũng có thể gây phù mạch, và tăng kali máu, tuy nhiên lại không gây tình trạng ho khan nhiều như thuốc ức chế men chuyển. Các thuốc hay dùng kể đến như Losartan, Telmisartan,...
Các thuốc chẹn kênh beta không phải là một chỉ định phổ biến đối với việc kiểm soát huyết áp thông thường trong điều trị tăng huyết áp. Nó thường được sử dụng cho một số các trường hợp có các chỉ định cụ thể chẳng hạn như tăng huyết áp ở bệnh nhân suy tim, bệnh nhân bị đau thắt ngực, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim,...).
Cơ chế tác dụng chính của thuốc là tác động lên thụ thể beta giao cảm tại tim, tại thành mạch và cả hệ tuần hoàn. Từ đó gây tác dụng làm giảm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, giãn mạch và cuối cùng là gây hạ huyết áp.
Các tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải khi bệnh nhân sử dụng thuốc kể đến như gây chậm nhịp tim, gây co thắt phế quản, mệt mỏi, giấc ngủ bị rối loạn,...
Bên cạnh các thuốc điều trị tăng huyết áp như đã nêu sơ bộ ở trên, thì trên thực tế bác sĩ còn có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng một số nhóm thuốc khác chẳng hạn như các thuốc đối kháng Aldosterol (Spironolacton, Eplerenone,...) hay được sử dụng cho các trường hợp tăng huyết áp kháng các điều trị chuẩn, hay các thuốc gây giãn mạch trực tiếp Hydralazin, thuốc tác động lên hệ giao cảm trung ương (Methyldopa, Reserpin),...
Nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng, liệu có thể sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc hạ huyết áp hay không và điều này có nên hay không?
Thực tế các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra, việc bệnh nhân kết hợp điều trị bằng hai loại thuốc điều trị tăng huyết áp (dù ở liều thấp) giúp tăng hiệu quả hạ huyết áp, giảm nguy cơ tác dụng phụ và ít gây các biến cố tim mạch hơn so với việc chỉ sử dụng một thuốc điều trị tăng huyết áp ở liều cao. Do đó, phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp rất thường được sử dụng trong thực tế điều trị hiện nay.
Các loại thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể nên được phối hợp với thuốc chẹn kênh calci hoặc thuốc lợi tiểu. Hoặc cũng có thể phối hợp thuốc lợi tiểu với thuốc chẹn kênh calci. Tuy nhiên không nên sử dụng phối hợp thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể chung với nhau do chúng không làm tăng hiệu quả nhưng lại gây nhiều nguy cơ tác dụng phụ hơn.
Hiện nay, đã có nhiều chế phẩm khác nhau chứa cùng lúc nhiều hoạt chất có khả năng điều trị tăng huyết áp đã được ra đời để phục vụ mục đích phối hợp thuốc trong điều trị tăng huyết áp chính xác hơn và dễ sử dụng hơn.
Bởi vấn đề phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp là vấn đề rất phức tạp cần kiến thức chuyên môn vững chắc. Do đó, phối hợp thuốc chỉ nên diễn ra dưới sự chỉ định của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý phối hợp sử dụng các loại thuốc tăng huyết áp.
Để sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp hiệu quả và an toàn thì bệnh nhân và người nhà nên nhớ một số lưu ý sau đây:
- Các thuốc điều trị tăng huyết áp cần phải được sử dụng đều đặn và duy trì lâu dài suốt đời, kể cả khi huyết áp đã được kiểm soát thì vẫn không được tự ý ngưng sử dụng thuốc để tránh huyết áp tăng cao đột ngột.
- Tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ về loại thuốc điều trị tăng huyết áp, liều lượng, thời gian sử dụng,... để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của thuốc, hạn chế tác dụng phụ.
- Chỉ sử dụng thuốc là không đủ để điều trị tăng huyết áp hiệu quả và an toàn. Bên cạnh việc sử dụng thuốc bệnh nhân cần phải áp dụng tích cực các biện pháp thay đổi lối sống có lợi cho người tăng huyết áp như ăn ít muối, ăn ít chất béo bão hòa, ngưng hút thuốc lá, tập thể dục, kiêng rượu bia,...
- Phải nắm bắt được cách nhận biết các tác dụng phụ do thuốc điều trị tăng huyết áp gây ra để phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu có.
- Luôn theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và đến thăm khám tại cơ sở y tế theo đúng lịch hẹn mà bác sĩ đã đề xuất.
Trên đây là một số các kiến thức cơ bản về vấn đề sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần thực hiện thăm khám đầy đủ và kỹ lưỡng bởi các bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn