Những điều cần biết về tình trạng mất nước ở người cao tuổi

15:58 | 16/05/2023;
Mất nước rất nguy hiểm cho dù bạn ở độ tuổi nào, nhưng người cao tuổi có nguy cơ bị mất nước cao hơn các nhóm tuổi khác.

Mất nước xảy ra khi cơ thể bạn mất nhiều chất lỏng hơn mức cần thiết. Cơ thể cần nước cho nhiều quá trình khác nhau, bao gồm điều chỉnh nhiệt độ, loại bỏ chất thải và bôi trơn các khớp. Do vậy, nếu như cơ thể mất nước, một số tình trạng sức khoẻ có thể xảy ra, đặc biệt đối với người cao tuổi.

1. Tại sao người cao tuổi dễ mất nước hơn?

Mất nước xảy ra khi bạn không uống đủ nước. Khi hàm lượng nước trong cơ thể bạn quá thấp, nó sẽ gây ra tổn thương nhanh chóng. Mất nước đặc biệt phổ biến vào những ngày nắng nóng hoặc sau khi tập thể dục mạnh. Mất nước nhẹ hoặc trung bình rất dễ phục hồi, nhưng mất nước nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Đặc biệt, đối với người cao tuổi, tình trạng mất nước cần được quan tâm đặc biệt hơn. Một nghiên cứu của Đại Học California, Los Angeles (UCLA) cho thấy 40% người cao niên có thể bị thiếu nước mãn tính.

Lý do người cao tuổi dễ mất nước hơn bình thường là do:

- Khi già đi, lượng chất lỏng trong cơ thể bắt đầu giảm, có nghĩa là cơ thể có ít nước dự trữ hơn để sử dụng.

- Người cao tuổi thường bị giảm phản ứng khát nước nên họ không biết khi nào cần bổ sung nước.

- Có thể người già gặp tình trạng sức khỏe nào đó hoặc dùng thuốc làm tăng nguy cơ mất nước, chẳng hạn như thuốc huyết áp giúp đẩy nước ra khỏi cơ thể.

- Chức năng của thận có thể suy giảm theo tuổi tác, điều này khiến cho người lớn tuổi đi tiểu nhiều hơn, khiến cơ thể dễ bị mất nước hơn.

Những điều cần biết về tình trạng mất nước ở người cao tuổi - Ảnh 1.

Người cao tuổi dễ mất nước hơn do nhiều chức năng của cơ thể bị suy giảm (Ảnh: Internet)

2. Các triệu chứng mất nước ở người cao tuổi

Một số dấu hiệu và triệu chứng mất nước phổ biến bao gồm:

- Khô miệng

- Mệt mỏi

- Đôi mắt trũng sâu

- Đi tiểu ít

- Nước tiểu có màu đậm hơn bình thường

- Chuột rút cơ bắp

- Cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng

Những điều cần biết về tình trạng mất nước ở người cao tuổi - Ảnh 2.

Cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng là một trong những biểu hiện của tình trạng mất nước (Ảnh: ST)

Các triệu chứng mất nước nghiêm trọng hơn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Những triệu chứng này bao gồm:

- Nhịp tim nhanh

- Gặp khó khăn trong chuyển động hoặc đi bộ

- Nhầm lẫn hoặc mất phương hướng

- Ngất xỉu

- Tiêu chảy hoặc nôn kéo dài hơn 24 giờ

3. Mất nước ở người cao tuổi nguy hiểm không?

Nếu mất nước ở người cao tuổi không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

- Các vấn đề về tiết niệu và thận, bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận và thậm chí là suy thận

- Co giật do nồng độ kali và natri thấp

- Kiệt sức vì nóng hoặc say nắng

- Sốc giảm thể tích, một biến chứng đe dọa tính mạng gây giảm huyết áp và nồng độ oxy do lượng máu thấp

4. Người cao tuổi bị mất nước nên làm gì?

Điều quan trọng nhất khi bị mất nước là bù nước một cách nhanh chóng. Đối với tình trạng mất nước nhẹ đến trung bình, mọi người có thể uống nước hoặc các chất lỏng khác, chẳng hạn như nước trái cây hoặc nước canh.

Nếu mất nước do tiêu chảy hoặc nôn mửa, lúc này cơ thể bị mất nước và chất điện giải đáng kể. Trong những tình huống này, uống đồ uống có chứa chất điện giải có thể hữu ích.

Nếu tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn, người cao tuổi cần được nhập viện nhanh chóng. Trong tình huống này, chất lỏng và chất điện giải sẽ được truyền vào tĩnh mạch.

Những điều cần biết về tình trạng mất nước ở người cao tuổi - Ảnh 3.

Điều quan trọng nhất khi bị mất nước là bù nước một cách nhanh chóng (Ảnh: ST)

5. Cách ngăn ngừa mất nước ở người cao tuổi

Để phòng ngừa tình trạng mất nước ở người cao tuổi, nhất là vào những ngày nắng nóng, mọi người nên:

- Cố gắng uống nước suốt cả ngày kể cả khi cơ thể không thấy khát. Ngoài nước lọc, người cao tuổi có thể uống thêm sữa, nước ép trái cây ít đường. Lưu ý, mọi người nên uống ít cà phê và trà, vì chúng có thể có tác dụng lợi tiểu, làm tăng nguy cơ mất nước.

- Bổ sung những thực phẩm có hàm lượng nước cao như dưa hấu, dưa chuột, cần tây, dâu tây,...

- Nếu người cao tuổi bị ốm với các triệu chứng như sốt, nôn mửa hoặc tiêu chảy, hãy đảm bảo uống nhiều nước hơn bình thường.

- Hạn chế ra ngoài vào những giờ nắng nóng cao điểm (10h sáng đến 16h chiều). Nếu cần thiết, mọi người nên mang chai nước bên người để bổ sung dễ dàng.

Lưu ý, người cao tuổi có thể gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc dễ quên nên có thể không bổ sung đủ nước. Nếu bạn là người chăm sóc họ, bạn nên nhắc nhở hoặc để nước ở những khu vực thuận tiện.

Những điều cần biết về tình trạng mất nước ở người cao tuổi - Ảnh 4.

Bổ sung nước thường xuyên là cách phòng ngừa tốt nhất để tránh cơ thể mất nước. tuy nhiên uống với lượng vừa đủ với nhu cầu của cơ thể (Ảnh: ST)

6. Người cao tuổi nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Đối với người bình thường, nguyên tắc chung về lượng nước nên uống mỗi ngày là: Cân nặng (kg) x 2 x 0,5 = Lượng nước cơ thể cần (oz). Trong đó, 1oz = 0,03l

Ví dụ, một người nặng 60kg sẽ cần: 60 x 2 x 0,5 = 60 (oz), tức là cần 1,8l nước.

Tất nhiên, nếu thời tiết quá nóng hoặc mất nhiều mồ hôi do vận động, mọi người cần bù nước nhiều hơn bình thường.

Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, họ thường sử dụng các loại thuốc khác nhau và có các tình trạng sức khỏe khác nhau, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ của họ để biết lượng nước là tốt nhất cho cơ thể của họ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn