Virus hợp bào hô hấp (RSV) gây nhiễm trùng đường hô hấp. Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất ở trẻ em, bệnh cũng có thể lây nhiễm cho người lớn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết gần như tất cả trẻ em sẽ bị nhiễm bệnh khi lên 2 tuổi.
Bệnh thường có xu hướng bùng phát theo mùa nên mọi người cần có những biện pháp phòng ngừa tích cực vào những mùa cao điểm.
Virus hợp bào hô hấp (RSV) thường có xu hướng phát triển bắt đầu từ mùa Thu, có thể tiếp tục lưu hành cho đến những tháng mùa Xuân, bùng phát mạnh mẽ vào khoảng thời gian giao mùa Đông - Xuân.
Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu, cao điểm và kết thúc mùa RSV có thể thay đổi đôi chút hàng năm. Ví dụ, virus này thường không bùng phát vào đầu hè nhưng có thể do yếu tố thời tiết, sự phát triển của virus, … mà virus vẫn có thể gây bệnh mạnh mẽ vào khoảng thời gian này.
Aditya Shah, MBBS, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota, nói rằng: "Sau hai năm tạm lắng trong đại dịch COVID-19, Aditya Shah thấy một mùa RSV dài hơn và sự gia tăng các trường hợp nhiễm RSV và cúm."
Thông thường từ 4 đến 6 ngày sau khi bị nhiễm trùng thì các triệu chứng mới phát triển. Nhiễm trùng thường tự khỏi sau 1 hoặc 2 tuần. Tuy nhiên, ho có thể kéo dài trong vài tuần.
Ở trẻ lớn hơn và người lớn, nhiễm trùng RSV thường gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường như:
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Ho hoặc hắt hơi
- Sốt
- Mệt mỏi
- Đau họng
- Đau đầu
Đối với trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh, các triệu chứng có sự khác biệt đôi chút và trầm trọng hơn, các triệu chứng bao gồm:
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Giảm sự thèm ăn
- Ho và hắt hơi
- Sốt
- Thở khò khè
- Mệt mỏi hoặc uể oải
- Ngưng thở
RSV có thể gây bệnh qua giọt bắn khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus sau đó cho tay lên mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, virus cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp, chẳng hạn bạn hôn lên mặt, môi của em bé.
Một người bị nhiễm RSV thường có thể truyền virus trong khoảng từ 3 đến 8 ngày. Do đó, nếu bạn bị nhiễm bệnh, không nên tiếp xúc với mọi người trong khoảng một tuần, nếu cần thiết bạn có thể đeo khẩu trang, khi hắt hơi và ho nên dùng khăn giấy.
Virus RSV có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm tiểu phế quản: Đây là tình trạng viêm các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, có thể chặn dòng oxy.
- Viêm phổi: Đây là một bệnh nhiễm trùng gây viêm các túi khí nhỏ trong phổi của bạn, có thể gây khó thở.
- Nếu người bệnh mắc thêm các bệnh lý như hen suyễn và COPD, các triệu chứng có thể trầm trọng hơn.
Một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia năm 2015 và 2016 được công bố vào tháng 7 năm 2020 trên tạp chí Nhi khoa cho thấy: 35% trẻ em nhập viện vì bệnh hô hấp cấp tính có kết quả xét nghiệm dương tính với RSV. Trong số những đứa trẻ đó, 87% dưới 2 tuổi và 67% không có bệnh nền hoặc sinh non.
Hiện tại chưa có vắc-xin phòng ngừa RSV. Tuy nhiên, mọi người có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh bằng một số biện pháp như:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn
- Không cho tay lên mắt, mũi, miệng, nhất là trẻ em
- Tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện của bệnh đường hô hấp
- Vệ sinh đồ chơi của con trẻ thường xuyên
- Không nên dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, dụng cụ ăn uống hoặc bàn chải đánh răng
- Không hôn thơm trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vì trẻ lúc này chưa được tiêm phòng đầy đủ, hệ miễn dịch kém nên dễ mắc bệnh và tình trạng thường nguy hiểm hơn so với người lớn.
Nếu bạn bị bệnh, thực hiện những biện pháp sau để ngăn ngừa sự lây lan của virus, chẳng hạn:
- Ở nhà cho đến khi cảm thấy cơ thể khoẻ mạnh
- Ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay hoặc vào khăn giấy. Vứt bỏ ngay khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác.
- Khử trùng bất kỳ bề mặt nào bạn thường xuyên sử dụng, chẳng hạn như tay nắm cửa, tay cầm vòi và điều khiển từ xa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn