Những điều cần biết về tình trạng viêm nướu răng ở trẻ em

12:42 | 06/10/2021;
Viêm nướu răng ở trẻ em là một bệnh lý răng miệng khá phổ biến có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ răng miệng trẻ. Phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần hiểu rõ về bệnh để đưa ra biện pháp chăm sóc và điều trị hợp lý cho bé.

Viêm nướu răng ở trẻ em là một trong số các bệnh lý nha khoa phổ biến do trẻ nhỏ chưa có ý thức trong việc tự chăm sóc răng miệng.

Tuy rằng bệnh không ảnh hưởng đến hệ thống xương ổ răng, cement gốc răng, dây chằng nha chu... nhưng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm nướu răng ở trẻ

Nướu là một bộ phận có tác dụng bảo vệ và giữ cho chân răng được chắc chắn. Bệnh viêm nướu xảy ra khi nướu của trẻ bị sưng và chảy máu bất thường. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể kể đến như:

- Viêm nướu do mọc răng:

Đây là tình trạng xảy ra trong quá trình mọc răng của trẻ. Trong thời gian này, thức ăn dễ tích tụ và hình thành nên các mảng bám gây viêm nhiễm nướu. Tình trạng viêm nướu do mọc răng ở trẻ nhỏ chỉ có tính chất tạm thời. tuy nhiên một số ít trường hợp vẫn dẫn đến áp xe quanh thân răng khá nguy hiểm.

Viêm nướu răng ở trẻ em và những điều cần biết - Ảnh 2.

Viêm nướu răng là tình trạng viêm nhiễm ở khu vực nướu răng (Ảnh: Internet)

- Vệ sinh răng miệng không đúng cách:

Trẻ em thông thường đều chưa có khả năng ý thức được việc chăm sóc răng miệng. Chải răng không đúng cách khiến răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ dễ dẫn đến viêm nướu.

- Chế độ ăn uống không hợp lý:

Đa phần trẻ em đều rất thích ăn vặt, ăn nhiều bánh kẹo ngọt, nước có gas,... Những thói quen ăn uống theo sở thích và không lành mạnh kết hợp với việc vệ sinh răng miệng không đúng cách sẽ dẫn đến viêm nướu và sâu răng.

- Viêm nướu răng ở trẻ em do Herpes nguyên phát:

Là một dạng nhiễm trùng cấp tính do virus Herpes single type I gây ra, bệnh còn được gọi là viêm lợi phồng rộp. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi và thường lây nhiễm qua đường hô hấp dưới dạng bọt khí với thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần.

- Viêm nướu răng do tưa lưỡi:

Bệnh này khá thường gặp và do nấm candida gây ra. Ở người bình thường, loại virus này sẽ cư trú trong khoang miệng và không gây bệnh. Nhưng nếu trẻ có sức đề kháng kém, vi nấm này có thể sinh sôi nhanh và gây bệnh.

Bệnh thường gặp ở trẻ dùng liệu pháp kháng sinh tại chỗ hoặc trẻ sơ sinh bị nhiễm nấm khi sinh từ cơ quan sinh dục của người mẹ.

- Viêm nướu do các bệnh về máu:

Nướu có chứa nhiều mạch máu, do đó nếu trẻ đang gặp các bệnh về máu sẽ có khả năng cao mắc bệnh viêm nướu. Bệnh khá nguy hiểm, trẻ có hiện tượng lợi đỏ rực ở cả hai hàm, dễ chảy máu...

2. Viêm nướu răng ở trẻ em có nguy hiểm không?

Tuy rằng đây là một bệnh lý nha khoa khá phổ biến và không gây quá nhiều phiền toái. Nhưng nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời thì bệnh có thể diễn tiến nặng nề với nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những biến chứng của viêm nướu ở trẻ em khá nguy hiểm, chúng có thể tác động trực tiếp tới chất lượng men răng. Việc này dẫn đến răng bị ngả màu và dễ có nguy cơ bị sâu răng.

Hơn nữa, tình trạng nhiễm trùng lâu dài không được điều trị có thể lây lan sang các tổ chức khác quanh răng làm suy yếu nướu, khiến răng dễ lung lay, thậm chí có thể bị mất răng.

3. Dấu hiệu của bệnh theo từng giai đoạn

Viêm nướu răng ở trẻ em có những triệu chứng khác nhau tùy theo giai đoạn bệnh. Hiện nay, viêm nướu được chia thành 2 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1:

Đây là giai đoạn đầu, tình trạng viêm nhiễm chỉ mới khởi phát. Lúc này triệu chứng điển hình nhất là phần nướu răng của trẻ sưng đỏ và rất dễ chảy máu. Tình trạng chảy máu ở nướu đặc biệt dễ xảy ra khi trẻ đánh răng. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn này thì rất dễ điều trị triệt để.

Viêm nướu răng ở trẻ em và những điều cần biết - Ảnh 3.

Nướu của trẻ sưng đỏ và rất dễ chảy máu (Ảnh: Internet)

- Giai đoạn 2:

Giai đoạn viêm nhiễm lây lan. Sự viêm nhiễm ở nướu răng vào lúc này bắt đầu nặng dần lên. Lợi sưng viêm khiến thức ăn rất dễ tích tụ vào khe hay chân răng, khó vệ sinh sạch gây nhiễm trùng. Dấu hiệu tại giai đoạn này là lợi sưng, đỏ nhiều và chảy máu gây đau nhức, má có thể bị sưng và miệng có mùi khó chịu.

4. Điều trị viêm nướu răng ở trẻ em

Cơ thể trẻ em chưa được hoàn thiện tối đa nên rất nhạy cảm. Do đó việc phát hiện sớm tình trạng viêm nướu để có thể điều trị dứt điểm kịp thời là một việc rất quan trọng. Để điều trị viêm nướu răng ở trẻ em có những phương pháp bao gồm:

4.1. Điều trị nha khoa

Phụ huynh không nên tự ý điều trị cho trẻ bằng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng mà nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ sớm để có thể xác định mức độ bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp.

Các nha sĩ sẽ loại bỏ các mảng bám và cao răng là những tác nhân chính gây ra tình trạng viêm nướu nhằm loại bỏ các vi khuẩn, từ đó kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm tiến triển. Sau đó bác sĩ sẽ hướng dẫn cách đánh răng và vệ sinh răng miệng khoa học trong suốt quá trình điều trị.

Cha mẹ cần biết gì về tình trạng viêm nướu răng ở trẻ em? - Ảnh 4.

Nếu trẻ mắc viêm nướu răng cần đưa trẻ đến gặp nha sĩ sớm để có thể xác định mức độ bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp - Ảnh Internet

Một số loại thuốc có thể được chỉ định để điều trị tình trạng viêm nướu ở trẻ em bao gồm:

Kamistad dạng gel bôi. Đây là một loại thuốc có thành phần có tác dụng chống viêm, giảm đau. Trước khi thoa thuốc, trẻ cần vệ sinh khoang miệng sạch sẽ và lau khô vùng lợi rồi bôi một lớp mỏng 3 lần mỗi ngày.

Thuốc hỗ trợ Ceelin. Đây là một loại siro có tác dụng bổ sung vitamin C nhằm nâng cao khả năng đề kháng cho trẻ.

Dung dịch sát trùng Xanh methylen. Cách sử dụng rất đơn giản, trẻ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ rồi bôi nhẹ nhàng lên vị trí bị sưng viêm.

Nếu tình trạng viêm nhiễm khá nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại kháng sinh cần thiết để điều trị. Phụ huynh cần theo dõi trẻ sát sao và tuân thủ theo đúng đơn kê của bác sĩ.

4.2. Điều trị viêm nướu răng ở trẻ em tại nhà

Bên cạnh việc điều trị nha khoa, chăm sóc tại nhà cũng là một phương pháp bổ trợ giúp quá trình điều trị mang lại kết quả cao hơn. Phụ huynh có thể cho trẻ súc miệng với nước muối 2 lần mỗi ngày để làm sạch khoang miệng và ức chế hoạt động của vi khuẩn, hỗ trợ tiêu diệt hại khuẩn.

Chế độ ăn của trẻ cũng nên ưu tiên những thức ăn có độ đặc vừa phải, chẳng hạn như: thức ăn dặm cho trẻ, khoai tây nghiền, sữa chua, sốt táo và các thức ăn mềm, nhạt khác không cần nhai để tránh khiến tình trạng nướu bị tổn thương nặng hơn.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn